Hồ sơ Panama: Thanh tra Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước nói gì?
VOV.VN - Đại diện Thanh tra Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước thông tin thêm về việc một số người Việt Nam có tên trong hồ sơ Panama.
Liên quan đến 189 cá nhân và tổ chức của Việt Nam có tên trong hồ sơ Panama, lãnh đạo ngành thuế cho biết, đã thành lập tiểu ban kiểm tra, rà soát vụ việc. Tuy nhiên, việc có tên trong “Tài liệu Panama” không có nghĩa là cá nhân hoặc tổ chức nào đó đã vi phạm pháp luật, hoặc có hành vi sai trái, mà chỉ có thể coi là một kênh thông tin để các bên liên quan tìm hiểu làm rõ.
Ông Phạm Trọng Đạt - Cục trưởng Cục Chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ thông tin về vụ Hồ sơ Panama. |
Nếu như trong ngày 9/5, dữ liệu tại website cho thấy có 104 cá nhân và tổ chức ở Việt Nam "lọt" vào tài liệu Panama thì đến nay số lượng đã lên tới 189. Phân nửa trong số này là những cái tên "thuần Việt", còn lại có tên ngoại quốc. Trong số đó có những cái tên doanh nhân, doanh nghiệp khá quen thuộc.
Cùng với đó, tài liệu này cũng công khai danh tính 23 cá nhân, tổ chức trung gian; 19 công ty vỏ bọc được thành lập ở nước ngoài và 185 địa chỉ ở Việt Nam (chủ yếu là tại Hà Nội và TP HCM). Đây chỉ là một phần trong 200.000 doanh nghiệp ở nước ngoài do các cá nhân giàu có trên thế giới lập ra mà Hiệp hội Nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) công bố.
Ngay sau khi thông tin được đưa ra, dư luận đặt câu hỏi, những cá nhân, tổ chức Việt Nam có tên trong danh sách này có trốn thuế, rửa tiền hoặc vi phạm pháp luật không? Ông Phạm Trọng Đạt - Cục trưởng Cục Chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ cho biết, đây mới là thông tin cá nhân, không chính thức, chưa được kiểm định.
“Tài liệu do ICIJ cung cấp chỉ mang tính tham khảo, chưa thể xác minh được tính chính xác, đúng hay sai. Đối với khả năng trốn thuế, rửa tiền…các cơ quan thuế sẽ coi đây là cơ sở nguồn tin giúp cho công tác quản lý nhà nước, chứ chưa khẳng định được việc đó đúng hay sai, có vi phạm pháp pháp luật hay không và xử lý như thế nào. Đây chỉ được coi là một nguồn để tổng hợp báo cáo Chính phủ chỉ đạo”, ông Đạt cho biết.
Hồ sơ Panama trở thành tâm điểm của dư luận sau vụ rò rỉ 11,5 triệu tài liệu mật của Công ty luật Mossack Fonseca ở nước này. Theo điều tra ban đầu của Hiệp hội Nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ), Mossack Fonseca đã tạo ra một "thiên đường trốn thuế", qua đó giúp khoảng 140 chính trị gia, gồm cả 12 nhà lãnh đạo hoặc cựu lãnh đạo các nước, cùng những ngôi sao thể thao, trùm ma túy... trốn thuế.
Số tài liệu này ghi lại hoạt động hàng ngày của công ty luật Mossack Fonseca trong suốt 40 năm (từ năm 1975). Đây được xem vụ rò rỉ dữ liệu lớn nhất từ trước tới nay và nó hé lộ danh tính nhiều nhà lãnh đạo trên thế giới có những tài sản khổng lồ ở nước ngoài, cũng như những bí mật của giới nhà giàu trên toàn thế giới.
Ngân hàng Nhà nước vào cuộc điều tra
Cũng liên quan đến thông tin 189 cá nhân, tổ chức ở Việt Nam có tên trong Hồ sơ Panama vừa được công bố, Ngân hàng Nhà nước cho biết đã giao các đơn vị chức năng tiếp tục rà soát, theo dõi thông tin này, đồng thời phối hợp với các cơ quan chức năng để xử lý vụ việc.
Ông Nguyễn Văn Ngọc, Cục trưởng Cục Phòng chống rửa tiền, Ngân hàng Nhà nước cho biết: Thông tin của Hồ sơ Panama có tên của một số cá nhân, tổ chức ở Việt Nam, tuy nhiên chưa có các thông tin cụ thể về hoạt động cũng như giao dịch của các tổ chức, cá nhân này.
Hiện nay, các văn bản về quản lý ngoại hối đã có đầy đủ các quy định về giao dịch thanh toán, chuyển tiền vào và ra khỏi Việt Nam đối với các giao dịch vãng lai, giao dịch vốn, mở tài khoản ở nước ngoài... theo Pháp lệnh Ngoại hối 2005 đã được sửa đổi, bổ sung, Nghị định 70/2014 quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Ngoại hối và các văn bản hướng dẫn.
Ông Nguyễn Văn Ngọc khẳng định, Ngân hàng nhà nước giao các đơn vị chức năng tiếp tục rà soát theo dõi thông tin liên quan đến vụ việc này. Trong phạm vi quyền hạn của mình, Ngân hàng Nhà nước sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan để xử lý theo đúng chức năng nhiệm vụ, thẩm quyền và quy định của pháp luật.
Các chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng, cần quan sát thêm động thái từ các nước có cùng hoàn cảnh, quy mô phát triển như Việt Nam để cân nhắc hướng xử lý phù hợp. Thông qua vụ việc cơ quan thuế phải nghiên cứu và sửa ngay những lỗ hổng trong chính sách thuế để tránh việc cá nhân, tổ chức lợi dụng để né, lách thuế./.