Hoàn thuế giá trị gia tăng tiếp tục “nóng”
VOV.VN - Nhiều vướng mắc về việc hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT) được doanh nghiệp nêu lên tại Hội nghị Đối thoại về chính sách, thủ tục hành chính thuế và hải quan năm 2024 do Liên đoàn thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Bộ Tài chính tổ chức sáng nay 13/12.
Nhiều hồ sơ hoàn thuế bị treo
Phát biểu tại hội nghị, ông Cao Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết, để hỗ trợ doanh nghiệp, Bộ đề xuất, trình cấp có thẩm quyền ban hành nhiều giải pháp trong lĩnh vực tài chính. Từ năm 2021 đến nay, các chính sách này đã hỗ trợ doanh nghiệp hơn 191.000 tỷ đồng. Trong đó số tiền thuế và tiền thuê đất được gia hạn là khoảng 95.000 tỷ đồng; số tiền thuế, phí, lệ phí được giảm khoảng 96.000 tỷ đồng.
Tại hội nghị có gần 20 câu hỏi của doanh nghiệp nêu vướng mắc, tập trung việc hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT) nhất là trường hợp xuất, nhập khẩu tại chỗ, xác định trị giá hải quan và xác định mã số HS code để tính thuế khi nhập khẩu nguyên liệu sản xuất...
Về việc hoàn thuế, ông Tô Vĩnh Hưng đại diện Công ty TNHH thép miền Nam ở Bà Rịa - Vũng Tàu phản ánh, hồ sơ hoàn thuế của doanh nghiệp đang vướng từ tháng 8/2022 đến nay với số tiền gần 200 tỷ đồng, chủ yếu là hóa đơn đầu vào. Nguyên liệu đầu vào là phế liệu được Cục Thuế đánh giá là nhà cung cấp rủi ro về thuế. Tuy nhiên, tại thời điểm công ty phát sinh hoạt động mua bán phế liệu thì tất cả hồ sơ, thủ tục đều đúng và giải trình được; công ty kiểm tra hóa đơn đầu vào thấy các nhà cung cấp đều đang hoạt động. Tuy nhiên, đến thời điểm hoàn thuế, cơ quan thuế kiểm tra thì nhà cung cấp ngừng hoạt động, chờ giải thể nên không xác minh được dẫn tới hồ sơ bị “treo”.
Doanh nghiệp này kiến nghị xem xét lại quy trình hoàn vì về nguyên tắc đơn vị nào khai thuế thì chịu trách nhiệm, đơn vị nào có sai thì xử lý, còn hoạt động nào đúng vẫn phải xem xét hoàn thuế cho đơn vị, không gắn với F2, F3. Nguyên tắc khai thuế điện tử, doanh nghiệp tự khai tự chịu.
Về hoàn thuế giá trị gia tăng đối với hoạt động xuất nhập khẩu tại chỗ, bà Nguyễn Thị Kim Trang, Trưởng phòng Xuất nhập khẩu Công ty Fashion Garments MeKong cho biết: hiện nay, nhiều hồ sơ hoàn thuế VAT của công ty đang bị vướng.
Gần đây, cơ quan thuế có các cuộc thanh tra về hoàn thuế VAT cho xuất nhập khẩu, hoàn trước kiểm sau. Một số chi cục thuế lại áp dụng công văn của Bộ Công Thương về quyền xuất khẩu, nhập khẩu của thương nhân nước ngoài. Việc này hiện nay doanh nghiệp đang rất lúng túng vì chưa có hướng dẫn cụ thể, trong khi, cơ quan thuế yêu cầu doanh nghiệp phải giải trình.
Để chứng minh doanh nghiệp đó có hiện diện ở Việt Nam hay không thì dựa vào giấy phép kinh doanh của họ thì chỉ có thể nhìn thấy tên, địa chỉ. Chứ doanh nghiệp không có khả năng đi thẩm định ngoài hoạt động đăng ký trên các giấy phép, giấy cam kết thì họ có sự hiện diện nào khác, hay góp vốn đầu tư nào khác hay không ở Việt Nam.
Hàng hóa ách ở cảng
Ở lĩnh vực nhập khẩu, doanh nghiệp cũng rất bức xúc về việc nguyên liệu sản xuất thức ăn gia súc là Soybeanmeal đang bị ách ở cảng. Bà Nguyễn Lý Long Khánh, đại diện Công ty Cổ phần GAD Việt Nam ở tỉnh Bình Thuận cho biết, từ ngày 1/11/2024, khi Nghị định 144/2024 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung biểu thuế xuất nhập khẩu ưu đãi, danh mục hàng hóa, mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan có hiệu lực, hải quan tại các cảng đều yêu cầu kiểm hóa 100% nguyên liệu này. Do cơ quan hải quan không đồng ý cho doanh nghiệp khai mã HS code cũ, hai bên chưa thống nhất mã HS nên phải kiểm hóa tất cả nguyên liệu nhập khẩu.
Doanh nghiệp kiến nghị Tổng cục Hải quan tháo gỡ ngay, vì hàng hóa của nhiều doanh nghiệp đang ách ở cảng.
Tất cả các doanh nghiệp nhập khẩu Soybeanmeal, hàng về tới cảng đều bị hải quan đem đi kiểm hóa. Chi phí bên trong và bên ngoài cho mỗi lô hàng này đi kiểm hóa tốn 7-8 triệu đồng. Và giờ tất cả hàng hóa này của doanh nghiệp đang nằm ở cảng chưa được thông quan.
Với những vướng mắc nêu trên, ông Âu Anh Tuấn - Phó Tổng Cục Trưởng Tổng Cục Hải quan đề nghị gặp trực tiếp và cần thiết có văn bản hướng dẫn ngay để giải quyết cho doanh nghiệp.
Còn về việc hoàn thuế giá trị gia tăng đối với xuất nhập khẩu tại chỗ, ông Âu Anh Tuấn - Phó Tổng Cục Trưởng Tổng Cục Hải quan cho biết: "Tổng cục sẽ phối hợp các bộ ngành đánh giá tác động và báo cáo với Chính phủ để sửa đổi những quy định tại khoản 1 C, điều 35 để các giao dịch này về đúng bản chất của giao dịch. Sau đó, Tổng cục Hải quan sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng về sửa đổi, bổ sung các chính sách thuế. Còn về vướng mắc hoàn thuế Tổng cục Hải quan phối hợp với Tổng cục Thuế để hướng dẫn cho cục thuế và cục hải quan các địa phương hoàn thuế cho các doanh nghiệp nếu đáp ứng đủ điều kiện".