Hiệp định TPP không chấp nhận phản cạnh tranh, lừa đảo thương mại
VOV.VN - Với những cam kết mang tính khu vực, Hiệp định TPP sẽ thúc đẩy tính cạnh tranh nhưng cũng đảm bảo tính cạnh tranh công bằng, lành mạnh.
Việc kết thúc đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) ngày 5/10 vừa qua đã tạo ra một tiêu chuẩn mới cho thương mại toàn cầu, giải quyết những vấn đề của thời đại mới. Hiệp định TPP được coi là một thỏa thuận của Thế kỷ XXI khi đưa ra cách tiếp cận thị trường và thương mại toàn diện, với những cam kết mang tính khu vực, nhằm giải quyết những thách thức mới làm nền tảng cho hội nhập khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Thành lập Ủy ban đứng ra giải quyết cạnh tranh
Các quy định trong Hiệp định sẽ giúp TPP phát triển sức cạnh tranh của các thành viên nói riêng và của cả khu vực nói chung, tạo nên các cơ chế chính thức nhằm rà soát tác động của TPP lên sức cạnh tranh của các thành viên, thông qua đối thoại giữa các Chính phủ và giữa Chính phủ với doanh nghiệp và cộng đồng, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng khu vực nhằm đánh giá sự phát triển, tận dụng lợi thế của các cơ hội mới, và giải quyết thách thức có thể nổi lên khi TPP có hiệu lực.
Đáng chú ý, trong các giải pháp của TPP có việc thành lập Ủy ban về Cạnh tranh và Tạo thuận lợi kinh doanh. Ủy ban này sẽ nhóm họp thường xuyên, nhằm rà soát tác động của TPP lên sức cạnh tranh của khu vực, quốc gia, và hệ thống kinh tế khu vực. Ủy ban sẽ xem xét các khuyến nghị và đề xuất từ các đối tượng liên quan đối với cách thức mà TPP có thể thúc đẩy hơn nữa sự cạnh tranh, bao gồm cả việc tăng cường sự tham gia của các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) vào chuỗi cung ứng khu vực.
TPP có thể thúc đẩy hơn nữa sự cạnh tranh, bao gồm cả việc tăng cường sự tham gia của các doanh nghiệp vừa và nhỏ. (Ảnh: KT) |
Đồng thời, Hiệp định TPP đảm bảo cạnh tranh công bằng trong khu vực thông qua cơ chế pháp lý, cấm các hành vi phản cạnh tranh, lừa đảo thương mại gây hại đến người tiêu dùng. Giới chức các nước có trách nhiệm đảm bảo thực thi các quy định này, đồng thời phối hợp với nhau trong các vấn đề liên quan đến lợi ích chung về hoạt động cạnh tranh, qua trao đổi thông tin, thông báo và tham vấn lẫn nhau.
“Trong quá trình thực hiện Hiệp định TPP, các bên sẽ giải quyết tranh chấp thông qua tham vấn, khi cần thiết có thể thông qua các Ban hội thẩm công bằng, không thiên vị. Cơ chế giải quyết tranh chấp sẽ áp dụng cho toàn bộ Hiệp định TPP, trừ một số ít trường hợp đặc biệt. Người dân có thể theo dõi tiến trình tố tụng từ thời điểm các bản đệ trình được công bố, theo dõi phiên điều trần và xem báo cáo cuối cùng của các Ban hội thẩm”, Hiệp định nêu rõ.
Các Ban hội thẩm cũng sẽ cân nhắc các yêu cầu từ các đơn vị phi chính phủ tại các nước đang xảy ra tranh chấp, nếu họ muốn hội đồng cung cấp quan điểm về vụ tranh chấp. Các nước TPP sẽ nỗ lực hết sức nhằm giải quyết tranh chấp thông qua hợp tác và tham vấn, được khuyến khích sử dụng các cơ chế giải quyết tranh chấp khác nếu phù hợp. Trong trường hợp tham vấn thất bại, các bên có thể yêu cầu thành lập một Ban hội thẩm, được thành lập trong vòng 60 ngày kể từ khi có yêu cầu tham vấn hoặc 30 ngày đối với hàng hóa mau hỏng.
Thành phần của Ban hội thẩm sẽ gồm 3 chuyên gia độc lập về thương mại quốc tế, có liên quan tới lĩnh vực tranh chấp. Ban này sẽ tuân theo một quy tắc ứng xử chung nhằm đảm bảo tính thống nhất của cơ chế giải quyết tranh chấp. Ban hội thẩm sẽ có báo cáo ban đầu trong 150 ngày kể từ khi thành viên cuối cùng của Ban được chỉ định hoặc 120 ngày trong trường hợp khẩn cấp, ví dụ như trường hợp liên quan tới các hàng hóa dễ hỏng.
Báo cáo ban đầu này sẽ là báo cáo mật và các bên có thể nhận xét bổ sung. Báo cáo cuối cùng sẽ được hoàn thành trong vòng 30 ngày kể từ ngày có báo cáo ban đầu và phải được công bố trong vòng 15 ngày, nhưng các thông tin mật sẽ được giữ kín.
Để đảm bảo các bên sẽ tuân thủ, TPP cho phép sử dụng trả đũa thương mại (ví dụ như ngừng không cho hưởng lợi ích), nếu một bên không tuân thủ nghĩa vụ của mình. Trước khi sử dụng biện pháp trả đũa thương mại, bên không tuân thủ có thể thảo luận hoặc yêu cầu một khoảng thời gian hợp lý để khắc phục các vi phạm của mình.
DN Nhà nước không ảnh hưởng tiêu cực đến DN các nước khác
Hiện nay, tất cả các nước trong TPP đều có doanh nghiệp quốc doanh, thường đóng vai trò cung cấp dịch vụ công và nhiều hoạt động khác. Các nước trong TPP đã chấp thuận: Đảm bảo những doanh nghiệp này chỉ tham gia mua bán trên cơ sở kinh doanh, không ảnh hưởng tiêu cực đến các doanh nghiệp, dịch vụ, hàng hóa và các nước khác.
Các nước cũng đồng ý cho tòa án quyền xét xử hoạt động thương mại của các công ty quốc doanh ngoại trong lãnh thổ của mình, và đảm bảo cơ quan quản lý sẽ điều hành công bằng. Các nước TPP đồng ý không gây ảnh hưởng tiêu cực lên quyền lợi của các nước TPP khác khi hỗ trợ phi thương mại cho các công ty nhà nước, hoặc không làm hại đến các ngành công nghiệp của nước TPP khác khi hỗ trợ phi thương mại cho công ty quốc doanh nước mình kinh doanh trong lãnh thổ nước khác.
“Các nước sẽ chia sẻ với nhau danh sách các công ty nhà nước, và cung cấp theo yêu cầu các thông tin thêm về mức độ sở hữu nhà nước hoặc các hỗ trợ phi thương mại đang áp dụng. Có một số ngoại lệ, như trong trường hợp khẩn cấp với kinh tế quốc gia hoặc toàn cầu”, Hiệp định chỉ rõ.
Do các nước TPP rất đa dạng về trình độ phát triển, mọi thành viên trong TPOP đều nhận thức rằng các thành viên kém phát triển hơn có thể phải đối mặt với các thách thức nhất định khi thực thi hiệp định, khó tận dụng tối đa lợi thế về cơ hội do hiệp định này tạo ra và đảm bảo sự tham gia đầy đủ của các doanh nghiệp nhỏ, cộng đồng vùng nông thôn, phụ nữ và các nhóm thu nhập xã hội thấp.
Nhằm giải quyết các thách thức trên đồng thời nâng cao vai trò hợp tác và nâng cao năng lực, TPP sẽ thiết lập một Ủy ban về Hợp tác và Nâng cao năng lực, nhằm phát hiện và rà soát các khu vực có tiềm năng hợp tác và xây dựng năng lực, trên cơ sở tự nguyện và sự sẵn có của các nguồn lực. Ủy ban này sẽ thúc đẩy trao đổi thông tin nhằm hỗ trợ các yêu cầu về hợp tác và nâng cao năng lực./.