Hội nghị MRT 23 tăng cường thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững
VOV.VN - Thông qua Hội nghị MRT 23, Việt Nam có thể tăng cường quan hệ thương mại song phương với các thành viên APEC.
Theo kế hoạch, Hội nghị các Bộ trưởng phụ trách Thương mại APEC lần thứ 23 (MRT 23) sẽ diễn ra từ ngày 19-21/5/2017 tại Hà Nội. Hội nghị MRT 23 và các sự kiện có liên quan nằm trong khuôn khổ chuỗi các sự kiện thuộc Năm APEC Việt Nam 2017 được Chính phủ giao Bộ Công Thương thực hiện.
Phóng viên VOV.VN có cuộc phỏng vấn bà Phạm Quỳnh Mai, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) về công tác chuẩn bị cho MRT 23 cũng như những ưu tiên trong chính sách thương mại mà Việt Nam đề xuất, thảo luận tại Hội nghị này.
PV: Với vai trò xây dựng nội dung, điều phối và chủ trì Hội nghị các Bộ trưởng phụ trách Thương mại APEC lần thứ 23 (MRT 23), xin bà cho biết công tác chuẩn bị của Bộ Công Thương cho hội nghị này?
Bà Phạm Quỳnh Mai: Cho đến nay, công tác chuẩn bị của Bộ Công Thương đối với Hội nghị các Bộ trưởng Phụ trách Thương mại APEC lần thứ 23 (gọi tắt là MRT 23) đang được đẩy nhanh về mọi mặt. Bộ Công Thương đang phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành hữu quan và UBND TP Hà Nội để đảm bảo an ninh, an toàn cho Hội nghị.
Ngoài công tác điều hành hội nghị, trong đó có việc đảm bảo chuẩn bị tốt các văn kiện quan trọng là dấu ấn của hội nghị, Bộ Công Thương cũng đặt mục tiêu thông qua Hội nghị MRT 23 để Việt Nam có thể tăng cường quan hệ thương mại song phương với các thành viên APEC, thông qua các cuộc tiếp xúc song phương cấp Bộ trưởng, các cuộc gặp gỡ, đối thoại giữa Lãnh đạo Bộ Công Thương với đại diện cộng đồng doanh nghiệp.
PV: Để đạt được mục tiêu trên, tại các cuộc họp trong khuôn khổ của Hội nghị MRT 23, Việt Nam sẽ ưu tiên thảo luận về các vấn đề trọng tâm nào thưa bà?
Bà Phạm Quỳnh Mai: Là một trong những Hội nghị Bộ trưởng chuyên ngành quan trọng nhất được tổ chức thường niên, Hội nghị MRT 23 sẽ tập trung rà soát việc triển khai chủ đề và các ưu tiên của năm APEC 2017, đồng thời chỉ đạo về các hoạt động kinh tế - thương mại trong khuôn khổ hội nhập kinh tế khu vực.
Hội nghị sẽ ưu tiên thảo luận về những nỗ lực của APEC để ủng hộ hệ thống thương mại đa phương mà đại diện là Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), hướng tới thành công của Hội nghị Bộ trưởng WTO lần thứ 11, sẽ được tổ chức vào tháng 12 tới tại Argentina.
Đồng thời, Hội nghị còn bàn thảo đến các sáng kiến về thúc đẩy tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm; phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số, nâng cao năng lực cạnh tranh và sáng tạo của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs) trong kỷ nguyên số.
Bên cạnh đó, chỉ đạo của các Bộ trưởng sẽ là cơ sở để Việt Nam phối hợp với các thành viên APEC hoàn thiện những đề xuất, sáng kiến trình lên Hội nghị cấp cao APEC được tổ chức vào tháng 11 tới tại Đà Nẵng, đây cũng chính là các kết quả mang tính “dấu ấn” của cả năm APEC 2017.
Bên lề MRT 23, Bộ Công Thương cũng sẽ chủ trì tổ chức Hội nghị APEC về Thương mại và Sáng tạo vào ngày 19/5, với sự tham gia của nhiều đại diện doanh nghiệp của các thành viên APEC.
Tại Hội nghị này cũng sẽ có buổi đối thoại giữa các Bộ trưởng thương mại và đại diện doanh nghiệp APEC về mối quan hệ giữa các chính sách thương mại và các hoạt động đổi mới sáng tạo và làm thế nào để các chính sách này khuyến khích được hoạt dộng, cũng như tinh thần đổi mới/sáng tạo tại các nền kinh tế thành viên…
PV: Bà có thể cho biết những cam kết của Việt Nam về thương mại tự do cũng như đề xuất, khuyến nghị của Việt Nam tại Hội nghị MRT 23 và Diễn đàn APEC 2017?
Bà Phạm Quỳnh Mai: Hội nghị APEC trong đó có Hội nghị MRT 23 bản chất là một diễn đàn đặt mục tiêu cao về tự do hóa và thuận lợi hóa thương mại. Trong nhiều năm qua, ưu tiên về tăng cường hội nhập kinh tế khu vực luôn được đặt lên hàng đầu và Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ.
Một trong nhưng ưu tiên của năm APEC Việt Nam 2017 là thúc đẩy hội nhập khu vực sâu rộng hơn, và ưu tiên này cũng được toàn bộ 21 nền kinh tế thành viên APEC ủng hộ.
Trên cơ sở đó, Việt Nam sẽ hợp tác với các thành viên APEC để thúc đẩy các chương trình hợp tác về tự do hóa và thuận lợi hóa thương mại và đầu tư, phấn đấu đạt được mục tiêu Bogo mà APEC đặt ra từ năm 1994 về việc thực hiện thương mại và đầu tư tự do và mở vào năm 2020. Chỉ còn 3 năm nữa là đến thời điểm 2020, do vậy các thành viên APEC cũng rất ủng hộ Việt Nam thúc đẩy thảo luận về nội dung này.
Việt Nam cũng rất quan tâm tới việc thúc đẩy các hoạt động về thuận lợi hóa thương mại, trong đó có các nỗ lực để thực hiện Hiệp định về thuận lợi hóa Thương mại vừa có hiệu lực trong khuôn khổ WTO.
APEC ủng hộ những ưu tiên của Năm APEC 2017 tại Việt Nam
Với các thành tựu đã đạt được qua 30 năm đổi mới, Chính phủ Việt Nam luôn kiên định với quyết tâm hội nhập sâu, rộng và toàn diện của mình, nhằm đóng góp tích cực cho quá trình xây dựng một cộng đồng châu Á - Thái Bình Dương kết nối, bao trùm và thịnh vượng.
PV: Xin trân trọng cảm ơn bà!./.