Hàng loạt trạm cân điện tử thu mua nông sản ở Kon Tum sai phạm gây bức xúc

VOV.VN - Những trạm cân điện tử này đang tồn tại nhiều sai phạm, ảnh hưởng đến hoạt động thương mại và gây bức xúc trong nhân dân.

Thời gian gần đây tại tỉnh Kon Tum nở rộ tình trạng doanh nghiệp (DN) và hộ kinh doanh đầu tư trạm cân điện tử (TCĐT) để thu mua nông sản. Thực tế cho thấy, bên cạnh yếu tố tích cực giúp người dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số tiêu thụ nông sản, những TCĐT này đang tồn tại nhiều sai phạm ảnh hưởng đến hoạt động thương mại và gây bức xúc trong nhân dân.

Tỉnh lộ 678 đi qua 4 xã: Đăk Tờ Kan, Đăk Rơ Ông, Đăk Sao và Đăk Na huyện Tu Mơ Rông có chiều dài chỉ 27km, nhưng hiện có tới 10 TCĐT thu mua nông sản. Trong đó riêng đoạn thuộc địa bàn xã Đăk Rơ Ông tập trung nhiều nhất với 5 trạm cân.

Ông Ngụy Đình Phúc, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 2, Cục Quản lý thị trường tỉnh Kon Tum cho biết, kiểm tra thực tế cho thấy các TCĐT thu mua nông sản này đều có sai phạm.

“Các TCĐT họ sử dụng cân không có tem nhãn hàng hóa và kiểm định theo quy định. Tại các điểm thu mua nông sản lại không niêm yết giá theo quy định, nên giá thu mua của các trạm cân có sự chênh lệch với nhau, chính vì thế nên người dân sẽ thiệt thòi khi bán nông sản mì. Lực lượng quản lý thị trường rất nghi ngờ về chất lượng của những TCĐT không đảm bảo”, ông Phúc nói.

Cùng với những sai phạm trong lĩnh vực thương mại như không có giấy phép kinh doanh; cân không có nhãn hàng hóa; thiếu và không có hồ sơ trạm cân, kinh doanh không đúng địa điểm, không niêm yết giá thu mua…10 TCĐT thu mua nông sản trên tuyến tỉnh lộ 678 đi qua 4 xã của huyện Tu Mơ Rông còn có những vi phạm như mở đường đấu nối trái phép vào đường chính, đào hành lang an toàn đường bộ lắp đặt TCĐT, xây dựng nhà ở trong phạm vi đất dành cho đường bộ.

Ông Nguyễn Thái Hoàng Anh, Chuyên viên thanh tra, Sở Giao thông Vận tải tỉnh Kon Tum cho hay, vấn đề đầu tiên của các TCĐT là mở đường đấu nối trái phép vào đường chính mà không được sự cho phép của cơ quan chức năng. Việc này sẽ gây ra những xung đột giao thông tại địa điểm mà các trạm cân này mở đường đấu nối.

“Bên cạnh việc này cũng phải nói rõ thêm một điều là điều kiện cấp phép kinh doanh của các TCĐT không có sự đồng bộ. Đúng ra là trước khi có giấy phép đăng ký kinh doanh, các TCĐT phải có giấy phép đấu nối nhưng hiện tại các TCĐT lại làm ngược lại dẫn đến tình trạng bất cập hiện nay”, ông Hoành Anh chỉ rõ.

Thống kê của cơ quan chức năng huyện Tu Mơ Rông cho thấy, trên địa bàn huyện hiện có 15 TCĐT thu mua nông sản và chủ yếu là thu mua sắn của người dân. Bên cạnh yếu tố tích cực là giúp người dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số tiêu thụ sắn thì các trạm cân này cũng tồn tại nhiều sai phạm, ảnh hưởng đến hoạt động thương mại và gây bức xúc trong nhân dân.

Cụ thể như gian dối về trọng lượng; trừ phần trăm tạp chất cao gây thiệt hại cho nông dân; cố tình mập mờ nhằm ép giá thu mua (trong khi nhà máy thu mua từ 2.300 - 2.400 đồng/kg sắn tươi, nhưng các trạm cân này chỉ thu mua của người dân từ 1.800 - 2.000 đồng/kg và thậm chí là thấp hơn…

Trước việc các TCĐT thu mua nông sản trên địa bàn có nhiều sai phạm, ảnh hưởng đến hoạt động thương mại và an ninh trật tự nông thôn, ông Phạm Xuân Quang, Phó Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông cho biết, chính quyền huyện cũng đã có chỉ đạo về việc này.

“Huyện cũng đã tăng cường chỉ đạo cho các xã quản lý chặt chẽ không cho các trạm cân mọc thêm nữa. Với những TCĐT huyện đã cho chủ trương, đề nghị các trạm cân này sớm hoàn thành thủ tục theo đúng quy định và chấp hành các quy định của pháp luật. Với những TCĐT vi phạm, huyện cũng đã liên hệ với thanh tra giao thông liên quan đến đấu nối. Riêng về chất lượng cân và việc đảm bảo về giá cả thu mua, huyện đã làm việc với lực lượng quản lý thị trường cùng với Chi cục đo lường chất lượng của Sở Khoa học tỉnh để quản lý, kiểm tra”, ông Quang thông tin.

Trong 10 huyện, thành phố của tỉnh Kon Tum, chỉ tính trên địa bàn 2 huyện Tu Mơ Rông và Đăk Tô hiện đã có 32 TCĐT thu mua nông sản. Kết quả kiểm tra sơ bộ của Đội Quản lý thị trường số 2, Cục Quản lý thị trường tỉnh Kon Tum và Sở khoa học và Công nghệ cùng ngành chức năng 2 huyện này cho thấy, hầu hết các TCĐT của doanh nghiệp và hộ kinh doanh lắp đặt đều không đảm bảo các quy định.

Cũng phải thấy rõ một điều rằng, do chính quyền các cấp không thực hiện tốt biện pháp quản lý ngay từ ban đầu, dẫn đến việc các TCĐT thu mua nông sản đã gây ra nhiều hệ lụy cả trong lĩnh vực thương mại và an ninh trật tự nông thôn, nên tình trạng này cần phải được chấn chỉnh ngay./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Lạng Sơn ứng dụng công nghệ số hỗ trợ tiêu thụ nông sản mùa dịch
Lạng Sơn ứng dụng công nghệ số hỗ trợ tiêu thụ nông sản mùa dịch

VOV.VN - Ứng dụng CNTT để hỗ trợ tiêu thụ các sản phẩm nông sản trên địa bàn được xem là giải pháp hữu hiệu góp phần hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh, nâng cao đời sống nông dân trong thời điểm hiện nay.

Lạng Sơn ứng dụng công nghệ số hỗ trợ tiêu thụ nông sản mùa dịch

Lạng Sơn ứng dụng công nghệ số hỗ trợ tiêu thụ nông sản mùa dịch

VOV.VN - Ứng dụng CNTT để hỗ trợ tiêu thụ các sản phẩm nông sản trên địa bàn được xem là giải pháp hữu hiệu góp phần hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh, nâng cao đời sống nông dân trong thời điểm hiện nay.

Nông dân Đồng Tháp thay đổi tư duy tiêu thụ nông sản trong mùa dịch
Nông dân Đồng Tháp thay đổi tư duy tiêu thụ nông sản trong mùa dịch

VOV.VN - Tự tay thu hoạch và chế biến sản phẩm, nhiều nông dân đã thấm thía điều tưởng như đơn giản, đó là tham gia nhiều hơn vào chuỗi giá trị thì người dân sẽ kiếm được nhiều tiền hơn.

Nông dân Đồng Tháp thay đổi tư duy tiêu thụ nông sản trong mùa dịch

Nông dân Đồng Tháp thay đổi tư duy tiêu thụ nông sản trong mùa dịch

VOV.VN - Tự tay thu hoạch và chế biến sản phẩm, nhiều nông dân đã thấm thía điều tưởng như đơn giản, đó là tham gia nhiều hơn vào chuỗi giá trị thì người dân sẽ kiếm được nhiều tiền hơn.

Một chủ doanh nghiệp chi 700 triệu đồng thu mua nông sản làm từ thiện trong đại dịch
Một chủ doanh nghiệp chi 700 triệu đồng thu mua nông sản làm từ thiện trong đại dịch

VOV.VN - Hoạt động của người chủ doanh nghiệp trẻ tại Cần Thơ đã lan tỏa đến nhiều người, nhiều nhà hảo tâm đã chung tay tiếp sức để ngày càng nhiều mảnh đời khó khăn được giúp đỡ.

Một chủ doanh nghiệp chi 700 triệu đồng thu mua nông sản làm từ thiện trong đại dịch

Một chủ doanh nghiệp chi 700 triệu đồng thu mua nông sản làm từ thiện trong đại dịch

VOV.VN - Hoạt động của người chủ doanh nghiệp trẻ tại Cần Thơ đã lan tỏa đến nhiều người, nhiều nhà hảo tâm đã chung tay tiếp sức để ngày càng nhiều mảnh đời khó khăn được giúp đỡ.