Hai kịch bản về an ninh lương thực, xuất khẩu gạo trong dịch Covid-19
VOV.VN - Đảm bảo an ninh lương thực là ưu tiên hàng đầu, khi nguồn cung giảm nhu cầu lương thực trên thế giới đang tăng vì dịch Covid-19 có thể kéo dài.
Giá lúa gạo có xu hướng tăng tới cuối năm
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, theo dự báo dịch Covid-19 có những diễn biến phức tạp, đảm bảo an ninh lương thực cực kỳ quan trọng. Bên cạnh đó, hạn hán còn kéo dài, khó khăn cho sản xuất. Việc tạm ngừng xuất khẩu gạo sẽ thực hiện trong khoảng thời gian nhất định là chủ trương đúng. Sau đó, xuất khẩu lúa gạo và an ninh lương thực có thể xảy ra 2 kịch bản phụ thuộc vào dịch bệnh.
“Kịch bản thứ nhất, khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp kéo dài, có thể xảy ra khủng hoảng thiếu lương thực cùng với đó là vấn đề thiên tai hạn hán. Sản xuất bất ổn, dịch bệnh giá lương thực sẽ tăng thì việc dự trữ lương thực là cần thiết.
Kịch bản thứ hai, sau 2 tháng nữa dịch bệnh được kiểm soát, kinh tế toàn cầu suy thoái, sản xuất đình đốn. Bối cảnh này, dự báo giá lương thực thực phẩm sẽ có xu hướng tăng khi nguồn cung giảm. Bên cạnh đó, hạn hán đang kéo dài, thiếu nước cho sản xuất nông nghiệp và sản lượng sẽ bị suy giảm. Do đó, tích trữ lương thực sẽ có lợi để bình ổn giá trong nước và xuất khẩu” - ông Long phân tích.
Giá lúa gạo có xu hướng tăng tới cuối năm. |
Chúng ta cũng cần đánh giá chính xác lượng lương thực dự trữ hiện nay, có giải pháp hợp lý trong thu mua lúa gạo từ người dân và điều tiết giá thị trường trong nước không có biến động lớn. Việc xuất khẩu sẽ được nối lại trong thời gian tới khi dịch bệnh được kiểm soát, an ninh lương thực đảm bảo, ông Long cho biết thêm.
Những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, nhu cầu đối với một số chủng loại hàng hóa thiết yếu, trong đó có gạo, đang tăng nhanh trên toàn cầu. Thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong 2 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu gạo đạt 928.798 tấn, tăng 31,7%. Tại một số thị trường, lượng xuất khẩu tăng rất mạnh như Malaysia tăng 149%, Trung Quốc tăng 595%... Đây là nguyên nhân chính khiến giá thóc, gạo trong nước cũng biến động mạnh, tăng khoảng 20 - 25% tùy theo chủng loại.
Đảm bảo lúa gạo tiêu thụ nội địa
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, dự kiến kế hoạch sản xuất lúa năm 2020 đạt 43,5 triệu tấn thóc. Trong đó, vụ đông xuân sản lượng ước đạt trên 20 triệu tấn thóc.
Kế hoạch sản xuất vụ hè thu và 6 tháng còn lại của năm 2020, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sản lượng ước đạt 11 triệu tấn thóc, dự kiến sẽ tập trung thu hoạch từ 15/6 - 30/9/2020. Trong đó, vụ thu đông tại các tỉnh vùng ĐBSCL sản lượng ước đạt 4,2 triệu tấn thóc, diện tích gieo cấy khoảng 750.000ha, dự kiến sẽ tập trung thu hoạch từ 15/9 - 15/11/2020. Vụ mùa, sản lượng ước đạt 8,2 triệu tấn thóc, dự kiến sẽ tập trung thu hoạch từ 15/9 - 31/12/2020. Trong thời gian tới, sẽ mua tăng 3.500 tấn hạt giống lúa đưa vào dự trữ Quốc gia.
Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết, với mức độ thâm canh cao trong sản xuất lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long, tháng nào ở khu vực này cũng có lúa được thu hoạch.
“Vụ đông xuân ở Đồng bằng sông Cửu Long năm nay dự kiến đạt 11 triệu tấn, tương đương với khoảng 3 triệu tấn gạo. Trong đó, chỉ cần 3 triệu tấn là đủ cho tiêu dùng nội địa ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long và TPHCM, các khu vực khác trong cả nước đều đáp ứng được nhu cầu gạo từ sản xuất tại chỗ” - ông Tùng cho biết.
Theo dự báo, nhu cầu tiêu thụ thóc trong nước là khoảng gần 30 triệu tấn. Trong đó, tiêu thụ của người dân là hơn 14 triệu tấn (tương đương 9,27 triệu tấn gạo) phục vụ chế biến, chăn nuôi, dùng làm giống, giống dự phòng, dự trữ trong nước là khoảng 16 triệu tấn.
Về xuất khẩu, tính đến ngày 15/3/2020, sản lượng gạo xuất khẩu đạt gần 1,3 triệu tấn, tăng 26,5% và giá trị đạt 602 triệu USD, tăng 34,6% so với cùng kỳ năm 2019. Dự báo, sản lượng gạo xuất khẩu năm 2020 từ 6,5 - 6,7 triệu tấn gạo (tương đương 13 - 13,4 triệu tấn thóc)./.
Chính phủ yêu cầu tạm dừng ký hợp đồng xuất khẩu gạo mới