Hái chè một tôm, hai lá, đón chào Hội trà cao nguyên
VOV.VN - Búp chè là nguồn nguyên liệu khởi đầu cho quá trình chế biến làm thành công sản phẩm chè ngon.
Nằm ở độ cao trên 1.050 m so với mực nước biển, cao nguyên Mộc Châu, tỉnh Sơn La được biết đến không chỉ là nơi có khí hậu ôn hòa quanh năm, mà còn có những đồi chè xanh mướt trải dài bát ngát...
Đồi chè xanh bạt ngàn tại Sơn La |
Cây chè đang là một trong những cây trồng chủ lực của người dân nơi đây. Với mong muốn tìm kiếm nhà đầu tư, cũng như cơ hội tốt để hợp tác tiêu thụ các sản phẩm chè, góp phần giúp người trồng chè có thu nhập ổn định, huyện Mộc Châu đang nỗ lực chuẩn bị các điều kiện tổ chức Hội trà cao nguyên Mộc Châu lần thứ hai năm 2017, sẽ diễn ra từ ngày 7/4 đến 9/4.
Gia đình ông Đỗ Xuân Hùng, tiểu khu Chè Đen 2, thị trấn Nông Trường Mộc Châu có trên 1 ha chè. Trong những năm qua, để diện tích chè đạt năng suất và hiệu quả cao gia đình ông luôn chú trọng áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đầu tư máy xới đất, máy tạo tán để chăm sóc chè theo đúng quy chuẩn của công ty. Năm nay, diện tích chè của nhà ông được chọn là một trong những địa điểm để tổ chức phần thi hái chè, trong Hội trà cao nguyên. Vì vậy ông đã dành nhiều thời gian cắt tỉa, tạo tán để có được những búp chè tốt nhất phục vụ cho hội thi.
Búp chè là nguồn nguyên liệu khởi đầu cho quá trình chế biến làm thành công sản phẩm chè ngon. Chính vì vậy yêu cầu của kỹ thuật đối với người làm chè là hái chè phải đảm bảo 1 tôm, 2-3 lá non. Người hái chè giỏi, thì vừa hái vừa phải tạo tán để điều tiết sinh trưởng của cây chè, đồng thời đảm bảo được năng suất, chất lượng búp cho lứa tiếp theo.
Đối với những người công nhân thuộc các đội chè của Công ty Chè Mộc Châu, hái chè là công việc thường nhật, nhưng được tham gia thi hái chè tại Hội trà vẫn là điều rất đặc biệt, nên họ rất háo hức rèn luyện kỹ năng hái chè bằng tay. Bởi đây là kỹ thuật hái chè có ý nghĩa rất quan trọng trong các khâu thu hoạch và chế biến chè, ảnh hưởng trực tiếp đến sản lượng nguyên liệu, chất lượng sản phẩm sau chế biến và sự phát triển của cây chè sau khi thu hoạch.
Hái chè một tôm, hai lá |
Chị Hà Thị Hải, Tiểu khu 67 thị trấn Nông Trường Mộc Châu cho biết: "Chúng tôi đang chuẩn bị sắp xếp công việc, chuẩn bị kỹ lưỡng để đạt kết quả tốt trong cuộc thi hái chè sắp tới".
Hội trà cao nguyên Mộc Châu tổ chức nhằm quảng bá các sản phẩm chè không chỉ của riêng cao nguyên Mộc Châu, mà còn là dịp để các sản phẩm chè của tỉnh Sơn La và các tỉnh bạn đến với khách hàng, góp phần giúp người trồng chè có thu nhập ổn định.
Đây là lần thứ 2, huyện Mộc Châu tổ chức Hội trà. Ngoài Sơn La có sự tham gia của các tỉnh có vùng chè truyền thống là: Lai Châu, Yên Bái, Hà Giang, Phú Thọ... với nhiều hoạt động phong phú, như: Trưng bày các sản phẩm trà, trình diễn nghệ thuật pha trà; tổ chức thi hái chè, trưng bày các sản phẩm văn hóa, du lịch, nông nghiệp; triển lãm ảnh sắc màu cao nguyên.... Ngoài ra, ngày hội còn là dịp để quảng bá giới thiệu các sản phẩm văn hóa, du lịch của cao nguyên Mộc Châu đến với du khách mọi miền./. Vùng cao Sơn La nỗ lực thoát nghèo từ cây chè