HDBank lên phương án mua bán sáp nhập

Hội đồng quản trị HDBank đề xuất cổ đông cho phép chủ động tiếp cận đối tác, tìm khả năng hợp tác, sáp nhập, mua bán khi có cơ hội.

Tại Đại hội cổ đông thường niên 2012 diễn ra sáng 27/4, Hội đồng quản trị HDBank đã xin ý kiến cổ đông cho phép được chủ động tiếp xúc, tìm hiểu, phân tích khả năng sáp nhập, mua bán ngân hàng. Khi tìm được đối tác phù hợp, Ban quản trị sẽ lập phương án và tờ trình cụ thể xin ý kiến Đại hội đồng cổ đông quyết định.

Theo bà Lê Thị Băng Tâm, Chủ tịch Hội đồng quản trị HDBank, hiện nay, ban quản trị chưa có phương án cụ thể. Tuy nhiên, trong năm nay, ban lãnh đạo sẽ tích cực tìm kiếm những đối tác phù hợp để mua lại hoặc sáp nhập. "Chúng tôi cam kết, nếu có mua bán sáp nhập sẽ đảm bảo giữ nguyên thương hiệu HDBank, đồng thời năng lực phát triển của nhà băng, lợi ích cổ đông sau sáp nhập sẽ tốt hơn" - bà Tâm nhấn mạnh.

Riêng vấn đề cổ phiếu chậm niêm yết trên sàn chứng khoán, Phó chủ tịch thường trực Hội đồng quản trị Nguyễn Thị Phương Thảo giải thích, thời gian qua, thị trường chứng khoán gặp khó khăn nên chưa thuận lợi cho tiến trình niêm yết. Bởi lẽ, đa số cổ phiếu của các công ty niêm yết đều giao dịch dưới mệnh giá, nếu niêm yết thời điểm này, ban quản trị khó đảm bảo tối đa lợi ích cổ đông.

"Thời gian tới, khi thị trường chứng khoán phục hồi, giá trị cổ phiếu được đảm bảo cao nhất cho cổ đông, chúng tôi sẽ tiến hành niêm yết" - bà Thảo nói.
Năm nay, HDBank đưa ra mục tiêu kiểm soát nợ xấu không quá 2,5%, (năm 2011 là 1,63 %). Tổng tài sản hết năm 2012 dự kiến đạt 51.500 tỷ đồng; đến 31/12/2011, con số này là hơn 45.000 tỷ đồng.

Ngân hàng cũng đặt kế hoạch lợi nhuận 2012 ở mức 600 tỷ đồng, tăng 6% so với năm trước (hơn 560 tỷ đồng). Tỷ lệ cổ tức năm nay là 12%, tổng vốn huy động tăng 13,4% và tăng trưởng tín dụng 10% theo chỉ tiêu được giao.

Trong đại hội, nhà băng cũng trình cổ đông thành lập Hội đồng sáng lập HDBank. Ban quản trị cho rằng, với mục đích xây dựng cơ chế quản trị theo chuẩn quốc tế, ngân hàng đã có những cải cách lớn. Nhưng bước sang giai đoạn 2012 - 2016, nhà băng dự báo thị trường còn nhiều khó khăn, thách thức. Do đó, để thực hiện thành công chiến lược đề ra, hội đồng quản trị cần có sự hỗ trợ mạnh hơn nữa từ phía cổ đông lớn.

Trước đó, các nhà băng như DongA Bank, ACB cũng đã tiến hành đại hội cổ đông và cho biết, nếu có điều kiện và gặp đối tác phù hợp thì có thể mua lại và sáp nhập để tăng nhanh tiềm lực tài chính./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên