Hơn 40 năm xây dựng thương hiệu “Ba Huân” trong ngành nông nghiệp
VOV.VN - Cả cuộc đời gắn với trứng gà, trứng vịt, từ khi còn là cô thiếu nữ với đôi quang gánh bán trứng ở chợ làng Vĩnh Thạnh Đông, tỉnh Long An, doanh nhân Phạm Thị Huân đã nỗ lực từng ngày để tạo ra thương hiệu Ba Huân.
Bà Phạm Thị Huân sinh năm 1985, là người đứng đầu Công ty cổ phần Ba Huân nay là Công ty TNHH Ba Huân. Ra đời từ năm 2001 với vốn điều lệ 8 tỷ đồng, đánh dấu một bước phát triển mới trong hành trình kinh doanh ngành trứng gia cầm. Đến tháng 10/2016, Công ty Ba Huân chuyển đổi thành mô hình công ty cổ phần. Hiện nay, công ty có 12 đơn vị trực thuộc, 4 nhà máy, 2 trang trại chăn nuôi, 6 cửa hàng phân phối; sản phẩm công ty đã có mặt tại 3.000 siêu thị lớn nhỏ trên toàn quốc.
Mặc dù bị ảnh hưởng do biến động của nền kinh tế trong nước nhưng với sự cố gắng rất cao, công ty vẫn đảm bảo doanh thu 120%/năm vượt trội hơn so với kế hoạch đề ra, nộp thuế và các khoản khác đạt tỷ lệ 160% so với đăng ký.
Doanh thu năm 2009 đạt 148 tỷ đồng, lợi nhuận là 391 triệu đồng, nộp ngân sách nhà nước 5,8 tỷ đồng; đến năm 2018 doanh thu đạt 1.245 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 20,02 tỷ đồng.
Bà Phạm Thị Huân đã liên kết công ty với các nhà khoa học để thực hiện thí điểm thành công mô hình vịt siêu trứng an toàn sinh học và đang nhân rộng tại các địa phương. Tổ chức liên kết sản xuất thức ăn chăn nuôi giao cho bà con nông dân, sau đó nhận trứng về xử lý tiêu thụ. Chỉ đạo công ty tổ chức thực hiện các đề án chăn nuôi an toàn sinh học theo mô hình VietGAP và Công ty nhận giấy chứng nhận Chăn nuôi theo mô hình VietGAP.
Bà Ba Huân đã mạnh dạn đầu tư xây dựng “Trang trại chăn nuôi gia cầm kỹ thuật cao” tại xã Vĩnh Tân, huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương là kết quả của quá trình phấn đấu hợp tác với Tập đoàn Hy-line của Mỹ, nhiều trang trại ở các tỉnh Bình Dương, Long An… đã nuôi giống gà này vì hiệu quả sử dụng thức ăn tối ưu và cho trứng chất lượng cao. Ngoài ra, công ty đang cung cấp 1 triệu trứng gia cầm/ngày trên địa bàn TPHCM, cung ứng 80% trứng muối cho các thương hiệu bánh kẹo Kinh Đô, Bibica, Đồng Khánh, sản phẩm được xuất khẩu sang nhiều nước.
Qua hơn 40 năm gắn bó và phát triển, bà Phạm Thị Huân vẫn luôn chứng tỏ mình là một nông dân Việt thuần chất. Năm 2016, Tổ chức Nông Lương Liên Hợp Quốc (FAO) đã lựa chọn Ba Huân là đại diện duy nhất của Việt Nam và là một trong 4 đại diện thuộc 45 quốc gia nhận giải thưởng “Nông dân điển hình” trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Đây là giải thưởng quốc tế uy tín trong lĩnh vực nông nghiệp dành cho những nông dân có mô hình sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu, đóng góp lớn có cộng đồng.
Đi đầu trong đầu tư đổi mới, áp dụng công nghệ mới, cải tiến kỹ thuật cho hoạt động sản xuất kinh doanh và bảo vệ môi trường, bà Phạm Thị Huân đã mạnh dạn chỉ đạo công ty mua lô máy, thiết bị trị giá 650.000 Euro từ Tập đoàn Moba Hà Lan, do hoạt động không đủ công suất, tiếp tục đầu tư 1 triệu Euro cho dây chuyền mới với công suất gấp 2 lần. Bản thân bà cũng mạnh dạn đầu tư trên 35 tỷ đồng để xây dựng nhà máy xử lý trứng sạch tại huyện Bình Chánh, TPHCM. Đây là nhà máy hiện đại nhất Việt Nam và khu vực Đông Nam Á với công suất xử lý 65.000 trứng/giờ, với dây chuyền xử lý trứng với công nghệ hàng đầu châu Âu, dây chuyền tự động hóa 100%.
Bên cạnh đó, bà Phạm Thị Huân luôn chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng trình độ về mọi mặt cho người lao động, là điển hình về công tác đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Trong suốt 10 năm qua, công ty đã cử được hơn 150 nhân viên đi qua Hà Lan, Thái Lan để học tập đem kiến thức để phục vụ sản xuất, kinh doanh của công ty./.
Bà Phạm Thị Huân đã nhận được nhiều phần thưởng cao quý; Huân chương Lao động hạng Nhì (năm 2010) Bằng khen của UBND TPHCM (các năm 2016, 2018) Huy hiệu TPHCM (năm 2011) và nhiều hình thức khen thưởng khác.
Với những thành tích đặc biệt xuất sắc trong lao động, sáng tạo, góp phần vào sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc, bà Phạm Thị Huân vinh dự được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lao động” (năm 2020).