Hàng Việt khó vào siêu thị chỉ vì thiếu quy trình bài bản?
VOV.VN - Nhiều sản phẩm sản xuất trong nước chất lượng tốt nhưng chưa có chỗ đứng trong siêu thị chỉ vì chưa có chứng chỉ sản phẩm.
Hiện nay, hàng Việt Nam đã chiếm tỷ trọng 80-90% tại các hệ thống siêu thị. Thế nhưng, vẫn còn nhiều sản phẩm sản xuất trong nước như nông sản, hải sản, thực phẩm, và các mặt hàng tiêu dùng khác chất lượng tốt chưa có chỗ đứng trong siêu thị. Theo ý kiến của nhiều chuyên gia kinh tế, nguyên nhân chủ yếu là do thiếu sự liên kết chuỗi ngay từ khâu sản xuất cho đến tiêu thụ và xuất khẩu.
Hàng Việt vào siêu thị không dễ dàng
Sau 6 năm triển khai, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã đạt hiệu quả cao khi vừa khuyến khích doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất những mặt hàng có chất lượng tốt, giá phải chăng, vừa thúc đẩy người tiêu dùng ưu tiên mua sắm hàng sản xuất trong nước.
Đáng chú ý, nhiều sản phẩm sản xuất trong nước đã chiếm ưu thế tại các cơ sở phân phối của cả doanh nghiệp trong và ngoài nước cũng như doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ở Việt Nam. Điển hình, tại hệ thống siêu thị Big C có tới gần 90% hàng Việt, hệ thống siêu thị Saigon Co.op Mart có khoảng 95%, hệ thống siêu thị Vinatex Mart khoảng 100% hàng sản xuất trong nước.
Mặc dù các siêu thị ưu tiên hàng Việt là vậy, nhưng con đường để hàng Việt Nam có mặt tại các siêu thị lại không hề dễ dàng. Theo ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội, con số 90% hàng Việt trong khâu bán lẻ là chưa bền vững, bởi tới đây, khi chúng ta hội nhập, nguồn hàng hóa đa dạng, có chất lượng và giá cạnh tranh từ các nước như Thái Lan, Indonesia, Singapore… sẽ vào thị trường rất mạnh và hàng hóa trong nước khó có thể cạnh tranh.
Lý do là hiện nay, một số sản phẩm chưa được kiểm nghiệm theo tiêu chuẩn VietGAP, thậm chí không theo tiêu chuẩn ISO nào. Về cảm quan có thể được coi là hàng ngon, hàng đẹp nhưng do không có chứng chỉ nên nhiều siêu thị muốn nhận cũng không thể ký kết được. Nhiều doanh nghiệp muốn kết nối đưa các sản vật, nhất là nhóm nông lâm sản mang tính đặc trưng vùng miền của địa phương vào kênh siêu thị nhưng lại gặp khó khăn do thiếu một quy trình bài bản.
Mặc dù được ưu tiên nhưng con đường để hàng Việt có mặt tại các siêu thị lại không hề dễ dàng. (Ảnh: Internet) |
“Các tỉnh, thành phải có quy hoạch vùng sản xuất thế mạnh của Việt Nam để có thể vươn lên ở thị trường nội địa và quốc tế. Quy hoạch chính là phát triển thế mạnh của từng vùng, đồng thời đẩy mạnh các cơ chế chính sách vào vùng đó để có thể phát triển. Ngoài ra cần giảm phí, giảm thuế, những phiền hà về đăng ký thành lập doanh nghiệp; cung cấp các đầu vào cho nông nghiệp, vật tư, con giống, thức ăn chăn nuôi rồi thuốc chữa bệnh. Quan trọng hơn là phải gắn sản xuất với xuất khẩu”, ông Vũ Vinh Phú cho biết.
Chuỗi liên kết nông dân và doanh nghiệp rời rạc
Thực tế cho thấy, thời gian qua, những mặt hàng thế mạnh của Việt Nam như nông sản, thực phẩm được sản xuất rất manh mún và thủ công, chất lượng thiếu ổn định và luôn rơi vào tình trạng được mùa mất giá. Sản xuất quy mô lớn còn ít, chủ yếu là sản xuất cá thể, các kho dự trữ hầu như không có khiến hàng hóa dễ bị hao hụt, hư hỏng và bị thương lái ép giá.
Bên cạnh đó, nhiều hàng hóa sản xuất trong nước do chưa có thương hiệu, chưa có bao bì, nhãn hiệu, mã số, mã vạch… theo quy định nên khó tiếp cận được kênh phân phối siêu thị, hệ thống bán lẻ hiện đại.
Theo GS. TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài, để chinh phục được thị trường trong nước, các doanh nghiệp cần phải liên kết lại để thiết lập các chuỗi cung ứng của riêng mình, thành lập các trung tâm thu mua theo vùng để có được lợi thế về giá và kiểm soát chất lượng từ khâu thu mua.
“Việc kết nối là hết sức quan trọng, bởi vì kết nối không chỉ là lợi ích của một phía, của từng doanh nghiệp mà kết nối là lợi ích cả chuỗi giá trị. Nếu chúng ta không có kết nối thì không thể tạo nên những chuỗi giá trị có năng suất cao, có giá trị gia tăng cao, có năng lực cạnh tranh cao. Kết nối đòi hỏi một sự hợp tác giữa các khâu hoặc giữa các doanh nghiệp trong cùng một chuỗi giá trị”, GS. TSKH Nguyễn Mại khẳng định.
Trong khi đó, ông Lê Khắc Hiệp, Phó tổng giám đốc Vingroup (sở hữu chuỗi siêu thị Vinmart) lại cho rằng, quan trọng nhất là tìm được những đối tác uy tín, chuyên nghiệp cũng như có quy trình kiểm soát chặt chẽ chất lượng sản phẩm trong vận chuyển. Đặc biệt, trong bối cảnh Việt Nam đã và sẽ ký kết một loạt các Hiệp định thương mại tự do thì sự nỗ lực của doanh nghiệp và các nhà sản xuất trong việc cải thiện mẫu mã, chất lượng sản phẩm là hết sức cần thiết.
“Với việc ký kết hàng loạt các hiệp định, thị trường bán lẻ Việt Nam có thể mở cửa với tất cả các nước trên thế giới, không chỉ có riêng ASEAN. Nếu chúng ta không chiếm lĩnh thị trường, không phân bổ, không có sự chuẩn bị, khi các nhà bán lẻ nước ngoài tham gia thị trường, đương nhiên họ cũng sẽ ủng hộ hàng hóa của họ. Với hàng nông sản, nếu chúng ta chú ý tới điều này thì hoàn toàn có thể cạnh tranh được không chỉ ở thị trường trong nước mà còn ở thị trường nước ngoài”, ông Hiệp chỉ rõ.
Theo nhiều chuyên gia kinh tế, chỉ có liên kết chuỗi giữa sản xuất nông nghiệp và doanh nghiệp mới có thể giải quyết căn cơ thực trạng được mùa rớt giá của nhiều loại nông sản, thủy sản như đã diễn ra trong nhiều năm nay. Tới đây, khi Cộng đồng kinh tế ASEAN được thành lập, sẽ là cơ hội nhưng cũng là thách thức không nhỏ đối với các doanh nghiệp Việt Nam.
Nếu không có sự điều chỉnh chiến lược kinh doanh của từng doanh nghiệp, không thiết lập tốt hơn quan hệ phân công và hợp tác trong từng ngành hàng, từ sản xuất đến siêu thị và mạng lưới bán lẻ theo chiều ngang, giữa các doanh nghiệp trong từng loại sản phẩm thì còn khó có thể trụ vững tại thị trường trong nước./.