Hoàn thuế đảm bảo quyền lợi cho người dân, doanh nghiệp nhưng tránh để lợi dụng
VOV.VN - Làm việc với Cục Hải quan TP.HCM sáng nay (14/6), Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đề nghị Cục Hải quan TP.HCM cần phối hợp chặt chẽ với Cục Thuế TP và các đơn vị liên quan để triển khai hoạt động nghiệp vụ thông suốt, đặc biệt liên quan đến công tác hoàn thuế cho doanh nghiệp hay quản lý hoạt động thương mại điện tử.
Số thu NSNN của Hải quan TP.HCM giảm
Cục trưởng Cục Hải quan TP.HCM Nguyễn Hoàng Tuấn cho biết, tổng trị giá xuất nhập khẩu của cả nước trong 5 tháng đầu năm đạt 305,53 tỷ USD, tăng 16,6%, (tương ứng tăng 44,56 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2023. Về cán cân thương mại 5 tháng đầu năm 2024, cả nước xuất siêu khoảng 8 tỷ USD. Trong đó, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của TP.HCM lũy kế từ đầu năm đến ngày 28/5 đạt 46,84 tỷ USD (chiếm 15,33% tổng kim ngạch XNK cả nước), tăng 3,37% so với cùng kỳ năm 2023 (tăng tương ứng 1,52 tỷ USD). Kim ngạch xuất nhập khẩu có thuế lũy kế từ đầu năm đến ngày 28/5đạt 14,84 tỷ USD, tăng 5,27% so với cùng kỳ năm 2023 (tăng tương ứng 0,74 tỷ USD).
Tương ứng với đó, số thu ngân sách Nhà nước (NSNN) của Tổng cục Hải quan trong 5 tháng đầu năm đạt 165.696 tỷ đồng, đạt 44,2% dự toán được giao (375.000 tỷ đồng), tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế số thu NSNN từ đầu năm tới 11/6 của Cục Hải quan TP.HCM đạt 53.130,1 tỷ đồng, bằng 40,62% dự toán Pháp lệnh được giao (130.800 tỷ đồng) và giảm 6,69% (tương đương giảm tuyệt đối 3.812,0 tỷ đồng) so với cùng kỳ năm 2023 (đạt 56.942,0 tỷ đồng).
Ông Tuấn cho biết thêm, Cục Hải quan TP.HCM chiếm khoảng 1/3 số thu toàn ngành Hải quan. Hầu hết các đơn vị chiếm số thu lớn có luỹ kế số thu NSNN trong 5 tháng đầu năm 2024 tăng so với cùng kỳ năm 2023 như: Bà Rịa - Vũng Tàu tăng 34,22%; Thanh Hóa tăng 24,78%; Quảng Ninh tăng 26,51%. Tuy nhiên, số thu từ Cục Hải quan TP.HCM lại giảm.
Lý giải về nguyên nhân làm giảm số thu, Cục trưởng Nguyễn Hoàng Tuấn cho biết, về cơ cấu số thu NSNN của Cục Hải quan TP.HCM, riêng 3 mặt hàng: Ô tô, xăng dầu, sắt thép chiếm tỷ trọng lớn gần 35% trong tổng số thu NSNN. Do đó, sự biến động của các nguồn thu này sẽ tác động rất lớn đến số thu NSNN của Cục Hải quan TP.HCM.
Số thuế thu NSNN từ mặt hàng ô tô nguyên chiếc các loại giảm 51,78% (giảm tuyệt đối gần 6.000 tỷ đồng) so với cùng kỳ năm 2023 do tác động của cam kết cắt giảm thuế quan trong một số Hiệp định thương mại tự do (FTA). Mặt hàng xăng dầu các loại có kim ngạch XNK tăng 10,2% so với cùng kỳ năm 2023, tuy nhiên số thuế thu NSNN chỉ tăng khoảng 0,73 tỷ đồng do tác động của ưu đãi về thuế suất nhập khẩu từ thị trường ASEAN.
Theo đó, thay vì nhập khẩu xăng từ Hàn Quốc với mức thuế suất là 8% thì các doanh nghiệp nhập khẩu xăng từ ASEAN với mức thuế suất là 5%, dầu DO và dầu FO là 0%. Mặt hàng sắp thép các loại có kim ngạch XNK tăng 30,5% so với cùng kỳ năm 2023, tuy nhiên, số thuế thu NSNN chỉ tăng khoảng 470,1 tỷ đồng do thị trường xây dựng dân dụng chưa thực sự hồi phục nên vẫn tồn tại lượng hàng tồn kho lớn.
Bên cạnh đó là tác động của chính sách giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng (VAT). Theo đó, việc giảm thuế VAT giúp tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp nhưng cũng ảnh hưởng tới thu NSNN của Cục Hải quan TP.HCM. Ước tính số thu thuế VAT đã giảm trong năm tháng đầu năm 2024 là 2.000 tỷ đồng. 6 tháng cuối năm nếu Quốc hội tiếp tục đồng ý giảm 2% VAT thì số thu NSNN tiếp tục giảm so với tính toán.
Ngoài ra, Việt Nam đang thực hiện 17 hiệp định FTA với mức thuế suất ưu đãi đặc biệt bình quân giản đơn (Thuế FTA) theo 15 FTA đang thực thi là 3,2%. Qua năm 2024 các hiệp định thương mại tự do FTAs tiếp tục trong giai đoạn cắt giảm sâu, một số FTA tiếp tục có mức thuế suất bình quân giản đơn giảm mạnh: EVFTA/UKVFTA từ 4,7% về 3,5%, CPTTP 2,1% về 1,7%.
“Việc hạ tầng cơ sở logistics chưa hoàn thiện ảnh hưởng đến quá trình bảo quản, lưu thông hàng hoá và tăng chi phí vận chuyển cho doanh nghiệp cũng là một trong những nguyên nhân gây giảm thu”, ông Tuấn cho biết.
6 tháng cuối năm 2024, Cục Hải quan TP.HCM tiếp tục tập trung tạo điều kiện thuận lợi cho thông quan. Tuy nhiên, cũng sẽ tăng cường kiểm tra tại trụ sở Cục hải quan và trụ sở doanh nghiệp. Tập trung tạo mối quan hệ khăng khít giữa hải quan và doanh nghiệp.
Ngoài ra, sẽ đẩy mạnh chống thất thu qua thuế, qua giá; nâng cao kỷ cương kỷ luật trong thực thi nhiệm vụ và tổ chức đào tạo cho cán bộ công chức viên chức. Phối hợp chặt chẽ với các ban ngành liên quan trong phòng chống gian lận thương mại.
Chia sẻ với những khó khăn, vướng mắc của Cục Hải quan TP.HCM, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Đinh Ngọc Thắng đề nghị Cục Hải quan TP.HCM quan tâm thực hiện tốt các nội dung tại 2 quy chế phối hợp. Đó là, quy chế phối với Công an TP.HCM về công tác phòng, chống ma túy; quy chế phối hợp với Cục Thuế TP.HCM về công tác chống gian lậu thuế qua thương mại điện tử và hoàn thuế GTGT.
Cũng cho ý kiến về nội dung này, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Xuân Thành cho rằng, để thực hiện hiệu quả công tác phối hợp, Hải quan và Thuế cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa, nhất là qua vụ phát hiện vi phạm từ Thuduc House; cần chú trọng đến nhóm hàng xuất khẩu có độ rủi ro cao; trao đổi liên thông trong đánh giá rủi ro; XNK tại chỗ…
Cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan Thuế và Hải quan
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đánh giá cao và ghi nhận thành tích đã đạt được của Cục Hải quan TP.HCM. Góp ý về các hoạt động nghiệp vụ của Cục, Bộ trưởng cho rằng, TP.HCM là động lực tăng trưởng lớn của cả nước, trong đó, cơ quan Hải quan đóng góp lớn cho số thu NSNN của thành phố. Do đó, Bộ trưởng Tài chính mong muốn Cục Hải quan TP.HCM sẽ tiếp tục tham mưu cho TP, góp phần giúp TP.HCM tiếp tục cất cánh giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế, đóng góp vào tăng trưởng chung của đất nước.
Bộ trưởng lưu ý, việc quản lý tại các cửa khẩu sân bay tránh thất thu thuế nhưng vẫn tạo điều kiện để DN phát triển. Bên cạnh đó, cần chú trọng đến công tác hoàn thuế đảm bảo quyền lợi cho doanh nghiệp nhưng cũng cần tuân thủ pháp luật về thuế, tránh để lợi dụng, thất thoát. Để làm được điều này, Bộ trưởng cho rằng, cần có sự phối hợp giữa Cục Thuế và Cục Hải quan thành phố trong việc xác định hồ sơ hoàn thuế của doanh nghiệp.
Đối với phòng chống hàng lậu, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khoẻ nền kinh tế và doanh nghiệp sản xuất trong nước cần được thực hiện quyết liệt, tạo công bằng và minh bạch trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Riêng trong công tác đấu tranh chống vàng lậu, Tư lệnh ngành Tài chính cho rằng, cần đấu tranh quyết liệt không chỉ qua đường hàng không mà cả đường biển và biên giới, “có làm được mới giữ được ổn định nền kinh tế, giữ vững được tỷ giá”, Bộ trưởng nhấn mạnh.