Hạ lãi suất tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vay vốn

Kinh tế xã hội tháng Tư và 4 tháng đầu năm nay đã chuyển biến đúng hướng và đạt được nhiều kết quả tích cực bước đầu trên các lĩnh vực.

“Ưu tiên số 1 trong điều hành chính sách tiền tệ là tập trung hạ lãi suất gắn với tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận vay vốn” đây là một trong những yêu cầu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4 diễn ra trong ngày 3 và 4/5 tại trụ sở Chính phủ.

Theo đánh giá chung của các thành viên Chính phủ: Kinh tế xã hội tháng 4 và 4 tháng đầu năm nay đã chuyển biến đúng hướng và đạt được nhiều kết quả tích cực bước đầu trên các lĩnh vực cả kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội… Rõ nhất là lạm phát tháng 4 chỉ tăng 0,05% so với tháng 3, còn so với tháng 12 năm 2011 chỉ tăng 2,6% (thấp nhất trong 3 năm qua).

Nhiều ý kiến nhận định: mục tiêu kiềm chế lạm phát giảm xuống 1 con số trong năm nay là hoàn toàn khả thi. Thách thức là mục tiêu tăng trưởng khoảng 6% trong cả năm 2012 đang chịu nhiều sức ép rất lớn. Lãi suất tín dụng tuy đã giảm nhưng vẫn còn ở mức cao.

Chính phủ họp thường kỳ tháng 4.

Dư nợ tín dụng giảm mạnh. Thanh khoản của hệ thống ngân hàng và dự trữ ngoại hối tuy đã được cải thiện đáng kể, tỷ giá ổn định nhưng tăng trưởng công nghiệp 4 tháng qua chỉ đạt 4,3% (thấp nhất trong 3 năm gần đây). Lượng hàng hóa tồn kho tăng cao, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo.

Trong Quý I hơn 2.400 doanh nghiệp đã thực hiện thủ tục giải thể và khoảng 11.700 doanh nghiệp ngừng hoạt động có thời hạn hoặc dừng thực hiện nghĩa vụ thuế… Khó khăn này là những hệ lụy mà Chính phủ đã lượng tính trước khi thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô nhằm đảm bảo nền kinh tế phát triển bền vững.

Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhất trí với các bộ, ngành liên quan cần sớm hoàn thiện các gói giải pháp liên quan đến miễn, giảm, hoãn, giãn thuế hỗ trợ doanh nghiệp cũng như các giải pháp hỗ trợ thị trường với mục tiêu không để lạm phát tăng cao trở lại, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, đồng thời góp phần tái cơ cấu nền kinh tế…Thủ tướng yêu cầu trước hết Ngân hàng nhà nước trong điều hành chính sách tiền tệ ưu tiên số 1 là hạ lãi suất phù hợp với lạm phát gắn với tạo điều kiện thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn vay.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng chỉ đạo Ngân hàng nhà nước khẩn trương cơ cấu lại và kiên quyết xử lý dứt điểm các ngân hàng yếu kém; Bộ Tài chính dứt khoát phải bảo đảm cân đối thu chi ngân sách và mục tiêu giảm bội chi ngân sách đã đề ra; các bộ, ngành và các địa phương đẩy mạnh giải ngân các nguồn vốn đầu tư công gắn với khuyến khích thu hút các nguồn lực đầu tư xã hội; Bộ Y tế rà soát lại quy hoạch bệnh viện vùng khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải; sớm trình Chính phủ Đề án giảm quá tải bệnh viện và báo cáo thực trạng tình hình bệnh lao, đề xuất chương trình với các giải pháp cụ thể ngăn ngừa, phòng tránh và điều trị.

Bộ Kế hoạch và đầu tư chủ trì thúc đẩy tiến độ giải ngân các nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, tranh thủ thuận lợi khai thác làn sóng đầu tư của Nhật Bản và Hàn Quốc cũng như tính toán nguồn vốn đối ứng để giải ngân nhanh các dự án ODA…

Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành và các địa phương tập trung quyết liệt và cụ thể tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ thúc đẩy sản xuất kinh doanh, mở rộng thị trường trong và ngoài nước, nhất là đối với các lĩnh vực, sản phẩm có lợi thế, có thị trường liên quan đến nông nghiệp, du lịch, đầu tư nước ngoài xuất khẩu giá trị cao… Kiểm soát chặt chẽ các mặt hàng dễ xảy ra đầu cơ tăng giá như sữa, thuốc chữa bệnh; triển khai đồng bộ các chính sách, chương trình an sinh và phúc lợi xã hội; nắm bắt và giải quyết kịp thời các bức xúc nổi lên trong xã hội như người lao động mất việc làm, giảm nghèo ở vùng sâu vùng xa, tội phạm, tệ nạn xã hội, tai nạn giao thông, khiếu kiện đông người, dịch bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm và công tác phòng chống bão lũ….

Thủ tướng một lần nữa yêu cầu các bộ, ngành và các địa phương phối hợp chặt chẽ, cung cấp thông tin chính thống, kịp thời cho các cơ quan thông tấn báo chí để đẩy mạnh tuyên truyền, góp phần tạo sự đồng thuận để các cấp, các ngành, cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân cùng chung sức, đồng lòng thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước…

Tại phiên họp này, Chính phủ cũng đã đóng góp nhiều ý kiến xây dựng hoàn thiện Đề án tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước mà trọng tâm là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu phải tách bạch rõ chức năng, nhiệm vụ đối với từng doanh nghiệp không thể nhập nhằng như vừa qua và phải xác định rõ cơ chế phù hợp để hoạt động.

Thủ tướng đặc biệt lưu ý phải quy định rõ chức năng giám sát của chủ sở hữu và xây dựng thể chế nhằm đổi mới quản trị doanh nghiệp...

Cũng tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4, các thành viên Chính phủ tập trung phân tích các rào cản cần phải điều chỉnh và xóa bỏ nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư của nền kinh tế và đóng góp nhiều ý kiến xây dựng Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 4 về đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên