Hàng tỷ USD từ ngân hàng Việt ‘chảy’ ra nước ngoài: Bình thường?
VOV.VN-Theo Viện trưởng VEPR, ngân hàng Việt gửi 7,3 tỷ USD ra nước ngoài quý 3/2015 là hệ luỵ bẫy thanh khoản ngoại tệ, còn TS. Cấn Văn Lực cho là bình thường.
Tại buổi công bố Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2016 của Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) vừa diễn ra, TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR, lại nhắc lại câu chuyện hàng tỷ USD từ Việt Nam ‘chảy’ ra nước ngoài ở quý 3/2015 và cho rằng đó là hệ luỵ của “bẫy thanh khoản ngoại tệ”. Còn TS. Cấn Văn Lực, Phó TGĐ Ngân hàng BIDV, cho rằng đó là chuyện bình thường của người làm kinh doanh.
TS. Nguyễn Đức Thành: Bẫy thanh khoản ngoại tệ
Phân tích về “bẫy thanh khoản ngoại tệ”, TS. Thành cho hay: Giai đoạn Quý 3/2015, lãi suất USD ở mức thấp. Trong khi đó, giữa tháng 8/2015, đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc bất ngờ mất giá dẫn đến lo ngại về việc tiền đồng Việt Nam sẽ được điều chỉnh hạ giá (tỷ giá trong nước tăng). Do đó dẫn đến các ngân hàng không thể cho vay bằng ngoại tệ vì doanh nghiệp lo ngại trượt giá cộng với lãi suất USD sẽ tác động đến lãi suất VND.
Cho nên, theo TS. Thành, ngay cả khi hạ lãi suất USD xuống rất thấp hoặc 0% thì mức trượt giá và lãi suất VND sẽ khiến người dân mua USD hoặc doanh nghiệp vay VND chứ không vay USD. Do đó, ngân hàng thương mại không thể cho vay USD dù hạ lãi suất cho vay, dẫn đến “bẫy thanh khoản ngoại tệ”.
Lãi suất huy động USD về 0% sẽ ‘chảy máu’ ngoại tệ?
Diễn biến này, theo TS. Thành, là “bất thường, và một phần có thể xem như tình trạng “bẫy thanh khoản” với ngoại tệ của hệ thống ngân hàng. Bởi vì lãi suất huy động và cho vay USD vốn ở mức thấp, cộng với kỳ vọng tỷ giá USD/VND tăng lên sau sự kiện Trung Quốc phá giá, khiến thị trường không tìm được mức lãi suất cho vay ngoại tệ cân bằng. Hệ quả, NHTM không tìm được đầu ra cho dòng vốn tiết kiệm ngoại tệ nên gửi tiền không kỳ hạn/kỳ hạn ngắn ở ngân hàng nước ngoài là giải pháp sinh lợi tối ưu nhất.
TS. Cấn Văn Lực: NH gửi USD ra nước ngoài hưởng lãi là bình thường
Về câu chuyện “bẫy thanh khoản ngoại tệ”, TS. Cấn Văn Lực, Phó TGĐ Ngân hàng BIDV, với kinh nghiệm 23 năm làm trong ngành ngân hàng, giải thích: Con số 7,3 tỷ USD từ Việt Nam ra nước ngoài trong quý 3/2015 là câu chuyện hết sức bình thường, vì 2 lý do: Một là, thông thường ngân hàng phải chuẩn bị vốn để thanh toán, nhất là phục vụ nhu cầu về xuất nhập khẩu dịp cuối năm. Hai là, trong bối cảnh rủi ro tỷ giá rất cao ở cuối quý 3/2015. Trung Quốc điều chỉnh tỷ giá 3 lần, Việt Nam cũng điều chỉnh 3 lần. Khi đó, tâm lý của người dân cũng như người làm nghề ngân hàng là phải có dự trữ ngoại tệ để phòng ngừa rủi ro tỷ giá thì đương nhiên ngân hàng phải gom USD để đề phòng rủi ro.
Còn về lý do vì sao ngân hàng lại để USD ở nước ngoài mà không để trong nước? TS. Lực cho hay, vì để ở nước ngoài thì lãi suất cao hơn một chút. Nước chảy chỗ trũng, là người làm kinh doanh, khi lãi suất gửi USD ở nước ngoài khoảng 0,5% – 0,6% trong khi tại thời điểm đó gửi trong nước đối với tổ chức chỉ được hưởng lãi 0,25%, thậm chí sau đó còn về 0%. Rõ ràng, từ góc độ kinh doanh, ở đâu lãi cao thì gửi. Việc ngân hàng gửi USD ra nước ngoài như thế cũng là bình thường, không phải thanh khoản có vấn đề gì, cũng không phải thừa ngoại tệ.
Thực tế thì, theo ông Lực, cuối năm 2015, hệ thống ngân hàng vẫn cho vay ngoại tệ bình thường chứ không phải thừa ngoại tệ. Quý 3 năm ngoái, có 1 đồng ngoại tệ huy động thì ngân hàng vẫn cho vay tới 1,2 đồng. Như vậy, “ngân hàng vẫn cho vay rất tốt, chứ không phải rơi vào bẫy thanh khoản ngoại tệ như nhiều người nói”- TS.Lực nhấn mạnh./.