Hội đồng tư vấn tài chính tiền tệ quốc gia họp phiên đầu tiên
VOV.VN - Ngày 22/6, Hội đồng tư vấn tài chính, tiền tệ họp phiên đầu tiên sau khi thành lập theo Quyết định số 1079 ngày 17/6 của Thủ tướng Chính phủ.
Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia với 31 thành viên do Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ làm Chủ tịch Hội đồng. Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng là ông Lê Minh Hưng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước. Hội đồng còn có hai Phó Chủ tịch là ông Đinh Tiến Dũng, Bộ trưởng Bộ Tài chính và Vũ Viết Ngoạn, Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì phiên họp thứ nhất Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia. |
Hội đồng sẽ tư vấn cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc hoạch định và quyết định những vấn đề quan trọng về chủ trương, chính sách tài chính, tiền tệ thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Phát biểu tại phiên họp, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị, các thành viên nghiên cứu kỹ quy chế làm việc của Hội đồng để quán triệt, thực hiện đúng theo các quy định của Thủ tướng Chính phủ; bám sát các nhiệm vụ mà Thủ tướng Chính phủ giao để thảo luận, tư vấn cho Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ những chủ trương, chính sách, đề án lớn trong lĩnh vực tài chính tiền tệ.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Hội đồng làm việc theo nguyên tắc tập thể, các ý kiến thảo luận, tư vấn đều được tôn trọng và bảo lưu, đảm bảo sự bình đẳng, phát huy trí tuệ của mỗi thành viên, có tiếng nói độc lập và có trách nhiệm với sự điều hành chính sách tài chính, tiền tệ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu, cơ quan thường trực của Hội đồng cần tăng cường thêm các phiên họp đột xuất khi cần thiết theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Hội đồng; tổ chức thảo luận, hội thảo, lấy ý kiến đánh giá, góp ý của các chuyên gia, các doanh nhân, các nhà khoa học trong và ngoài nước về chủ trương, chính sách, giải pháp thuộc lĩnh vực tài chính- tiền tệ.
Dự kiến chương trình công tác năm 2016, Chủ tịch Hội đồng cũng đề nghị các thành viên tập trung cho ý kiến về một số đề án cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, xử lý nợ xấu; cơ cấu lại thu chi ngân sách và đảm bảo an toàn nợ công; cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước trong giai đoạn 2016- 2020; đề án chống đô la hóa nền kinh tế và một số vấn đề quan trọng khác./.