Gói hỗ trợ doanh nghiệp và người dân: Đối tượng nào được nhận?
VOV.VN -Một gói cứu trợ khẩn cấp là cần thiết, song sự cẩn trọng thiết thực hơn nhiều khi nhìn vào nội lực kinh tế Việt Nam so với bình diện khu vực và quốc tế.
Đã có gói tài chính hỗ trợ kép cho cả người lao động yếu thế đảm bảo đời sống và một nhóm doanh nghiệp. Cần thêm một gói tài chính trực diện - cứu trợ, hạn chế tối đa số doanh nghiệp bị xóa sổ khỏi thị trường, bởi hệ lụy kéo theo sẽ tiếp tục tác động xấu đến an sinh xã hội.
Đây là quan điểm của nhiều chuyên gia trong việc đối phó với dịch Covid-19 và vực dậy kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, trong bối cảnh nguồn lực của Chính phủ có hạn, những gói tài chính diện này có thực sự cần thiết? Nếu có thể hiện thực hóa nguyện vọng này của giới doanh nghiệp, Chính phủ nên lưu ý những gì để gói cứu trợ mang lại hiệu quả-thực chất?
Nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn khi phải buộc dừng sản xuất do dịch Covid-19. |
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, cách đây chỉ vài ngày thôi, rất nhiều chuyên gia ngần ngại nói về một gói giải cứu, chỉ nói là gói hỗ trợ, kích cầu, bây giờ tình trạng bệnh dịch tác động rất mạnh.
"Chúng ta không thể nào giải cứu 100% doanh nghiệp, phải chấp nhận điều đó. Nhưng tôi bảo đảm rằng sẽ có rất nhiều doanh nghiệp họ có cơ hội, họ có tiềm năng để phục hồi. Nếu không có bàn tay cứu vớt của Chính phủ họ sẽ phá sản, rút khỏi thị trường vĩnh viễn, người dân mất việc làm, ảnh hưởng kinh khủng. Cho nên, Chính phủ cần phải có một gói cứu trợ ngay”, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu nhấn mạnh.
Trước hết, cần khẳng định ngay rằng, nguồn lực của Chính phủ không phải là vô hạn để có thể dễ dàng tung ra những gói tài chính hỗ trợ tương tự. Rất cần những nghiên cứu bài bản, cẩn trọng trước khi có thể hiện thực hóa nguyện vọng của người lao động hay giới doanh nghiệp.
Chắc chắn, Chính phủ và các cơ quan liên quan đang vừa khẩn trương-vừa thận trọng khảo sát và nghiên cứu để sớm có các giải pháp hiệu quả, với hy vọng người dân, doanh nghiệp chủ động - đồng lòng nỗ lực.
Ông Nguyễn Quang Huân – Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Halcom, Phó Chủ tịch Hội doanh nhân tư nhân đồng thuận quan điểm này và có những thông tin lưu ý quá trình triển khai các gói tài chính tương tự.
“Chính phủ mà chi càng nhiều thì việc cân đối ngân sách càng khó. Mình cũng không thể cứu chữa hết tất cả doanh nghiệp. Theo tôi chỉ nên tập trung cho các doanh nghiệp sản xuất hàng thiết yếu vì nếu doanh nghiệp đấy mà bị ảnh hưởng thì tiêu dùng của toàn xã hội sẽ bị ảnh hưởng ghê gớm. Hai là những doanh nghiệp đông người lao động”, ông Huân nêu ý kiến.
Ngoài ra, theo ông Huân, nên có một bộ phận am hiểu về kinh tế, am hiểu doanh nghiệp - chỉ có thể thông qua các cơ quan, địa phương, chính quyền địa phương hoặc thông qua hiệp hội ngành nghề, đủ mạnh để có đội ngũ chuyên gia đánh giá, sàng lọc doanh nghiệp, tránh tình trạng trong lúc đánh giá lại nảy sinh những tiêu cực - xoay về cơ chế xin cho. Sau khi sàng lọc, Chính phủ nên công bố rõ ràng, công khai, minh bạch.
Đây cũng chính là lí do giải thích băn khoăn của nhiều doanh nghiệp hiện nay, khi cho rằng mình thuộc diện được hỗ trợ hoặc chắc chắn thuộc diện này nhưng… “tiền thì vẫn chưa đến tay”.
Khi tình huống rất khẩn trương, ý kiến cần có thêm một gói cứu trợ trực diện cho giới doanh nghiệp đang nhận được sự đồng thuận không chỉ của giới doanh nghiệp hay cơ quan đại diện giới doanh nghiệp mà cả giới chuyên gia kinh tế và chuyên gia an sinh xã hội.
Chính phủ sẽ phải cân nhắc kế hoạch phục hồi sản xuất toàn nền kinh tế trong nửa năm hay một năm sau dịch bệnh Covid-19. |
Nguồn tài chính này có thể lấy từ đâu và sử dụng như thế nào tiếp tục được bàn thảo. PGS.TS Nguyễn Mạnh Quân, Viện trưởng Viện nghiên cứu và phát triển doanh nghiệp, Đại học Kinh doanh và công nghệ Hà Nội cho rằng, sự tồn tại của doanh nghiệp rất quan trọng. Chương trình hỗ trợ cho doanh nghiệp là một bài toán.
“Doanh nghiệp tạo ra việc làm được nâng đỡ, được hỗ trợ họ sẽ sống sót và vì thế tạo ra được việc làm, tạo điều kiện thuận lợi và giải quyết những vấn đề về mặt xã hội, đóng góp cho nền kinh tế. Chúng ta lấy nguồn tài chính ở đâu, nếu không phải từ nguồn đóng góp của doanh nghiệp, trước mắt tạm thời chỉ huy động các nguồn xã hội thôi, về lâu dài thì vẫn phải là dựa vào sức vươn lên của các khu kinh tế khác nhau, của các doanh nghiệp”, ông Quân nói.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Thanh Hưng –Viện trưởng Viện Quản trị Kinh Doanh, Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, Chính phủ rất cần và chắc chắn đã co những kịch bản tình huống, ví như, nếu dịch bệnh chấm dứt trong khoảng tháng 6 tới đây, kế hoạch phục hồi sản xuất toàn nền kinh tế trong nửa năm hay một năm sau sẽ như thế nào?
Doanh nghiệp và người lao động sẽ có thể nỗ lực tới đâu cũng là vấn đề phải bàn và cần có những kế hoạch tương tự! Nếu có thể có gói cứu trợ khẩn cấp-trực diện, Chính phủ, doanh nghiệp và cả người lao động cần quán triệt tinh thần sử dụng đúng mục đích nguồn tài chính này. Không chỉ xác định lượng doanh nghiệp được hưởng lợi, số người lao động được “cứu trợ”, cũng không chỉ ghi nhận những lời hứa suông, mà cần yêu cầu những cam kết mạnh mẽ từ nhóm đối tượng này.
Theo ông Hưng, nguồn lực chính phủ đang rất hạn hẹp, cần huy động các nguồn lực xã. Khi có rồi quản lý quỹ đó như thế nào. Đây là cứu trợ từ ngân sách nhà nước, từ xã hội, doanh nghiệp phải cam kết sử dụng đúng mục tiêu để giải quyết vấn nạn xã hội liên quan đến lao động, việc làm, thất nghiệp, giảm thu nhập...
“Cần có cam kết liên quan đến người lao động, vì cứu trợ cho doanh nghiệp cũng có nghĩa là cứu trợ cho người lao động làm việc cho doanh nghiệp. Việc đó phải làm rất rõ, phải có giám sát, sau đó minh bạch và công khai. Bản thân doanh nghiệp khi sử dụng tài chính cũng phải có một cơ chế khác, cách thức quản lý khác, chuẩn xác hơn. Nếu làm như vậy thì sẽ tránh được tình trạng trục lợi, nó đi ngược với mục tiêu cứu trợ”, ông Hưng nói.
Đó chỉ là những ví dụ-quan điểm-góc nhìn, có thể chưa phải điển hình, nhưng góp phần khẳng định “Một gói cứu trợ khẩn cấp là cần thiết. Sự cẩn trọng thiết thực hơn rất nhiều, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế-xã hội hiện tại và nội lực kinh tế Việt Nam so với bình diện khu vực và quốc tế”. Duy có một điều chắc chắn - như hy vọng của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đó là nếu người dân cùng doanh nghiệp chủ động, đồng lòng-chung vai, nỗ lực, mọi khó khăn sẽ trải qua dễ dàng hơn, kinh tế đất nước mới mau chóng phục hồi./.