Hạn mặn ảnh hưởng nặng đến sản xuất nông nghiệp tại ĐBSCL
VOV.VN - Tình trạng hạn hán và mặn xâm nhập gay gắt trong năm nay tiếp tục gây ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống của nông dân tại các tỉnh khu vực ĐBSCL.
Tại tỉnh Sóc Trăng, sau khi gây thiệt hại, ảnh hưởng đến năng suất diện tích lúa Đông Xuân của huyện Trần Đề thì đến thời điểm này trên địa bàn huyện Long Phú và Kế Sách nhiều diện tích lúa Xuân Hè đang bị chết khô không thể cứu vãn, các diện tích còn lại cũng đang trong tình trạng bị đe dọa trầm trọng.
Khô hạn và mặn xâm nhập sớm đã làm cho các diện tích lúa Xuân Hè của huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng bị khô cằn nhiều ngày liền. Những thửa ruộng trồng lúa ở giai đoạn từ mạ đến làm đòng đang ở thời điểm cần nhiều nước để sinh trưởng hiện đã bị khô nứt chân ruộng, làm cho cây lúa trở nên èo uột.
Đang chờ nước lên để bơm tát cứu lúa, anh Lâm Hoàng Minh, ở ấp 4, thị trấn Long Phú, huyện Long Phú cho biết, một nửa diện tích vụ lúa Xuân Hè của gia đình đến nay gần như bỏ trắng vì không có nước bơm. Bây giờ chỉ cố gắng hy vọng vớt vát được phần lúa còn lại.
Đồng lúa khô hạn |
Không chỉ riêng anh Minh mà nhiều hộ khác sản xuất lúa ở đây cũng trong tình trạng tương tự. Ruộng lúa bị khô, không nước tưới mà chẳng biết làm gì cứu lúa. Ngay từ đầu vụ, mặc dù ngành nông nghiệp đã khuyến cáo nông dân không nên gieo sạ vụ lúa Xuân Hè ở những vùng dễ bị tổn thương bởi hạn mặn. Tuy nhiên, do vụ Xuân Hè tại địa phương trong những năm qua cho năng suất lúa khá và ổn định, trung bình cho 6,5 tấn/ ha nên nông dân bất chấp sự khuyến cáo này.
Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Long Phú cho biết, do hạn mặn năm nay đến sớm và kéo dài hơn mọi năm nên kế hoạch sản xuất vụ lúa Xuân Hè của địa phương chỉ còn 5000 ha. Phòng nông nghiệp khuyến cáo đối với các xã nằm trong vùng dự án Đê bao Long Phú – Tiếp Nhật thì không nên gieo sạ, vì đây là vùng chịu ảnh hưởng nặng nề của mặn xâm nhập hàng năm; đồng thời vận động bà con chuyển đổi sang trồng cây màu khác để có thêm thu nhập vào mùa khô.
Tuy nhiên, theo thống kê đến thời điểm này toàn huyện xuống giống gần 5.300 ha, tăng 300 ha so kế hoạch. Trong số này đã có khoảng 2.000 ha được bà con sản xuất tại khu vực nằm trong đê bao Long Phú – Tiếp Nhật được ngành nông nghiệp khuyến cáo là không nên gieo sạ. Các diện tích này hiện hiện đang trong tình trạng bị ảnh hưởng khá nặng nề vì thiếu nước ngọt tưới tiêu và đã có 78 ha bị thiệt hại trắng.
Ông Nguyễn Văn Hồng, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Long Phú cho biết, tình hình lúa Xuân Hè của địa phương sẽ còn bị ảnh hưởng nặng và tỷ lệ thiệt hại sẽ tăng cao nếu trong thời gian tới hạn mặn sẽ còn diễn biến gay gắt.
Nông dân bơm tát nước cứu lúa |
Mặc dù tại cống Bà Xẩm mới đây độ mặn đo được giảm xuống chỉ còn dưới 2%o và đã được mở cống để đưa nước vào tưới tiêu cứu trà lúa đang bị khô. Tuy nhiên, hiện lượng nước tại nhiều kênh nội đồng trên địa bàn huyện Long Phú rất thấp, nhiều kênh đang trong tình trạng cạn kiệt.
Trong khi đó, tình trạng xâm nhập mặn trong những ngày qua tại huyện Kế Sách cũng đang ở mức báo động, khi hiện nay mặn đã xâm nhập sâu gần toàn bộ các xã, thị trấn của huyện, điều mà nhiều năm trở lại đây chưa từng xảy ra. Tính đến thời điểm này, toàn huyện có khoảng 750 ha lúa đã bị ảnh hưởng hạn, mặn; trong đó có gần 9 ha bị thiệt hại hoàn toàn.
Ngoài ra, một số diện tích rau màu, cây ăn trái, ao nuôi trồng thủy hải sản của bà con cũng ghi nhận là chịu thiệt hại trong đợt mặn xâm nhập vừa qua. Hiện ngành nông nghiệp và chính quyền địa phương đang gấp rút tập huấn bà con giải pháp ứng phó với mặn đối với các địa phương mới bị mặn xâm nhập lần đầu, đồng thời hướng dẫn bà con cách chăm sóc và cứu trà lúa đã bị ảnh hưởng bởi mặn xâm nhập.
Ông Vũ Bá Quan, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Kế Sách nói: “Chúng tôi sẽ theo dõi diễn biến độ mặn ở tất các các xã trên địa bàn của huyện. Trên cơ sở nồng độ mặn của từng nơi, chúng tôi sẽ có hướng dẫn bà con nông dân các biện pháp kỹ thuật cũng. Tùy theo giai đoạn sinh trưởng của từng cây trồng sẽ có những cái khuyến cáo cụ thể.”
Dự báo trong thời gian sắp tới, hạn mặn sẽ còn gay gắt, gây ảnh hưởng trầm trọng đến sản xuất, đời sống của người dân. Huyện Kế Sách sẽ hỗ trợ bà con bằng việc cấp phát 100 dụng cụ đo độ mặn loại đơn giản cho các địa phương để có phương tiện theo dõi độ mặn thường xuyên, chủ động ứng phó kịp thời, khuyến cáo bà con trữ nước ngọt tưới tiêu cho cây trồng trong thời gian hạn mặn xâm nhập kéo dài./. Các tỉnh ven biển tây ĐBSCL đối phó với hạn mặn