Hơn 60% truy cập mua hàng từ di động, chủ shop làm gì để không bỏ lỡ?

VOV.VN -Mobile đang là xu hướng dùng để mua hàng trực tuyến. Tuy nhiên, các DN vẫn còn đang lúng túng chưa hiểu đúng và làm chuẩn để đáp ứng khách hàng, tăng tỷ lệ chuyển đổi mua hàng.

Smart phone là thứ không thể thiếu với người tiêu dùng tương lai

Sự thâm nhập của điện thoại thông minh và Internet đang tăng dần lên. Theo Báo cáo “Người tiêu dùng tương lai” của Thought Leadership, khi được hỏi điều gì bạn không thể sống thiếu, có tới 45% cho rằng điện thoại là thứ yếu.

Tại sự kiện Mobile Ecommerce Day 2018 (MEDay) vừa được Sapo phối hợp với Zalo Business tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh, bà Huỳnh Bích Trừa Ân - Phó Giám đốc bộ phận Đo lường bán lẻ của Nielsen cho hay tại 6 thành phố lớn nhất cả nước vào năm 2016, 91% người dân đang sử dụng điện thoại thông minh. Mức độ người tiêu dùng phụ thuộc các thiết bị thông minh để mua sắm ngày càng tăng.

 

Theo thống kê truy cập trên hệ thống hơn 33.000 website khách hàng của Sapo Web, có tới hơn 60% truy cập vào website là từ thiết bị di động (tăng 5% so với năm ngoái), còn lại là desktop và tablet. Báo cáo mới nhất của iPrice cũng cho thấy sự tăng trưởng về lượt truy cập di động tại Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng vẫn tiếp tục tăng mạnh, trong năm qua lượt truy cập di động đạt mức tăng trưởng trung bình 19%, chiếm 72% tổng lượt truy cập của các trang thương mại điện tử.

Tuy nhiên, một thực tế đáng buồn là dù lượng truy cập từ di động tăng trưởng thần tốc cùng với sự hỗ trợ của các ứng dụng mua sắm di động ngày càng tăng, nhưng tỷ lệ chuyển đổi của thiết bị di động vẫn thua xa so với PC. Iprice thống kê được tỷ lệ chuyển đổi trung bình trên PC cao hơn gấp 1,7 lần trên thiết bị di động. Thêm vào đó, giá trị giỏ hàng dựa trên tỷ lệ chuyển đổi cho thấy các đơn hàng trên PC vẫn có giá trị cao hơn trên di động, với mức chênh lệch từ 8% đến 20%.

Hiểu đúng và làm chuẩn khi bán hàng trên di động

Ông Trần Trọng Tuyến - CEO Sapo, trưởng BTC sự kiện MEDay 2018 chia sẻ: “Rất nhiều doanh nghiệp vẫn đang ngày ngày đánh mất một lượng lớn doanh thu chỉ vì chưa chú trọng, hoặc không biết cần phải làm gì để cải thiện tốt hơn trải nghiệm mua sắm, và tối ưu chuyển đổi trên di động. Điều mà các doanh nghiệp cần làm là thấu hiểu hành vi người tiêu dùng và tận dụng những tính năng, ứng dụng để tối ưu cho quảng cáo và bán hàng trên di động. Đừng ngần ngại chấp nhận những thử thách mới để có được sức bật.”

Chị Lê Hoàng Vy, Giám đốc Học viện Lazada Việt Nam chia sẻ tại sự kiện, từ đầu năm 2018 đến nay, số lượng người dùng mua sắm qua ứng dụng mobile của Lazada tăng 60% và số lượng đơn hàng từ ứng dụng chiếm 70% tổng đơn hàng của Lazada. Ngoài việc liên tục đưa ra những mã khuyến mãi dành cho App Mobile để thu hút người dùng, ứng dụng Lazada trên di động cũng được đầu tư về mặt công nghệ để cá nhân hóa hơn, người mua hàng có thể trò chuyện trực tiếp với người bán, hoặc theo dõi shop mình yêu thích. Về phía người bán hàng, Lazada cũng đưa ra nhiều công cụ giúp người bán tiếp cận nhiều hơn với người mua, như công cụ thiết kế gian hàng, sử dụng những mã giảm giá, công cụ kết nối hỗ trợ phản hồi nhanh…

Về kinh nghiệm để triển khai chiến dịch tiếp thị hiệu quả trên di động, chị Nguyễn Thị Trà My, Trưởng bộ phận Marketing của Zalo cũng cho rằng các chủ shop, doanh nghiệp cần tận dụng nền tảng công nghệ, khai thác triệt để những công cụ hỗ trợ mới để tăng trưởng doanh số, và chăm chút trong dịch vụ khách hàng. Chỉ đơn cử thời gian phản hồi các tin nhắn của khách hàng dưới 15 phút cũng góp phần thúc đẩy được tỷ lệ chốt đơn, chị Trà My chia sẻ thêm.

Nghiên cứu cho thấy, 70% thời gian trực tuyến của người dùng dành cho mobile, trung bình cứ mỗi 2 lần mua hàng sẽ đặt trên điện thoại 1 lần. Người dùng hiện nay vẫn có thói quen xem thông tin trên mobile nhưng khi đặt hàng thì lại tiến hành trên máy tính vì quá trình thanh toán trên nền tảng PC rõ ràng hơn. Vì vậy nếu nền tảng thanh toán trên mobile làm tốt hơn nữa trong thời gian tới, khả năng khách hàng chỉ mua sắm qua di động rất cao.

Trong vai trò là một nhà cung cấp nền tảng bán hàng đa kênh với hơn 43.000 shop sử dụng, chị Nguyễn Thị Thu Hương, Giám đốc chi nhánh Sapo tại TP.HCM cho biết, những giải pháp và dịch vụ của Sapo sẽ giúp người bán hàng vận hành, quản lý kho, dòng tiền, báo cáo dữ liệu chính xác, nhanh chóng dù bán tại cửa hàng hay bán trên các kênh online. Đặc biệt, thông qua hệ thống, người bán có thể xử lý đơn hàng, quét mã vạch, in hóa đơn và quản lý toàn bộ các hoạt động chỉ bằng một chiếc điện thoại. “Với Sapo, cả khi mất điện hoặc mất internet, chủ shop hoàn toàn có thể sử dụng bản Sapo offline hoặc điện thoại di động có kết nối 3G để vận hành quản lý mà dữ liệu không hề bị gián đoạn”, chị Thu Hương bổ sung.

Ông Hoàng Xuân, đại diện cho thương hiệu nước hoa sản xuất tại Việt Nam - Xbeauty, chia sẻ kinh nghiệm xây dựng và vận hành App giúp cho việc tăng trưởng doanh số. Xbeauty cũng bắt kịp xu hướng tiếp thị thông qua mạng lưới những người nổi tiếng, một mẹo nhỏ là thay vì dồn ngân sách cả trăm triệu để đăng bài trên KOL triệu người theo dõi, thương hiệu có thể đổi thành 100 bài đăng đồng loạt trên các fanpage của những người ảnh hưởng có tầm trăm nghìn người theo dõi. Thương hiệu sẽ được phủ sóng rộng hơn và tạo thành trào lưu với khoảng ngân sách tương tự.

Chuyên gia SEO Đỗ Anh Việt - CEO GTV SEO cũng chia sẻ 3 bí quyết để xây dựng nội dung nhằm tối ưu chuyển đổi cho các website bán hàng online, bao gồm: cách thức lựa chọn các cụm từ khóa ‘phantom’, những từ khóa đánh vào thị trường ngách để tăng cơ hội hiện diện trên Google; cách thức tạo dựng nội dung khiến người dùng và Google yêu thích, và danh sách 13 bước đơn giản để tối ưu onsite vượt trội./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên