Hà Nội vẫn còn cán bộ tha hóa, tiếp tay cho buôn lậu
VOV.VN -Phó Thủ tướng yêu cầu thay thế và luân chuyển công tác đối với cán bộ thoái hóa.
Hôm nay (14/8), Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với TP. Hà Nội về chống buôn lậu, gian lận thương mại và an toàn giao thông.
Phát biểu kết luận cuộc làm việc, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, nếu Hà Nội chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả có hiệu quả thì góp phần làm tăng hiệu quả của công tác này trên cả nước vì Hà Nội là thị trường rất lớn. Tuy nhiên, cũng cần nghiêm túc nhìn nhận tình hình này đang diễn biến nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh, phá hoại nền sản xuất trong nước. Trên địa bàn Hà Nội, trên nhiều tuyến phố, chợ, trung tâm thương mại có nhiều hàng lậu, hàng giả được buôn bán, tiêu thụ.
Phó Thủ tướng cho rằng, kết quả chống buôn lậu, gian lận thương mại còn rất khiêm tốn, chưa đáp ứng được yêu cầu và mong đợi của nhân dân. Trong khi thành phố có tới vài chục nghìn cán bộ chức năng có liên quan tới công tác này.
Thậm chí, có trường hợp vì lợi ích cục bộ làm ngơ cho các đối tượng buôn lậu, đồng thời còn có một bộ phận nhỏ cán bộ cơ quan chức năng của thành phố tha hóa, biến chất, tiếp tay cho buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Để chấn chỉnh tình trạng trên, Phó Thủ tướng yêu cầu: Thủ đô phải làm gương cho cả nước trong công tác chống buôn lậu. Không ai được bao che, dung túng bảo kê cho các đối tượng này.
Phó Thủ tướng lưu ý, thành phố cần hoàn thiện tổ chức, bộ máy của Ban Chỉ đạo 389 TP Hà Nội, thay thế và luân chuyển công tác đối với cán bộ thoái hóa, có nghi ngờ không trong sáng trong công tác này. Đồng thời, phát động nhân dân tham gia chống buôn lậu cũng như có cơ chế mua tin báo của nhân dân. Tiến hành điều tra, nắm chắc đường dây, ổ nhóm buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả để triệt phá ngay, điều tra, truy tố, xét xử ngay đối tượng vi phạm.
Phó Thủ tướng nêu rõ: Chính phủ coi chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả là nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới. Vì vậy, lãnh đạo các cấp chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả bức xúc trên địa bàn. Các bộ, ngành, địa phương trong Ban Chỉ đạo quốc gia và địa phương cần phối hợp chặt chẽ, phân công, phân nhiệm rõ ràng trong công tác, tránh chồng chéo dẫn đến hoạt động kém hiệu quả công tác./.