Hậu Giang áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm tăng năng suất vụ lúa Đông Xuân
VOV.VN - Gần 1 tháng qua nông dân tại nhiều địa phương trong tỉnh Hậu Giang đã tất bật xuống giống đợt 1 vụ lúa Đông Xuân 2024 – 2025. Ngoài tuân thủ nghiêm lịch thời vụ để né rầy nâu, né hạn mặn, nông dân Hậu Giang còn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, các quy trình canh tác tiên tiến nhằm tăng năng suất, sản lượng của vụ lúa được xem là quan trọng nhất trong năm.
Vào thời điểm này tại nhiều nơi ở huyện Phụng Hiệp nước trên đồng vẫn còn ngập cầm chân. Ông Hồ Văn Giới, nông dân ở ấp Phương Thạnh, xã Phương Bình, huyện Phụng Hiệp cho biết, nơi đây là một trong những địa phương nước rút chậm nhất trong tỉnh do là vùng trũng. Mặc dù còn hơn 1 tháng nữa mới có thể gieo sạ vụ lúa Đông Xuân nhưng những ngày qua ông đã chuẩn bị sẵn sàng các khâu để bước vào sản xuất vụ lúa quan trọng này.
“Bây giờ nước còn nhiều, dân ở đây cũng chưa ai dám bơm. Đợi nước bình đàng hoàng hết trơn bơm cạn xuống rồi mới làm đất, mới sạ được thì cỡ mùng 10 tháng chạp là phải xong, lung gò gì cũng phải sạ hoàn thành. Giống thì làm Đài Thơm 8 bị gì nhà nước đang khuyến khích, mình làm mấy cái đó bán mới có giá”, ông Hồ Văn Giới nói.
Vụ lúa Đông Xuân này, tỉnh Hậu Giang có kế hoạch gieo sạ 73.500ha và chia làm 3 đợt gieo sạ. Những ngày qua, nông dân trong tỉnh đã kết thúc gieo sạ đợt 1 với diện tích gieo sạ đạt hơn 25.000ha, tập trung tại huyện Châu Thành A, huyện Vị Thuỷ, huyện Long Mỹ, thị xã Long Mỹ và thành phố Vị Thanh.
Đối với lịch xuống giống đợt 2 sẽ bắt đầu từ ngày 9 - 15/12 tới (tức ngày 9- 15/11 âm lịch). Đây là trà lúa Đông xuân chính vụ của tỉnh nên diện tích xuống giống sẽ được tập trung, đồng loạt trong giai đoạn này. Riêng đối với những vùng trũng thấp hàng năm sẽ gieo sạ vào đợt 3, bắt đầu từ ngày 9 - 15/1/2025 (tức ngày 10 - 16/12 âm lịch).
Theo ông Trần Anh Tuấn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Kiểm lâm tỉnh Hậu Giang, đây chỉ là lịch thời vụ chung cho cả tỉnh; tùy vào thời tiết, thủy văn mà từng đơn vị huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh xây dựng kế hoạch sản xuất, bố trí lịch xuống giống cho phù hợp để né rầy nâu, đặc biệt là né tránh hạn, mặn ở cuối vụ.
“Vùng ven của xã Thuận Hòa xuống xã Lương Tâm, Lương Nghĩa rồi chạy qua khu vực xã Vĩnh Viễn của huyện Long Mỹ thì diện tích này hiện có hơn 2.000ha lúa Thu Đông còn lại trên đồng. Do đó, trong quá trình thực hiện xuống giống vụ Đông Xuân thì diện tích này có khả năng ảnh hưởng mặn. Ngành chuyên môn thông tin cho người dân để thực hiện theo cái lịch thời vụ của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tránh tình hình hạn, mặn cuối vụ”, ông Trần Anh Tuấn cho biết.
Những năm gần đây, nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, đặc biệt là tác động của giá lúa hàng hóa ở mức cao đã giúp cho nông dân Hậu Giang thay đổi nhận thức trong việc sử dụng các giống lúa chất lượng cao để gieo sạ. Ở vụ lúa này, các giống lúa được nông dân chọn gieo sạ chủ yếu là RVT, OM 18, OM 5451, ST 24, ST 25, Jasmin 85, OM 4900, Đài Thơm 8…
Bên cạnh việc thay đổi cơ cấu giống lúa, chọn các giống lúa chất lượng cao để gieo sạ, nông dân Hậu Giang còn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, các quy trình canh tác tiên tiến như “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm”, SRP, ứng dụng công nghệ sinh thái trong quản lý dịch hại tổng hợp, sử dụng chế phẩm sinh học để phòng trừ rầy nâu, hạn chế phun thuốc trừ sâu đối với lúa dưới 40 ngày sau sạ để bảo tồn thiên địch, tránh dịch hại bộc phát ở giai đoạn sau. Tại nhiều nơi trong tỉnh, nông dân cũng đã mạnh dạn thay đổi tập quán sản xuất từ manh mún, nhỏ lẻ sang hợp tác hình thành các tiểu vùng liên kết, sản xuất.
Vụ lúa Đông xuân được xem là vụ lúa quan trọng nhất trong năm, bởi ngoài thời tiết thuận lợi, chất lượng, năng suất lúa ổn định thì giá lúa Đông Xuân cũng thường cao hơn các vụ còn lại. Chính vì thế, ngành Nông nghiệp và nông dân tỉnh Hậu Giang đã và đang tích cực chuẩn bị tốt các khâu để sản xuất tốt vụ lúa này, với quyết tâm đạt sản lượng hơn 552.300 tấn.