Hệ thống logistics phải là đòn bẩy cho nông sản xuất khẩu
VOV.VN - Sáng nay (24/6), tại TP.HCM, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội thảo phát triển hệ thống nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của nông sản Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Việt Nam đã trở thành nước sản xuất và xuất khẩu nông lâm thuỷ sản lớn. Sản xuất nông sản đáp ứng tốt nhu cầu trong nước, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia. Xuất khẩu nông lâm thuỷ sản không ngừng tăng trưởng và đạt kim ngạch trên 53 tỷ USD năm 2022.
Tuy nhiên, bên cạnh những tín hiệu tích cực, sản xuất và kinh doanh nông sản của Việt Nam tồn tại nhiều hạn chế.
Tại hội thảo, một số đại biểu nhận định: quy mô sản xuất nông nghiệp hiện còn nhỏ lẻ, sản xuất liên kết theo chuỗi còn hạn chế, hao hụt thất thoát sau thu hoạch còn cao, công nghiệp bảo quản chế biến chưa hiện đại... dẫn đến hiệu quả kinh doanh, khả năng cạnh tranh nông sản chưa cao.
Có nhiều nguyên nhân gây ra những tồn tại này. Trong đó có nguyên nhân rất quan trọng là các dịch vụ hỗ trợ cho kinh doanh nông sản, đặc biệt là dịch vụ logistics còn hạn chế.
Để tháo gỡ những khó khăn, hạn chế, đưa logistics trở thành đòn bẩy cho nông sản hàng hoá, doanh nghiệp cần có những trung tâm logistics khu vực.
Trước mắt, các ngành và địa phương sẽ sớm thực hiện các giải pháp để hình thành trung tâm logistics tại Đồng bằng sông Cửu Long. Cụ thể, theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam, tại trung tâm này tập trung các dịch vụ công có chức năng quản lý, hỗ trợ xuất nhập khẩu; có nơi tập kết hàng hoá nông sản, sơ chế, chế biến sâu; xây dựng hệ thống chuỗi kho lạnh để giảm bớt những tiêu hao trong quá trình vận chuyển…
Hiện các bộ ngành cũng đang phối hợp với các địa phương thực hiện đề án nâng cao sức cạnh tranh cho nông sản từ hoạt động logistics. Trong đó tập trung phát huy vai trò các hiệp hội doanh nghiệp, với các thương lái ở đầu nguồn thu hoạch, thu mua nông sản chủ động kết nối vào chuỗi hệ thống chung.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cho biết: "Nếu chúng ta để buông lõng thì mỗi đơn vị, mỗi nơi có mỗi giá khác nhau… Thì tốt nhất nên mời họ vào thành lập các tổ hợp tác xã để dễ quản lý thống nhất, đồng bộ rồi vận chuyển logictics. Vấn đề chính là đưa họ vào hệ thống, vào tổ chức để dễ dàng quản lý được các hoạt động".