Hỗ trợ doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh
VOV.VN - Xác định doanh nghiệp ổn định và phát triển không chỉ tạo đà cho địa phương bứt phá, mà còn góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp, tạo ra việc làm, thu nhập cho người dân miền núi, chính quyền các địa phương ở Yên Bái đã chủ động đồng hành cùng các doanh nghiệp, HTX trên địa bàn.
Để đạt được mục tiêu giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên 5.700 tỷ đồng, năm 2023, huyện Yên Bình (tỉnh Yên Bái) thu hút và thành lập mới 45 doanh nghiệp, 10 hợp tác xã và 50 tổ hợp tác; thu hút từ 3 - 5 dự án có quy mô phù hợp với tiềm năng, lợi thế của địa phương... Từ đó, nâng vị trí xếp hạng của huyện tăng từ 1 đến 2 bậc trong bảng xếp hạng đánh giá năng lực cạnh tranh cấp huyện, thị xã, thành phố, so với năm trước.
Ông Lã Tuấn Hưng, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Bình cho biết, địa phương luôn xác định "lấy công nghiệp - xây dựng làm nền tảng, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế, là khâu đột phá để thúc đẩy phát triển các khu vực kinh tế khác"; và để thực hiện được điều đó, huyện luôn sát cánh, đồng hành cùng doanh nghiệp.
“Huyện đã luôn sát cánh, đồng hành cùng doanh nghiệp, hợp tác xã, chia sẻ, hỗ trợ tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp và các nhà đầu tư thực hiện các dự án, trên tinh thần lợi ích hài hòa” - ông Lã Tuấn Hưng nói.
Ông Võ Tiến Dũng, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Bảo Lai, đóng chân trên địa bàn huyện Yên Bình cho biết: Chính quyền các địa phương đã có nhiều giải pháp, trong đó tập trung vào cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh.
“Với sự hỗ trợ hết sức của địa phương trong việc giải phóng mặt bằng, xây dựng giao thông, công ty rất thuận lợi cho công tác luân chuyển hàng hóa, bán hàng, xuất hàng cho các đối tác. Các chế độ đối với doanh nghiệp chính quyền địa phương rất ủng hộ” - ông Võ Tiến Dũng nói.
Tại huyện Văn Yên, vừa qua, Sở Công Thương tỉnh Yên Bái đã thành lập đoàn công tác tiến hành khảo sát, đánh giá thực trạng về tình hình hoạt động tại một số doanh nghiệp. Thông qua đó, có những định hướng cho huyện làm tốt công tác quản lý điều hành, khai thác tốt tiềm năng, lợi thế để thúc đẩy việc sản xuất kinh doanh.
Ông Lưu Trung Kiên, Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Yên cho biết: Với nhiều lợi thế trong phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, từ đầu năm đến nay, Văn Yên đã tăng cường hỗ trợ các thành phần kinh tế tháo gỡ khó khăn, phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, tích cực thu hút đầu tư, phát triển các thành phần kinh tế, phấn đấu trong năm 2023 này, giá trị sản xuất công nghiệp đạt hơn 1.630 tỷ đồng. Cụ thể nhất là huyện đã kiện toàn lại tổ công tác, hỗ trợ doanh nghiệp do lãnh đạo huyện làm tổ trưởng.
“Khi có doanh nghiệp liên hệ đề xuất đầu tư cũng như đề xuất, kiến nghị những khó khăn cần tháo gỡ thì cơ quan thường trực sẽ tổng hợp, tham mưu cho UBND huyện để chỉ đạo các ngành thành viên trong tổ liên quan đến các lĩnh vực xuống giải quyết. Tổ thì cũng là đơn vị cầu nối, giúp cho huyện tiếp nhận những kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp kiến nghị với scác sở, ngành của tỉnh” - ông Lưu Trung Kiên nói.
Cũng trên tinh thần khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh tiếp tục đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh, thị xã Nghĩa Lộ đề ra chủ trương "Doanh nghiệp phát triển – Thị xã phát triển". Ông Vũ Đức Trung, Phó chủ tịch UBND Thị xã Nghĩa Lộ cho biết: “Chính quyền thị xã sẽ tiếp tục sát cánh, đồng hành cùng doanh nghiệp để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh phát triển sản xuất kinh doanh. Trong đó tập trung vào phát triển các ngành nghề, lĩnh vực có thế mạnh của thị xã như thương mại, dịch vụ du lịch, chế biến nông, lâm sản, các lĩnh vực công nghiệp có ít tác động tới môi trường”.
Thông qua các hình thức như tiếp cận tín dụng, thông tin, tư vấn pháp lý, phát triển nguồn nhân lực, mặt bằng sản xuất, công nghệ, mở rộng thị trường; hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia chuỗi giá trị..., các huyện, thị xã, thành phố ở Yên Bái đã tạo những điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn, qua đó sản xuất, kinh doanh hiệu quả.
Chị Đặng Thị Hoài Thanh, quản lý Công ty một thành viên TNHH May Chiến Thắng cho biết: “Công nhân làm việc rất hăng say cũng là tín hiệu rất lạc quan để cho công ty sắp xếp kế hoạch sản xuất, kinh doanh cũng như bảo đảm việc làm tăng thu nhập, chăm lo đời sống cho người lao động. Mục tiêu chung của công ty là phát triển toàn diện”.
Năm 2023, Yên Bái phấn đấu chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 9% so với năm trước; đưa giá trị xuất khẩu hàng hóa đạt khoảng 350 triệu USD. Với nỗ lực của các cấp, ngành và các doanh nghiệp, những chỉ tiêu này hoàn toàn có cơ sở để hoàn thành./.