Hạ lãi suất cho vay còn phải chờ sau ngày 1/6?
Sau ngày 1/6 khi Thông tư 02 chính thức có hiệu lực thi hành, số nợ xấu của nhiều ngân hàng sẽ tăng cao.
Nhiều ý kiến cho rằng, động thái hạ lãi suất huy động của các ngân hàng trong thời gian vừa qua sẽ tạo điều kiện giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp. Tuy nhiên, mọi việc dường như không đơn giản như vậy…
Tiết giảm đầu vào
Vietcombank là ngân hàng tiên phong hạ lãi suất trong năm 2014, lãi suất huy động kỳ hạn 1 tháng giảm còn 5%/năm, thấp hơn 2%/năm so với trần quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Động thái này của Vietcombank trong tháng 1 đã châm ngòi cho cuộc đua hạ lãi suất huy động của nhiều ngân hàng sau đó. Trước làn sóng này, có ý kiến cho rằng, các ngân hàng bắt tay nhau làm “khó” người gửi tiền.
Về vấn đề này, một lãnh đạo cấp cao của Techcombank cho rằng, ngân hàng tăng giảm lãi suất, nguyên nhân chính là do yếu tố cung cầu. Trước đây, các ngân hàng lớn thừa vốn, nhưng cũng không dám hạ lãi suất huy động, vì e ngại các ngân hàng nhỏ “vợt” mất khách hàng. Tuy nhiên, tình hình trong hệ thống hiện nay đã ổn định, nên việc các ngân hàng giảm lãi suất huy động là bình thường.
Ông Lê Quang Trung, Phó tổng giám đốc VIB phân tích, các ngân hàng giảm lãi suất huy động trước hết do thanh khoản của hệ thống hiện rất tốt. Tỷ lệ cấp tín dụng so với nguồn vốn huy động (LDR) của hầu hết ngân hàng thương mại (NHTM) phổ biến trong khoảng 70 - 80, nghĩa là huy động được 100 đồng, chỉ cho vay ra 70 - 80 đồng.
Nguyên nhân một phần cũng bởi nhu cầu tín dụng không lớn, do các doanh nghiệp (DN) không mặn mà đầu tư mở rộng sản xuất - kinh doanh trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn, chưa kể số DN có chất lượng đạt chuẩn để vay vốn ngày càng ít.
“Trong khi thu nhập từ tín dụng vẫn chiếm khoảng 70% cơ cấu lợi nhuận của ngân hàng, mà đầu ra tín dụng không còn cao, việc các ngân hàng tiết giảm đầu vào là chuyện đương nhiên”, ông Trung nói.
Đầu ra chưa giảm
Không ít ý kiến cho rằng, các ngân hàng hạ lãi suất huy động là tiền đề để mặt bằng lãi suất cho vay có thể giảm 1 - 2%/năm trong năm 2014 như kỳ vọng của lãnh đạo NHNN.
Bà Nguyễn Thị Hồng, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, NHNN chia sẻ, thời gian qua, ngành ngân hàng đã thực hiện nhiều giải pháp lãi suất, tín dụng để giảm mặt bằng lãi suất, hỗ trợ giảm chi phí vay vốn cho DN và người dân. Đến nay, lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên phổ biến trong khoảng 7 - 9%/năm; lĩnh vực sản xuất - kinh doanh khác trong khoảng 9 - 11,5%/năm. Một số DN tốt được ngân hàng cho vay với lãi suất từ 6,5%/năm.
“Mặt bằng lãi suất cho vay hiện tại đã trở về mức lãi suất của giai đoạn 2005 - 2006 và chỉ bằng 50% mức lãi suất vào nửa cuối năm 2011”, bà Hồng nói.
Tuy nhiên, theo TS. Nguyễn Xuân Thành, Chương trình giảng dạy kinh tế Fullbright, nhiều DN vẫn phải vay với lãi suất từ 11%/năm trở lên, thậm chí là 15%/năm.
Thế nhưng, lãnh đạo nhiều ngân hàng cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, ngân hàng không thể huy động thấp rồi cho vay ra quá cao, vì hầu hết DN sẽ không chấp nhận.
“DN đạt chuẩn tài sản tốt, phương án kinh doanh tốt và có dòng tiền, chắc chắn sẽ vay được với lãi suất dưới 9%/năm. Các DN này luôn được các NHTM chào đón”, ông Lê Quang Trung nhấn mạnh.
Tổng giám đốc một NHTM nhìn nhận, những năm vừa qua, nợ xấu tăng nhanh, buộc các ngân hàng thắt chặt khẩu vị rủi ro, nâng chuẩn cho vay. Với mặt bằng lãi suất hiện tại, những DN nào chấp nhận vay với lãi suất cao cũng có nghĩa là DN đó có vấn đề. Trong hệ thống hiện nay, không có ngân hàng nào dám nới khẩu vị rủi ro để “ôm” các DN có vấn đề đó.
Áp lực Thông tư 02
Bà Nguyễn Thị Hồng khẳng định, nếu điều kiện tài chính thuận lợi, các tổ chức tín dụng có thể tiếp tục giảm lãi suất cho vay từ 1 - 2%/năm. Thế nhưng, thế nào thì được xem là điều kiện tài chính thuận lợi? Khi nào thì lãi suất cho vay sẽ hạ tiếp?
TS. Vũ Đình Ánh, chuyên gia ngân hàng cho biết, lãi suất tiền gửi hiện là 6 - 7%/năm, ngang bằng với giai đoạn 2005 - 2006, thời điểm trước khi xảy ra bất ổn kinh tế vĩ mô. Trong khi đó, mục tiêu năm 2014 là kiểm soát lạm phát dưới mức 7%, có nghĩa, lãi suất huy động khó có thể hạ tiếp. Song lãi suất cho vay vẫn có thể hạ thêm nếu các ngân hàng xử lý tốt nợ xấu, tiết giảm tối đa chi phí...
Đồng tình quan điểm này, không ít chuyên gia cho rằng, nợ xấu lớn tại các ngân hàng hiện nay chính là trở ngại lớn nhất trong việc giảm lãi suất cho vay. Theo TS. Nguyễn Xuân Thành, hiện các ngân hàng đang chịu áp lực có lợi nhuận không phải là để trả cổ tức, mà là trích lập dự phòng rủi ro xử lý nợ xấu.
Mặc dù hoạt động kinh doanh của các ngân hàng thực tế đều có lợi nhuận, nhưng sau khi trích lập dự phòng rủi ro, lợi nhuận còn rất ít. Để có lợi nhuận sau dự phòng rủi ro khả quan hơn, các tổ chức tín dụng buộc phải duy trì một khoảng chênh lệch lãi suất đầu ra - đầu vào ở mức khá cao.
“Bởi vậy, nếu xử lý rốt ráo và triệt để vấn đề nợ xấu, cũng như các tổ chức tín dụng cơ cấu lại hoạt động theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả thì vẫn có thể giảm thêm được lãi suất cho vay”, TS. Thành nhấn mạnh.
Thế nhưng, từ 1/6/2014, Thông tư 02/2013/TT-NHNN sẽ chính thức có hiệu lực thi hành. Mặc dù Thông tư 02 sẽ được sửa đổi một số điều khoản cho “mềm” hơn, song khi áp dụng, nợ xấu của nhiều ngân hàng sẽ tăng cao.
“Theo NHNN, Thông tư 02 sẽ được áp dụng vào tháng 6/2014, nhưng hoãn thời gian áp dụng một số quy định trong Thông tư này, vì nếu áp dụng toàn bộ, tỷ lệ nợ xấu của hệ thống có thể tăng đáng kể, gây ra những ảnh hưởng không nhỏ đối với nền kinh tế”, một chuyên gia ngân hàng nói.
Nợ xấu tăng lên đồng nghĩa với việc chi phí hoạt động của ngân hàng tăng, áp lực duy trì lợi nhuận cao để bù đắp chi phí dự phòng rủi ro cũng sẽ gia tăng và hệ quả là “cửa” hạ tiếp lãi suất cho vay càng hẹp. Xem ra, việc lãi suất cho vay có giảm tiếp hay không còn phải chờ sau ngày 1/6 để đo lường mức độ tác động thực tế khi Thông tư 02 chính thức có hiệu lực thi hành./.