Hội nghị trực tuyến xúc tiến thương mại Việt Nam - Ấn Độ

VOV.VN - Hội nghị giao thương trực tuyến Việt Nam - Ấn Độ là sáng kiến của hai bên nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp trước ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Đại dịch Covid-19 đang tạo nên những tổn thất chưa từng có với kinh tế toàn cầu, nhưng đồng thời nó cũng tạo ra động lực và cơ hội để các nền kinh tế đổi mới, kết nối mạnh mẽ hơn, đặc biệt giữa hai nền kinh tế Việt Nam và Ấn Độ. Đây là nội dung của Hội nghị giao thương trực tuyến Việt Nam - Ấn Độ "Cơ hội và Thách thức hậu Covid-19" diễn ra ngày 28/4.

Hội nghị giao thương trực tuyến Việt Nam - Ấn Độ là sáng kiến của hai bên nhằm giúp doanh nghiệp và các cơ quan quản lý hai nước trao đổi về tác động của dịch Covid-19 với hai nền kinh tế cũng như những thách thức đặt ra với các hoạt động xúc tiến thương mại. Đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam và Ấn Độ đánh giá tiềm năng và cơ hội giao thương sau khi đại dịch đi qua.

Tham dự và thảo luận tại diễn đàn có Đại sứ Việt Nam tại Cộng hòa Ấn Độ Phạm Sanh Châu và đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam Pranay Verma, đại diện Cục xúc tiến Thương mại, Bộ Công thương, Phòng Thương mại và Công nghiệp PHD, Ấn Độ và gần 100 doanh nghiệp hai nước. 

Hội nghị trực tuyến xúc tiến thương mại Việt Nam - Ấn Độ.

Phát biểu khai mạc sự kiện, Chủ tịch phòng Thương mại và Công nghiệp PHD Ấn Độ Aggarwal chúc mừng Việt Nam đã kiểm soát được dịch bệnh Covid-19 và đang bắt đầu khởi động lại các hoạt động kinh tế xã hội. Với vai trò là bạn bè truyền thống, là đối tác kinh tế lớn thứ 7 của Việt Nam, Ấn Độ trông đợi vào những cơ hội hợp tác đầu tư, thương mại giữa hai nước, đặc biệt là sau khi kiểm soát và đẩy lùi được đại dịch Covid-19.

Đại sứ Việt Nam tại Cộng hòa Ấn Độ Phạm Sanh Châu cũng đánh giá cao sáng kiến giao lưu giữa doanh nghiệp hai nước vào thời điểm mọi hoạt động hợp tác kinh tế trên toàn cầu đều đang bị ngưng trệ vì tác động của dịch Covid-19.

Theo các số liệu dự báo của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), những thiệt hại mà Covid-19 gây ra với các nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể lên tới 4.000 tỷ USD, tương đương 5% GDP toàn cầu.

Với Việt Nam, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) giảm dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam giảm so với mức 7% đưa ra vào tháng 1/2020, nhưng dự kiến sẽ phục hồi lên 7% vào năm 2021. Trong số các nước GDP tăng trưởng dương có Trung Quốc, Ấn Độ và Việt Nam, trong đó Việt Nam tăng trưởng ấn tượng nhất đạt từ 2,7% đến 4,2%.

Đại sứ Phạm Sanh Châu cho rằng, đại dịch Covid-19 đã tạo nên chấn động lớn với nền kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, sẽ xuất hiện một làn sóng chuyển dịch chuỗi sản xuất sau khi dịch bệnh kết thúc. Trong bối cảnh đó, Việt Nam và Ấn Độ cần tận dụng tốt sự dịch chuyển về dòng vốn đầu tư từ Trung Quốc trong bối cảnh cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và dịch bệnh Covid 19, lòng tin chiến lược của các nhà đầu tư nước ngoài đã bị suy giảm. 

Đại sứ Phạm Sanh Châu nói: “Theo nghiên cứu của công ty tư vấn tài chính Nomura (Nhật Bản) về 56 công ty chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc, chỉ có 3 trong số này chuyển tới Ấn Độ trong khi 26 đến Việt Nam, 11 đến Đài Loan và 8 tới Thái Lan. Xu hướng này là không thể đảo ngược, trong bối cảnh chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc chưa được giải quyết, vì đại dịch Covid-19 và cả bởi các tiến bộ công nghệ. Tôi nghĩ rằng Ấn Độ sẽ trở thành một điểm đến hấp dẫn cho các công ty VN đầu tư, và tìm kiếm các nguyên vật liệu cho chuỗi sản xuất của mình. Ví dụ như trong ngành dệt may”.

Các đại biểu tham dự hội nghị đều cho rằng trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến khó lường, hai nước cần thực hiện các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp hai bên có tính khả thi cao trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin. Việc này sẽ giúp xóa bỏ những khó khăn cho doanh nghiệp do các điều kiện hạn chế tiếp xúc trực tiếp, những vấn đề như khoảng cách địa lý xa xôi, giao thông không thuận tiện do các biện pháp phòng ngừa Covid-19.

Hai nước cần duy trì thông tin tới doanh nghiệp hai bên những cơ hội có thể tận dụng từ các thỏa thuận thương mại đã cam kết, các chương trình kết nối doanh nghiệp qua các nền tảng số như các hội nghị giao thương trực tuyến, hội chợ, triển lãm trực tuyến, các sàn thương mại điện tử… giúp doanh nghiệp nhanh chóng nối lại dòng cung ứng nguyên liệu đầu vào cho sản xuất, đầu ra cho tiêu thụ của người dân./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên