Hợp tác công tư lĩnh vực đường sắt đô thị tiềm ẩn nhiều rủi ro
VOV.VN - Các đại biểu tại Hội nghị An toàn giao thông khu vực Đông Á cho rằng, hợp tác công tư lĩnh vực đường sắt đô thị tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Sáng nay (19/9), Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia tổ chức phiên họp toàn thể Hội nghị Quốc tế giao thông Đông Á (EASTS) lần thứ 12.
Đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông (Ảnh minh họa: Quốc Tuấn/enternews.vn) |
Phát biểu tại hội nghị, Giáo sư, Tiến sĩ Shigeru Morichi, Học viện Chính sách quốc gia Nhật Bản cho biết: Đối với hệ thống đường sắt đô thị, việc quy hoạch mạng lưới cần có nhiều tuyến cao tốc khác nhau. Thêm nữa, các chính sách về giao thông đường bộ về nơi đỗ phương tiện cá nhân liên quan rất nhiều tới việc phát triển đường sắt đô thị. Một vấn đề quan trọng không kém là cơ chế tài chính.
Theo ông Morichi, tại Tokyo để đem lại lợi nhuận cho các tuyến metro mới cần có trợ cấp ban đầu. Mức vé phải hạ thấp để duy trì nhu cầu đi lại của người dân, từ đó các tuyến đường sắt mới có lãi. Trợ cấp ban đầu có thể lấy từ thuế nhiên liệu, thuế tài sản, thuế doanh thu… Chính vì cần nguồn trợ cấp ban đầu lớn nên hầu hết ở các nước Châu Á, việc phát triển tuyến đường sắt đô thị đều do các công ty nhà nước đảm nhận.
Đối với hợp tác công ty hợp tác công tư (PPP) trong lĩnh vực này, ông Morichi cho biết chỉ có Đài Loan là quốc gia Châu Á hiếm hoi thành công đối với hình thức hợp tác này, tuy nhiên trợ cấp từ Chính phủ chiếm tới 32%, việc xây dựng và vận hành đều do các công ty nhà nước.
Cũng theo ông Morichi, việc phát triển các dự án đô thị đòi hỏi phải tăng giá đất trong dài hạn, còn ngắn hạn thì việc thâm hụt nguồn ngân sách sẽ gây ra khó khăn, bởi việc chi trả lãi là một vấn đề lớn. Các dự án đường sắt đô thị ở các thành phố lớn muốn thành công thì cần hội tụ đủ các yếu tố: phải có quy hoạch tổng thể hiệu quả, có nguồn trợ cấp dồi dào, điều phối và vận hành các tuyến đường sắt bằng những công ty đủ năng lực./. Hà Nội muốn đổi 6.000 ha đất để làm 10 dự án đường sắt đô thị