Hiệp định thương mại tự do: Nhiều cơ hội và thách thức

Qui trình sản xuất của Việt Nam còn nhiều khâu yếu nên khó có thể hưởng ưu đãi khi tham gia FTA.

Việt Nam đang trong quá trình đàm phán để tiến tới ký kết Hiệp định Thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP). Tính đến cuối năm 2011, Việt Nam đã tham gia 8 Hiệp định khu vực thương mại tự do. Khi tham gia các hiệp định này, Việt Nam được hưởng nhiều ưu đãi, trong đó giảm tất cả các rào cản thuế quan và phi thuế quan đối với tất cả các hàng hóa thương mại; không chịu thuế chống bán phá giá; dỡ bỏ rào cản đối với hầu hết các loại hình thương mại dịch vụ... Tuy nhiên, bên cạnh những lợi thế mà Hiệp định mang lại thì còn không ít thách thức mà các doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt.

Việc Việt Nam ký kết các Hiệp định thương mại tự do với Hoa Kỳ và một số nước trên thế giới đem lại những lợi ích trong tăng trưởng thương mại,  gia tăng đầu tư trực tiếp nước ngoài mang tính dài hạn và giá trị cao, giúp cho các doanh nghiệp được hưởng lợi, hạ giá thành, tăng chất lượng hàng hóa dịch vụ, tạo việc làm. Đặc biệt, nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực đã khẳng định vị thế, có kim ngạch lớn như nông sản, dệt may, giày dép, đồ gỗ, thủy hải sản. Hiệp định thương mại tự do là công cụ hữu hiệu để mở cửa cho hàng Việt Nam tiếp cận các thị trường tiềm năng.

Ông Nguyễn Sơn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bông sợi Việt Nam cho biết, việc đàm phán gia nhập Hiệp định thương mại tự do đã được Việt Nam triển khai qua 9 vòng, ngành dệt may là một trong những ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam hy vọng sẽ gặt hái được nhiều kết quả từ hiệp định Thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP). Đặc biệt, trong đó có 95% dòng thuế các nước trong TPP sẽ được bãi bỏ trong một giai đoạn nhất định mà khả năng hàng dệt may sẽ là mặt hàng không bị đánh thuế đầu tiên.

Tuy nhiên, để hưởng điều này, ông Sơn cho rằng: Điều kiện lớn nhất của thị trường Hoa Kỳ, một thị trường lớn nhất của Việt Nam, đưa ra là các sản phẩm phải có xuất xứ từ sợi, nghĩa là hàng phải qua 3 công đoạn kéo sợi, dệt vải hoàn tất và may mặc. Từ Việt Nam và các nước TPP, khi vào các nước thành viên của TPP thì mới được hưởng thuế suất 0%. Việt Nam có truyền thống về sản xuất may mặc, ngành sợi cũng đang phát triển rất tốt, tuy nhiên ngành dệt và nhuộm hoàn tất của chúng ta đang là khâu rất yếu, có thể cản trở việc Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ Hiệp định TPP”.

Bên cạnh những lợi ích mà Hiệp định thương mại tự do mang lại cũng tồn tại nhiều thách thức cho các doanh nghiệp Việt Nam. Bởi việc dỡ bỏ rào cản thương mại sẽ tạo ra thất nghiệp cấu trúc trong ngắn hạn. Khi hội nhập vào thị trường toàn cầu, những thay đổi của hoạt động thương mại dẫn đến tình trạng thất nghiệp trong từng thời điểm nhất định. Môi trường cạnh tranh sẽ trở nên khốc liệt hơn đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Ông Lương Văn Tự, Nguyên trưởng đoàn đàm phán Việt Nam gia nhập WTO cho rằng, để thành công trong việc đàm phán tham gia Hiệp định thương mại tự do, cần phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân biết về ý định của chúng ta tham gia các hiệp định mậu dịch tự do.  Đối với các cơ quan quản lý Nhà nước, cần có sự chuẩn bị tốt các đoàn đàm phán, phối hợp với nhau để tổ chức đàm phán tốt.

Ông Lương Văn Tự nói: “Kinh nghiệm đàm phán BTA, đàm phán gia nhập WTO... điều đầu tiên chúng ta phải có chuẩn bị tốt ở trong nước. Điều này  thể hiện ở các cơ chế chính sách mà chúng ta dự kiến để đáp ứng các lĩnh vực tham gia. Thứ 2, cần nghiên cứu kỹ các lĩnh vực có thể chấp nhận mở cửa và các đối tác của chúng ta đàm phán, xem những lĩnh vực gì có thể thâm nhập vào thị trường của họ để góp phần thúc đẩy nền kinh tế và tăng thị phần xuất khẩu”.

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh, tính đến cuối năm ngoái, Việt Nam đã tham gia 8 hiệp định khu vực thương mại tự do. Các hiệp định này đều có nội dung chủ yếu là thương mại hàng hóa. Do đó, khi đàm phán và ký kết các hiệp định thương mại tự do, Việt Nam cần gắn với chiến lược phát triển kinh tế xã hội thời kỳ 2011-2020, gắn với tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng. Đàm phán và ký kết hiệp định thương mại tự do cần hướng đến việc đa dạng hóa thị trường, tránh phụ thuộc quá mức vào một khu vực thị trường nhất định. Cùng với đó, Việt Nam cần quan tâm hơn tới các đối tác ngoài khu vực, các đối tác mang tính bổ sung hơn là cạnh tranh bởi các hiệp định thương mại tự do có thể giúp Việt Nam từng bước hoàn thiện thể chế kinh tế, minh bạch hóa và thuận lợi hóa cho môi trường kinh doanh.

Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho rằng: Đàm phán ký kết FTA cũng phải hướng đến đa dạng hóa thị trường, tránh phụ thuộc quá mức vào một khu vực thị trường nhất định. Chúng ta cũng cần quan tâm hơn các đối tác ngoài khu vực mang tính chất bổ sung hơn là cạnh tranh. Quan tâm đến FTA giúp chúng ta quan tâm nhiều hơn đến thể chế kinh tế, minh bạch hóa và thuận lợi hóa môi trường kinh doanh. Từ những yếu tố này có thể kết luận những đối tác mà chúng ta quan tâm thì đó chính là Hoa kỳ, Liên minh Châu Âu, Nga hay các nước thuộc khối FTA như Thụy Sĩ, Na Uy đang xúc tiến đàm phán FTA với Việt Nam...”.

Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cũng cho rằng, không thể thành công nếu thiếu sự đồng thuận giữa các bộ với nhau, giữa chính phủ với Quốc hội, giữa Quốc hội với người dân... Thời điểm này, khi tình hình kinh tế còn khó khăn, nhất là nhập siêu còn tăng cao thì việc tìm kiếm đồng thuận xã hội sẽ còn gặp nhiều trở ngại. Bởi vậy, cần nắm bắt được các cơ hội và thực hiện được các giải pháp phụ trợ đồng bộ, nhất là về thể chế./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên