Hoa quả nhập ngoại, ngọt ít đắng nhiều
Trái cây là một trong những mặt hàng tham gia vào nhóm nông sản xuất khẩu (XK) khá muộn mằn, song cũng đã có những bước tiến đáng kể.
Suốt một thời gian dài đến năm 2013, lần đầu tiên mặt hàng này đạt 1,1 tỷ USD, lọt top những nông sản XK “tỷ đô” của Việt Nam. Tuy nhiên, điều đáng nói là trong khi trái cây nhập ngoại được bày bán tràn lan tại thị trường trong nước thì trái cây XK của Việt Nam lại gặp không ít rào cản thương mại.
Người tiêu dùng lựa chọn mua hoa quả nhập khẩu tại siêu thị VinMart. (Ảnh: Nguyễn Lê)
Trong vòng 3 năm qua, mặt hàng này tiếp tục có bước tăng trưởng khi cán mốc 1,49 tỷ USD vào năm 2014 và trên 1,8 tỷ USD vào năm 2015. Trong 3 tháng đầu năm 2016, kim ngạch XK trái cây, rau củ quả trên cả nước đạt 526 triệu USD, tăng 41% so với cùng kỳ.
Hiện nay, trái cây của Việt Nam đã có mặt ở hơn 40 quốc gia trên thế giới. Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, năm 2015 đã có 16 thị trường đạt kim ngạch trên 10 triệu USD. Năm 2015 là năm đánh dấu hiệu quả trong công tác mở cửa thị trường XK sản phẩm trái cây sang các thị trường khó tính. Điển hình, Việt Nam bắt đầu XK sang thị trường Mỹ hơn 3 tấn vải, trên 100 tấn nhãn. Đối với Nhật Bản, ngoài hơn 1.200 tấn thanh long, trên 10 tấn xoài Việt Nam cũng được XK sang thị trường này và táo của họ cũng được nhập vào Việt Nam. Bên cạnh đó, Australia cũng đã chính thức cho phép nhập khẩu quả vải tươi và đã có 16 lô vải tươi với trên 28 tấn đã được đưa sang thị trường này.
Nhìn vào những con số trên cho thấy, dù đã tiếp cận được các thị trường “khó tính”, song trái cây Việt Nam xuất ngoại vẫn còn rất hạn chế. Kim ngạch XK rau quả còn ở dưới tiềm năng và thế mạnh về đất đai, khí hậu, chủng loại rau quả của nước ta trong khi có nhiều loại đặc sản nổi tiếng như chuối ngự, nhãn lồng, vải thiều, xoài, nhiều loại bưởi, cam, thanh long...
Điều đáng nói, dù liên tục mở rộng thị trường, song nhìn chung thị trường XK trái cây của Việt Nam vẫn chủ yếu là Trung Quốc. Nhiều chuyên gia nhận định, đây là cách làm “bỏ trứng vào một giỏ” khiến cho đầu ra gặp nhiều khó khăn, dễ bị ép giá. Tình trạng hàng trăm chiếc xe container chở đầy dưa hấu, vải thiều ún ứ tại cửa khẩu Tân Thanh những năm qua đã minh chứng rõ điều đó.
Không những thế, thời gian qua, một số thị trường liên tục có cảnh báo đối với trái cây Việt Nam do liên quan đến vấn đề kiểm dịch thực vật, ATTP. Đơn cử như EU đã nâng tần suất kiểm tra đối với thanh long lên 20%. Điều này cho thấy, việc chế biến, bảo quản trái cây tươi của nước ta vẫn còn rất nhiều hạn chế, bất cập phải khắc phục.
Việt Nam là nước có nhiều loại trái cây đa dạng của vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới, trong đó có nhiều loại đặc sản như xoài cát Hòa Lộc (Tiền Giang), vú sữa Lò Rèn, nhãn, vải, đặc biệt là trái thanh long vừa ngon lại có năng suất cao, hương vị được bạn bè quốc tế đánh giá cao.
Tuy nhiên, thứ nhất, theo ông Lê Sơn Hà – Trưởng phòng Kiểm dịch thực vật (Cục Bảo vệ thực vật, Bộ NN&PTNT), trái cây Việt Nam còn hạn chế về quy mô canh tác nhỏ lẻ, manh mún. Trừ quả thanh long có vùng chuyên canh tập trung, còn các loại trái cây khác rải rác về cả giống và diện tích trồng nên để huy động một lượng lớn quả có chất lượng đồng đều là rất khó. Thứ hai, công nghệ chế biến, bảo quản sau thu hoạch trái cây của nước ta cũng chưa tốt nên quả XK đi xa khó khăn, chi phí vận chuyển cao. Chẳng hạn, trái vải được XK sang Mỹ, Australia theo đường hàng không, chi phí đã đội lên gần 1 USD/kg./.
Bộ NN&PTNT đã đề nghị Cục Bảo vệ thực vật triển khai kiểm dịch chặt chẽ nông sản nhập khẩu có nguồn gốc thực vật, trong đó có trái cây để đảm bảo ATTP. Theo đó, năm 2016, ngành bảo vệ thực vật xác định nhiệm vụ trọng tâm là kiểm tra chặt chẽ các mặt hàng có nguồn gốc thực vật xuất, nhập khẩu để không lọt các đối tượng kiểm dịch thực vật có hại vào trong nước. Đồng thời tăng cường kiểm tra, xử lý đối với các lô hàng nhập khẩu từ các nước có nguy cơ cao. Đặc biệt, Cục Bảo vệ thực vật tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có thẩm quyền về kiểm dịch thực vật của các nước, cơ quan trong nước để thúc đẩy mở cửa thị trường nông sản của Việt Nam, đặc biệt là rau và trái cây./.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh