Gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng: Vì sao doanh nghiệp không kỳ vọng?
VOV.VN - Gói hỗ trợ 26.000 tỷ được cho rằng sẽ giản lược tối đa thủ tục, tạo điều kiện đơn giản, thông thoáng nhất, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn không mặn mà.
Gói hỗ trợ khó khăn do Covid-19 trị giá 26.000 tỷ đồng vừa được Chính phủ thông qua, trong đó 7.500 tỷ đồng sẽ dành cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh.
Theo đó, doanh nghiệp được vay vốn lãi suất 0% từ Ngân hàng chính sách xã hội để trả lương ngừng việc, phục hồi sản xuất phải không có nợ xấu tại thời điểm đề nghị vay vốn. So với gói 62.000 tỷ đồng trước kia, chính sách mới bỏ điều kiện chứng minh doanh thu hoặc tài chính doanh nghiệp.
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung khẳng định, chưa bao giờ có gói hỗ trợ, tài trợ nào mạnh tay như lần này vì mục đích hỗ trợ người lao động và chủ sử dụng lao động. Tuy vậy, không ít doanh nghiệp bày tỏ băn khoăn, e ngại.
Doanh nghiệp thiếu mặn mà
Đánh giá về gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng, đại diện nhiều doanh nghiệp khi được hỏi cho rằng, dù điều kiện đã được nới lỏng hơn nhưng cần phải cụ thể hóa chính sách hơn nữa thì doanh nghiệp mới có thể tiếp cận được.
Ông Phạm Đức Toản, Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư và Phát triển Bất động sản EZ (EZ Property) cho biết, từ khi xảy ra dịch Covid-19 đến nay, doanh nghiệp của ông đã phải đối mặt với hàng loạt khó khăn, trong đó các khoản đầu tư bị giãn tiến độ và buộc phải ngưng lại. Thị trường mong manh, nên nếu đầu tư tiếp sẽ mạo hiểm vì nguồn tiền cạn do doanh nghiệp bị đứt dòng tiền.
Nhiều mảng hoạt động của công ty cũng không mấy hiệu quả như: Bất động sản cho thuê gần như đóng băng, các khoản đầu tư phục vụ mảng này hiện công ty đang phải thu xếp nguồn tiền để chi trả. Hay mảng Bất động sản du lịch bán condotel cũng rơi vào thảm cảnh. Nhân sự nhiều mảng do đó buộc phải cắt giảm.
Chính vì vậy, ông rất trông chờ vào các gói hỗ trợ doanh nghiệp thời điểm này. Tuy nhiên, theo ông Toản, gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng tuy điều kiện được nới lỏng hơn gói 62.000 tỷ đồng nhưng để đến được tay các doanh nghiệp cũng không phải đơn giản. Ông Toản phân tích, gói hỗ trợ này chỉ có 7.500 tỷ đồng dành cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh. Trong khi đó, số lượng doanh nghiệp, hộ kinh doanh cần hỗ trợ lại vô cùng lớn. Vì vậy, số tiền này không thấm gì so với nhu cầu của các doanh nghiệp.
"Gói 62.000 tỷ đồng trước đó, số tiền lớn hơn nhiều so với gói này nhưng công ty tôi cũng như nhiều doanh nghiệp bạn bè không hề được tiếp cận. Vậy cơ hội của gói hỗ trợ lần này càng mong manh hơn", ông Toản nói.
Cũng theo ông Toản, dù điều kiện của gói 26.000 tỷ đông đã được nới lỏng nhưng đạt được các tiêu chí để hỗ trợ là rất khó. "Thực tế, số doanh nghiệp không có nợ xấu là rất hiếm. Tình hình dịch bệnh Covid-19 kéo dài gần 2 năm qua đã khiến phần lớn doanh nghiệp kiệt quệ, nhiều khoản vay khó trả, nợ cũ chồng nợ mới nên không phải doanh nghiệp nào cũng đạt được tiêu chí này", ông Toản khẳng định.
Ngoài ra, giống như gói 62.000 tỷ đồng trước đó, nếu không có bộ phận hỗ trợ, hướng dẫn thông tin và thủ tục cho doanh nghiệp thì sẽ rất khó để tiếp cận gói hỗ trợ mới này. “Doanh nghiệp nghe thông tin rồi không biết hỏi ai? Thuế là đơn vị quản lý trực tiếp của đơn vị tôi nhưng cũng không biết, hỏi ngân hàng cũng không có hướng dẫn cụ thể. Tóm lại là không có đầu mối tiếp nhận thông tin và hướng dẫn cụ thể cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp muốn tìm hiểu rất mất thời gian, không có cơ quan giải đáp. Nhiều doanh nghiệp không biết bắt đầu từ đâu”, ông Toản chia sẻ.
Đồng quan điểm, ông Trần Anh Đức - Giám đốc xí nghiệp cơ khí New Star (Hoàng Mai, Hà Nội) cũng cho biết, những doanh nghiệp nhỏ như cơ sở của ông gần như không thể tiếp cận được các gói hỗ trợ bởi lẽ có quá nhiều thủ tục rườm rà, phức tạp, làm mất thời gian của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, theo ông Đức, các chính sách, tiêu chuẩn để tiếp cận được gói hỗ trợ hơi cứng nhắc và thiếu linh hoạt nên không phù hợp với doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.
“Gói hỗ trợ mới vừa triển khai thực hiện nên tôi cũng chưa biết thế nào. Nhưng các gói hỗ trợ thời gian vừa qua, doanh nghiệp tôi gần như không tiếp cận được. Điển hình như gói cho vay để trả lương có giá trị 16.000 tỷ đồng với lãi suất 0%, được NHNN triển khai từ tháng 5/2020 nhưng gần như không có doanh nghiệp nào được vay. Sau đó, Chính phủ hạ tiêu chí xuống thì mới có vài chục doanh nghiệp tiếp cận”, ông Đức dẫn giải.
Còn theo đại diện một doanh nghiệp may mặc tại Hà Nội, hơn 1 năm qua, doanh nghiệp của anh gần như không hoạt động, số nhân công cũng đã cắt giảm hơn một nửa, tiền nợ ngân hàng từ năm 2019 vẫn chưa trả nổi. Vì vậy, anh không mấy hy vọng được tiếp cận với gói hỗ trợ mới này.
“Tôi lo gói hỗ trợ lần này cũng sẽ như gói hỗ trợ lần trước, doanh nghiệp sẽ rất khó để tiếp cận. Nếu như gói 62.000 tỷ đồng, điều kiện để doanh nghiệp được hưởng gói hỗ trợ này là phải giảm doanh thu 30% và lao động giảm 50%, nhưng nếu đáp ứng những tiêu chí này, thì doanh nghiệp của chúng tôi đã đóng cửa rồi. Giờ cũng vậy, số lượng doanh nghiệp được vay lãi suất 0% mà không có nợ xấu chắc cũng hiếm vô cùng”, vị lãnh đạo doanh nghiệp này nói.
Phải chọn đúng đối tượng ưu tiên
Theo các doanh nghiệp, để gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng đến gần được với doanh nghiệp, các tiêu chí cần được rõ ràng, phân cấp đối tượng. Ông Phạm Đức Toản cho hay, điều doanh nghiệp thực sự cần thời điểm này là được hoãn thuế thu nhập doanh nghiệp và VAT. “Nên đưa 1 gói dành riêng cho doanh nghiệp, trong đó miễn, giảm thuế và tiền đóng góp. Bên cạnh đó, cần phân loại doanh nghiệp để cho vay. Đối với các doanh nghiệp sản xuất, cần được ưu tiên hàng đầu. Tiếp đó, đến các doanh nghiệp du lịch và đầu tư du lịch. Hơn 1 năm qua, các doanh nghiệp này đã phải gồng mình giữa cơn bão Covid-19 khi có thời điểm doanh thu bằng 0, nhưng vẫn phải duy trì hoạt động, trả lương nhân viên và trả lãi ngân hàng. Khi phân loại được các doanh nghiệp được ưu tiên hỗ trợ, nguồn tiền sẽ đến được đúng đối tượng hơn. Tránh trường hợp doanh nghiệp không sản xuất, doanh nghiệp đầu tư được hưởng ưu đãi, dòng tiền sẽ chảy vào bất động sản, chứng khoán, dẫn đến hỗ trợ không đúng đối tượng”, ông Toản nói.
Đồng quan điểm, lãnh đạo doanh nghiệp may mặc tại Hà Nội cũng cho rằng, khi xây dựng chính sách hỗ trợ mới, cần tập trung hỗ trợ doanh nghiệp, trong đó có chọn lọc, phân loại ngành, nghề để hỗ trợ có điều kiện, tiêu chí cụ thể, bảo đảm doanh nghiệp có thể tiếp cận thuận lợi. Ưu tiên hỗ trợ doanh nghiệp đang có đơn hàng sản xuất, kinh doanh tốt, có đóng góp trong phát triển kinh tế, nhưng do ảnh hưởng của dịch bệnh không thể tiếp tục thực hiện duy trì sản xuất, phát triển kinh tế doanh nghiệp theo kế hoạch./.