Hàng trăm tỷ đồng còn dư sau phòng chống Covid-19 sẽ xử lý thế nào?
VOV.VN - Tổng số tiền mặt và hiện vật ủng hộ kinh phí phòng, chống dịch Covid-19 trị giá khoảng 2.900 tỷ đồng từ cấp Trung ương, tại địa phương huy động được trên 15.000 tỷ đồng, hiện ở Trung ương còn dư 118 tỷ đồng, ở địa phương còn dư 814 tỷ đồng.
Tại Hội nghị tổng kết công tác phòng, chống dịch Covid-19 của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 ngày 29/10, các đại biểu đã nêu những thành tích đạt được, bài học kinh nghiệm rút ra và đề xuất phương hướng sau hơn 3 năm chống dịch.
Bà Nguyễn Thị Thu Hà - Phó chủ tịch, Tổng thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho hay, từ khi đại dịch Covid-19 xuất hiện, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam vận động, huy động các nguồn lực xã hội. Kết quả, tổng số tiền mặt và hiện vật ủng hộ kinh phí phòng, chống dịch trị giá khoảng 2.900 tỷ đồng từ cấp Trung ương, tại địa phương huy động được trên 15.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, trong bối cảnh đại dịch lần đầu xuất hiện, chưa có tiền lệ, yêu cầu chống dịch phải nhanh chóng, do đó quá trình vận động, quản lý, phân bổ nguồn lực cũng gặp một số khó khăn, đặc biệt các căn cứ pháp lý. "Từ thực tế đó, tôi xin được nêu 2 kiến nghị, đề xuất. Một là, đề nghị Thủ tướng cho phép các khoản địa phương đã chi từ nguồn vận động của địa phương không phải thu hồi để nộp về quỹ vacine. Thứ hai, với nguồn kinh phí phòng, chống dịch còn dư (ở trung ương còn dư 118 tỷ đồng, ở địa phương còn dư 814 tỷ), đề nghị Thủ tướng theo hướng rà soát, nếu không còn nội dung hỗ trợ thì chuyển toàn bộ kinh phí này về trung ương theo quy định. Có nghĩa sử dụng tiếp cho các đợt sau và các việc liên quan đến thiên tai, sự cố, dịch bệnh; còn ở các địa phương thì trực tiếp sử dụng", bà Hà kiến nghị.
Báo cáo tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Văn Tuyến - đại diện Tiểu ban An ninh, trật tự - cũng cho biết, trong hơn 3 năm phòng, chống dịch Covid-19, lực lượng Công an nhân dân đã tích cực tham gia tuyến đầu trong công tác phòng chống, đẩy lùi đại dịch; giữ vững ổn định chính trị xã hội. Lực lượng công an đã xử phạt vi phạm hành chính trên 550 đối tượng đăng tải thông tin sai sự thật về công tác phòng chống dịch.
Phát hiện, xử lý hành chính 1.295 vụ với 3.232 trường hợp xuất nhập cảnh vi phạm quy định, 459.368 trường hợp vi phạm các quy định về công tác phòng chống dịch bệnh. Chủ động phối hợp, phát hiện xử lý 365 vụ với 413 đối tượng lợi dụng chính sách phòng chống dịch bệnh để đầu cơ nâng khống giá bán các mặt hàng phục vụ công tác phòng chống dịch; buôn lậu, sản xuất, buôn bán hàng giả; tiêu cực, trục lợi trong sử dụng kinh phí phòng chống dịch.
Công an các cấp đã khởi tố 37 vụ với 104 bị can, xử phạt vi phạm hành chính 220 vụ, 222 đối tượng với số tiền gần 3 tỉ đồng. Tập trung điều tra, xử lý nghiêm minh các hành vi lợi dụng chính sách phòng chống dịch bệnh để tham nhũng, tiêu cực. Đặc biệt, tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả các vụ Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng đã chỉ đạo, như vụ án Việt Á.