Hạ lãi suất: Phản ứng tích cực với thị trường
(VOV) -Lãi suất đã hạ theo tín hiệu thị trường, nền kinh tế nhưng vẫn ở mức cao so với sức chịu đựng của DN.
Thông báo chính thức của NHNN đưa ra điều chỉnh giảm các lãi suất chủ chốt kể từ ngày mai (26/3). Động thái này của NHNN được các chuyên gia kinh tế đánh giá là khá nhạy bén với thị trường.
“CPI tháng này đã hạ xuống và NHNN đã có động thái quyết định ngay giảm lãi suất là tín hiệu tốt, đáng mừng cho nền kinh tế” – chuyên gia tài chính Bùi Kiến Thành nhận xét.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Ngọc Bảo – Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Thép Việt Đức, thực ra giảm lãi suất đối với DN không phải là vấn đề quan trọng nhất. Vấn đề cơ bản bây giờ là đầu ra của DN rất khó khăn. Còn lãi suất tăng, hạ trên dưới 1% không phải là bài toán vĩ mô với DN. Cái họ cần là đầu ra thực sự của dòng tiền, điều này mang lại hiệu quả hơn là hạ 1-2% lãi suất. Vì đây chưa phải là cái gì lớn. “Tất nhiên, trong điều kiện hiện nay, giảm được phần trăm nào cũng đỡ cho DN được phần khó khăn ấy” – ông Bảo nói.
Còn chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh thì cho rằng, việc hạ lãi suất lần này là theo đúng tinh thần các Nghị quyết của Chính phủ. Tháng 3, lạm phát xuống dưới 7% (tính theo năm), hết tháng 2 ở mức 7%. Căn cứ vào diễn biến lạm phát và nhiều yếu tố khác, nhưng yếu tố chủ đạo là lạm phát đã lùi xuống dưới 7%, thì việc hạ trần lãi suất huy động xuống vùng 7% là hợp lý. Thứ nữa, việc hạ này sẽ kéo hạ được lãi suất cho vay. Lãi suất cho vay hiện nay vẫn cao so với sức chịu đựng của DN. Nên ngoài chuyện kéo giảm trần lãi suất huy động thì còn cần phải có biện pháp thu hẹp giữa lãi suất huy động và cho vay. Vì mục tiêu quan trọng cuối cùng là hạ lãi suất cho vay xuống, chứ không phải là hạ lãi suất huy động. Lãi suất huy động nếu điều chỉnh cũng phải cân nhắc vì nó phụ thuộc vào chuyện có gây ra biến động với luồng tiền vào NH hay không. Trước mắt, hết 3 tháng đầu năm lượng tiền vào NH vẫn rất lớn, kể cả tiền gửi của tổ chức và cá nhân gửi tiết kiệm và không phải tiết kiệm. Cho nên, việc hạ trần lãi suất là điều kiện cần và đủ. “Đây là phản ứng rất thị trường và thận trọng từ phía NHNN” – ông Ánh nói.
Còn chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành cho rằng, việc hạ lãi suất trong thời điểm này rất có ích cho cộng đồng DN để có được lợi thế cạnh tranh, hội nhập quốc tế; giảm chi phí trong nước. Đây là động thái tốt nhưng chưa biết các ngân hàng thương mại (NHTM) có thực sự hợp tác hay không. Vấn đề khó khăn hiện tại của DN không phải là lãi suất mà là khả năng tiếp cận nguồn vốn của NH. NHTM đòi tài sản thế chấp mới cho vay vốn. Trong khi bây giờ DN không còn tài sản vì có bao nhiêu đã thế chấp hết rồi. Thứ hai, các DN, NH cũng đang khó khăn về nợ xấu, nợ khó đòi. Theo qui định của NHNN, DN nào nhiều nợ xấu thì không được vay tiếp. Điều này giống như cái vòng luẩn quẩn mà không biết cách nào gỡ được. “NHNN phải có sáng kiến mới để giải phóng cục máu đông cản trở luồng máu đi từ NH đến các bộ phận kinh doanh trong nước. Nếu nợ xấu cứ tồn tại, cản trở lưu thông tiền tệ thì lãi suất xuống cũng không giải quyết được khó khăn của DN” – ông Thành nói.
Ngân hàng cũng phải có lãi
Theo ông Ánh, NH cũng phải hạ lãi suất đầu ra để đảm bảo cân đối nguồn vốn ra-vào. Bởi vì ở đây còn có cả quyền lợi của NH. Trước đó, NH không thể hạ được vì còn nhiều yếu tố. NH cũng muốn thu lãi. NH chỉ là trung gian chứ không vẽ ra tiền, chức năng của NH là huy động và cho vay. Giờ cắt mất chức năng cho vay thì NH sống bằng gì?
Cũng theo ông Ánh, lãi suất chỉ là một phần của câu chuyện. Bây giờ tín dụng bị tắc nghẽn, đóng băng thì còn nhiều nguyên nhân. Nhưng hiện tại xử lý được phần nào thì hay phần đó.
Chia sẻ vấn đề này, theo cảm nhận của ông Nguyễn Ngọc Bảo: “Thời điểm này, bắt buộc các NH phải giảm lãi suất cho vay. Nếu không giảm thì đầu ra rất khó khăn. NH có đầu vào nhưng không có đầu ra. Bây giờ phải khuyến khích giảm để tăng đầu ra và tăng đầu vào”.
Còn theo nhận định của ông Bùi Kiến Thành, hiệu ứng của đợt giảm lãi suất này với nền kinh tế đến đâu thì cần phải có thời gian xem xét. Nhưng nếu lãi suất vẫn ở vùng trên 10% thì khó cho DN hoạt động hiệu quả.
Để giải bài toán cho việc hạ lãi suất, theo ông Thành, NHNN đóng vai trò là NHTW cấp vốn trực tiếp cho NHTM với lãi suất thấp mà không phải dựa vào nguồn vốn huy động trong dân thì khi đó NHTM mới có thể cho vay lãi suất thấp được. Không thể có DN nào hoạt động được trong điều kiện lãi suất cho vay cao ngất ngưởng như ở Việt Nam trong 2 năm qua. Chúng ta đã thấy một trong những nguyên nhân khiến hơn một nửa số DN đối mặt với phá sản, giải thể, ngừng hoạt động một phần là do chịu lãi suất cao.
Theo đại diện một số ngân hàng trên địa bàn Hà Nội, ngay trong chiều nay, sau khi có thông tin NHNN bắt đầu từ ngày mai sẽ hạ lãi suất huy động và cho vay, nhiều khách hàng đã tranh thủ gửi tiền để khỏi mất % lãi suất chỉ sau một đêm ngủ dậy./.