Hợp tác đưa nông sản vươn xa
VOV.VN - Mai Sơn hiện có 204 hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp, thời gian qua, các hợp tác xã đã phát huy tốt vai trò liên doanh, liên kết, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, hình thành các chuỗi liên kết trong tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.
Hợp tác xã Nông nghiệp Ngọc Hoàng, tiểu khu 7, xã Nà Bó, thành lập từ tháng 3/2016, có 215 thành viên, trồng hơn 350ha cây ăn quả các loại, trong đó, chủ yếu là thanh long, với 300ha, sản lượng đạt trên 1.200 tấn quả/năm. Ông Nguyễn Quang Vinh, Giám đốc Hợp tác xã, cho biết: HTX tích cực tham gia các hội chợ, hội nghị kết nối, xúc tiến thương mại, để giới thiệu, quảng bá sản phẩm đến với khách hàng trong và ngoài nước. Mỗi năm HTX xuất khẩu gần 1.000 tấn quả thanh long sang thị trường các nước: Pháp, Hà Lan, Italia và các nước thuộc khối EU. Bên cạnh đó, thu nhập của các thành viên trung bình đạt gần 1 tỷ đồng/năm.
Anh Đỗ Danh Nhất, thành viên HTX Nông nghiệp Ngọc Hoàng, luôn có sáng kiến cải tiến kỹ thuật trong sản xuất để đem giá trị kinh tế trên cùng diện tích canh tác, nhất là kỹ thuật cho cây thanh long ra hoa, đậu quả trái vụ theo ý muốn, mà không ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng cũng như sự sinh trưởng của cây. Anh Nhất chia sẻ: Sau nhiều lần thử nghiệm, đến nay, tôi đã làm chủ được kỹ thuật trồng thanh long, với 1ha của gia đình, mỗi năm cho thu hoạch trên 60 tấn quả/năm, cao hơn 20 tấn đối với các hộ trồng khác. Quả thanh long luôn có mẫu mã đẹp, chất lượng thơm ngon, luôn được khách hàng nước ngoài ưa chuộng. Thu nhập trung bình đạt trên 1 tỷ đồng/ha/năm.
Còn HTX Mé Lếch, bản Mé Lếch, xã Cò Nòi, có 26 thành viên, chuyên trồng na, với tổng diện tích khoảng 200ha, gồm na dai, na hoàng hậu, na sầu riêng. Ông Nguyễn Hữu Tứ, Giám đốc HTX, cho biết: Hiện nay, HTX trồng 50ha na theo quy trình VietGAP, 50ha sản xuất theo hướng hữu cơ, kết hợp với công nghệ tưới tự động; sản lượng đạt hơn 2.100 tấn quả/năm, đem lại doanh thu trên 120 tỷ đồng. Sản phẩm na của HTX được xuất sang thị trường Trung Quốc và các siêu thị, cửa hàng tại các thành phố lớn trong nước.
Huyện Mai Sơn đang có 11.260ha cây ăn quả, trong đó, trên 1.143ha được cấp chứng nhận VietGAP; 4.297ha cây ăn quả thực hiện theo mô hình ứng dụng công nghệ cao; 1.855ha sản xuất theo hướng hữu cơ; duy trì 46 mã số vùng trồng, với trên 1.217ha; 5 cơ sở đóng gói; 3 vùng sản xuất ứng dụng công nghệ cao, với tổng diện tích trên 1.373ha của 1.726 hộ gia đình tham gia. Từ năm 2023 đến nay, các HTX, công ty, doanh nghiệp trên địa bàn đã tiêu thụ trong nước hơn 70.340 tấn quả tươi các loại; giá trị ước đạt trên 936 tỷ đồng; xuất khẩu 4.050 tấn quả thanh long, chanh leo, xoài, sang thị trường Ấn Độ, Trung Quốc, Pháp, Anh, Đức, Hà Lan và các nước khối EU, tổng giá trị trên 56,1 tỷ đồng.
Bà Cầm Thị Khay, Phó Chủ tịch UBND huyện Mai Sơn, cho biết: Tiếp tục phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp, HTX trong phát triển nông nghiệp, huyện đẩy mạnh đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp, HTX phát triển. Có cơ chế, chính sách thu hút đầu tư các doanh nghiệp, tập đoàn lớn liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động của các doanh nghiệp, HTX; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; xây dựng và nhân rộng mô hình HTX kiểu mới tiêu biểu, hoạt động hiệu quả trên địa bàn. Đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu sản phẩm hàng hóa, tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ theo nhiều hình thức và nhiều kênh phân phối khác nhau, phát triển thị trường nội địa và xuất khẩu, tăng giá trị các sản phẩm hàng hóa của huyện.