Hai tháng nữa sẽ “dỡ trần” giá sữa cho trẻ em?
VOV.VN -Theo quy định hiện hành, việc áp trần giá sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi sẽ hết hiệu lực vào ngày 31/12/2016.
Việc áp đặt giá trần với sản phẩm sữa bột cho trẻ em dưới 6 tuổi có hiệu lực từ 01/6/2014 theo Quyết định 1079/2014 do Bộ Tài chính ban hành. Để góp phần bình ổn giá sữa và kiểm soát lạm phát 6 tháng cuối năm, ngày 7/6/2016, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 49/NQ-CP phiên họp thường kỳ tháng 5, trong đó thống nhất tiếp tục áp trần giá sữa đến hết ngày 31/12/2016 theo Nghị quyết số 33/NQ-CP về phiên họp thường kỳ tháng 4/2015.
Quy định áp trần giá sữa sẽ hết hiệu lực từ 31/12/2016 (ảnh minh họa: KT) |
Như vậy, chỉ còn hai tháng nữa, việc áp trần giá sẽ hết hiệu lực. Vấn đề đặt ra là sau thời điểm 31/12/2016, cơ quan quản lý có quyết “dỡ trần” và nó sẽ tác động thế nào đến giá sữa cho trẻ em ở nước ta? Tại buổi họp báo thường kỳ Quý 3/2016 của Bộ Tài chính diễn ra chiều 11/10/2016, bà Đinh Thị Nương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá đã thông tin về các biện pháp quản lý khi việc áp trần giá sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi sẽ hết hiệu lực vào ngày 31/12/ 2016.
Theo bà Đinh Thị Nương, hiện tại thì với quy định áp trần giá sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi, mức giá bán buôn của nhiều sản phẩm sữa bị khống chế giá trần thấp hơn 10%-15% so với giá bán buôn hiện hành; giá bán lẻ được quy định không được cao hơn quá 15% so với giá bán buôn.
Trong khoảng thời gian từ nay đến 31/12/2016, Bộ Tài chính sẽ đánh giá, tổng kết từ Trung ương đến địa phương về công tác bình ổn giá sữa để báo cáo Chính phủ. Sau đó, nếu Chính phủ tiếp tục cho áp dụng biện pháp bình ổn giá như hiện nay thì sẽ tiếp tục thực hiện theo quy định của Nghị quyết số 33/NQ-CP. Nếu Chính phủ cho phép dỡ bỏ áp trần giá sữa thì Bộ Tài chính sẽ triển khai một số giải pháp cụ thể để bình ổn giá mặt hàng này trong thời gian tới.
Cụ thể, bà Nương cho biết, Bộ Tài chính sẽ phối hợp cơ quan chức năng, bộ, ngành, địa phương kiểm tra tình hình chấp hành pháp luật về giá đối với các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh sữa dành cho trẻ dưới 6 tuổi; rà soát chặt chẽ hồ sơ kê khai giá của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi thuộc diện bình ổn giá và kê khai giá gửi về Bộ Tài chính…
Bộ Tài chính cũng sẽ chỉ đạo cơ quan Hải quan, cơ quan Thuế phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát, kiểm tra giá nhập khẩu nguyên liệu, giá nhập khẩu thành phẩm của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh mặt hàng này; tiến hành tham vấn giá nhập khẩu các sản phẩm kê khai giá cao hơn mặt bằng giá cùng loại tại nước xuất khẩu và các nước trong khu vực để kiểm soát tình trạng tăng giá nhập khẩu đầu vào để tăng giá bán trong nước của các doanh nghiệp phân phối sữa.
Trước đó, hồi cuối tháng 5/2014, Bộ Tài chính công bố bảng giá bán buôn tối đa với 25 sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi, trong đó phần lớn là những mặt hàng sữa loại 900g một hộp.
25 sản phẩm trong danh sách này thuộc 5 doanh nghiệp có thị phần lớn trên thị trường gồm: Công ty cổ phần sữa Việt Nam, Công ty TNHH Nestle Việt Nam, Công ty TNHH Frieslandcampina Việt Nam, Công ty TNHH dinh dưỡng 3A, Công ty Mead Johnson Việt Nam. Theo đó, những sản phẩm được áp trần bao gồm Dielac Alpha, Friso Gold, Frisolac Gold (của Dutch Lady), Enfamil, Enfagrow A+, Similac, Lactogen…
Trên cơ sở mức giá trần tối đa của 25 sản phẩm này, tổ chức, cá nhân căn cứ vào phương pháp định giá chung đối với hàng hóa, dịch vụ do Bộ Tài chính ban hành để so sánh xác định giá cho sản phẩm của mình rồi gửi cơ quan có thẩm quyền quản lý giá để đăng ký.
Trước khi thực hiện việc áp trần giá sữa này, cơ quan quản lý đã tranh tra với 5 doanh nghiệp chiếm 90% thị phần trong nước. Kết quả thanh tra cho thấy hàng loạt sai phạm của các đơn vị về đăng ký giá, kê khai thuế cũng như các khoản chi quảng cáo vượt quy định. Sau đó, Bộ Tài chính đã kiến nghị và được Chính phủ chấp thuận phương án áp giá trần giá sữa nhằm bình ổn thị trường./.