Hỗ trợ doanh nghiệp Việt kiều làm ăn tại châu Âu
VOV.VN -Diễn đàn Doanh nghiệp Việt kiều Châu Âu đang diễn ra tại Bulgaria thảo luận các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp Việt làm ăn bền vững.
Diễn đàn Doanh nghiệp Việt kiều Châu Âu lần thứ IX do Đại sứ quán Việt Nam tại Bulgaria phối hợp với Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Bulgaria tổ chức, diễn ra từ 21/8 đến 22/8 tại thành phố Varna, Bulgaria.
Diễn đàn năm nay bao gồm những hoạt động thảo luận phương án hỗ trợ kiều bào ở châu Âu làm ăn ổn định và phát triển lâu dài, thay đổi tư duy kinh doanh, tổ chức các mô hình sản xuất hợp lý, quảng bá hình ảnh và đất nước con người Việt Nam trên nước bạn.
PV Đài TNVN phỏng vấn ông Lê Đức Lưu, Đại sứ Việt Nam tại CH Bulgaria về công tác chuẩn bị cũng như nội dung của diễn đàn này.
Đại sứ Việt Nam tại CH Bulgaria, Lê Đức Lưu. |
PV: Thưa đại sứ, đến thời điểm này, công tác chuẩn bị cho diễn đàn doanh nghiệp Việt kiều Châu Âu lần thứ 9 đi vào hoàn tất. Ông cho biết diễn đàn năm nay tổ chức tại Bulgaria thu hút sự quan tâm của các nhà chức trách cũng như các doanh nghiệp kiều bào như thế nào?
Đại sứ Lê Đức Lưu: Diễn đàn doanh nghiệp Việt kiều châu Âu lần thứ IX được tổ chức tại bãi biển Golden Sands, Varna, Bulgaria. Đây là diễn đàn lần thứ IX mà Liên hiệp doanh nghiệp Việt kiều châu Âu tổ chức luân phiên ở các nước.
Tại diễn đàn này, chúng tôi vui mừng được đón Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Vũ Hồng Nam, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài; Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa cùng với 19 đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại các nước Châu Âu và 14 tham tán thương vụ tại khu vực châu Âu; đặc biệt có 150 doanh nghiệp Việt kiều đến từ các nước Nga, Đức, Anh, Pháp, Italia, Ba Lan, CH Séc, Hungary, Rumania, Áo, Slovakia, Hy Lạp, Ukraine, Na Uy và Thổ Nhĩ Kỳ tham gia.
PV: Ông cho biết những nội dung chính của diễn đàn doanh nghiệp Việt kiều tại châu Âu lần thứ 9 được tổ chức tại Bulgaria?
Đại sứ Lê Đức Lưu: Chúng tôi rất muốn diễn đàn sẽ tập trung thảo luận một số vấn đề. Thứ nhất là vấn đề hợp tác đầu tư, thương mại vừa qua có những ảnh hưởng gì, tác động thế nào đến việc phát triển kinh tế của các doanh nghiệp Việt kiều? Chúng ta sẽ có các biện pháp gì để tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp cộng đồng ta tại châu Âu làm ăn ổn định và phát triển lâu dài?
Điểm thứ hai chúng ta thấy rằng thời gian vừa qua có cơ hội, thách thức gì liên quan đến việc thay đổi tư duy kinh doanh? Các các doanh nghiệp chúng ta tổ chức các mô hình sản xuất hợp lý như thế nào? Và các nước sở tại có khó khăn gì không khi chúng ta chuyển đổi mô hình kinh doanh.
Thứ ba, đối với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thì việc liên kết xây dựng hệ thống phân phối bán hàng Việt Nam như thế nào? Chất lượng hàng hóa của Việt Nam thế nào để có thể sự cạnh tranh với hàng hóa với nước sở tại ra sao? Đó là những vấn đề chúng tôi nghĩ trong diễn đàn này sẽ tập trung thảo luận để đưa ra những biện pháp để thực hiện trong thời gian tới.
PV: Ông kỳ vọng diễn đàn sẽ mang lại những hiệu quả gì và mở ra những cơ hội nào để thúc đẩy phát triển kinh tế giữa Việt Nam với các nước?
Đại sứ Lê Đức Lưu: Trước hết, muốn thúc đẩy phát triển kinh tế giữa Việt Nam với các nước trong khu vực thì phải tiếp tục phát triển quan hệ chính trị tin cậy; phải tăng cường đối thoại chính trị cấp cao; tăng cường tiếp xúc bên lề tại các diễn đàn quốc tế và khu vực; tăng cường phối hợp hành động tại các diễn đàn đa phương.
Bên cạnh đó chúng ta phải tăng cường trao đổi đoàn các cấp; thúc đẩy cơ chế của Ủy ban liên chính phủ vì điều này có ý nghĩa quan trọng nhằm tìm ra phương hướng triển khai các thỏa thuận hợp tác trong tình hình mới, trao đổi các biện pháp nhằm tạo đột phá trong quan hệ hợp tác giữa các nước.
Về đầu tư thương mại, chúng ta cần tăng cường trao đổi thông tin, kinh nghiệm giữa các nhà hoạch định chính sách kinh tế của Việt Nam và các nước châu Âu, đặc biệt trong quá trình chuyển đổi kinh tế, cải cách hành chính và tài chính công, thu hút đầu tư.
Ngoài ra, chúng ta phải triển khai các giải pháp đồng bộ tự hoàn thiện cơ chế chính sách để cải tiến nâng cao hiệu quả các chương trình xúc tiến đầu tư; tăng cường thúc đẩy các biện pháp hữu hiệu nhằm tháo gỡ các rào cản về thủ tục hành chính, xử lý các khó khăn trong quá trình triển khai dự án đã ký.
Chúng ta cũng ần chuẩn bị các thông tin về các doanh nghiệp có uy tín cùng các dự án có tính khả thi cao để giới thiệu trong các dịp tổ chức hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, diễn dàn doanh nghiệp, hội chợ, hội thảo…
PV: Xin cảm ơn Đại sứ!