Hợp tác kinh tế: Trụ cột chính trong quan hệ Việt Nam-ASEAN
VOV.VN - Thực hiện trọng trách của Chủ tịch ASEAN đòi hỏi Việt Nam phải có những quan điểm nhất quán, rõ ràng cả về khía cạnh đối ngoại, chiến lược phát triển.
Năm 2020, Việt Nam đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á - ASEAN. Được tạo dựng với mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ủng hộ hòa bình khu vực và phát triển văn hóa giữa các thành viên, Chủ đề của năm ASEAN 2020 là “Gắn kết và Chủ động thích ứng”.
Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh trả lời VOV về mối quan hệ hợp tác kinh tế Việt Nam - ASEAN, một trong 3 trụ cột chính trong quan hệ hợp tác Việt Nam - ASEAN:
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh. |
PV: Xin Bộ trưởng đánh giá về mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam - với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) thời gian qua – trong tiến trình hội nhập của Việt Nam?
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Năm 1995, Việt Nam chính thức tham gia vào Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN), khi đất nước mới bước ra khỏi thời kỳ cấm vận và bắt đầu thực hiện các đổi mới toàn diện, mạnh mẽ. Việc tham gia vào Hiệp hội các nước Đông Nam Á và sau đó là Khu vực mậu dịch tự do của ASEAN (AFTA) vào năm 1996, chính là những bước đi đầu tiên thực hiện Nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ VII, theo hướng đa phương hóa và đa dạng hóa các mối quan hệ với đối tác, trong đó lấy hợp tác về kinh tế là nền tảng quan trọng.
Từ những bước đi đầu tiên này, Việt Nam đã trưởng thành và phát triển rất mạnh mẽ. Đó là nền tảng cho tất cả những chiến lược về hội nhập của chúng ta trong các giai đoạn sau này, kể cả trong lĩnh vực đối ngoại cũng như kinh tế.
Có thể nói, những bước tham gia đầu tiên vào trong khối ASEAN, AFTA, chúng ta cũng nhận thức rằng sẽ là một trung tâm kinh tế thương mại rất năng động của khu vực - không chỉ trong châu Á, mà còn cả khu vực châu Á Thái Bình Dương và thế giới.
Thứ hai, với vị trí địa chính trị rất quan trọng của khu vực Đông Nam Á và các nước thành viên trong ASEAN, có thể nói Việt Nam chắc chắn sẽ phát huy được sức mạnh và tiếng nói của mình, nếu như chúng ta tạo được cơ sở đồng thuận cũng như sự đoàn kết, thống nhất. Từ đó, tiếp tục có vai trò, đóng góp cũng như thụ hưởng những thuận lợi nhất của khối mậu dịch tự do là AFTA, mối quan hệ của AFTA với các đối tác bên ngoài.
Do những yếu tố địa chính trị, nên hầu hết những cường quốc ở bên ngoài khu vực đều có mối quan hệ mật thiết và gắn bó chặt chẽ với các nước trong ASEAN cũng như Đông Nam Á, bao gồm Trung Quốc, Mỹ, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, New Zealand, EU…
Thứ ba, năm 1996 khi tham gia xây dựng khối thương mại tự do AFTA và sau đó là hàng loạt những cam kết trong nội khối để mở cửa thị trường, Việt Nam lần đầu tiên "tập bơi" và đã bơi ngay được trong một cái hồ tương đối lớn - khi chúng ta mở cửa thị trường tới 98% của tất cả mã HS cho các dòng sản phẩm.
Chính vì vậy có thể nói trong suốt 24 năm tham gia ASEAN và Khối thương mại tự do AFTA của ASEAN, Việt Nam đã thực sự trưởng thành lên rất nhiều trong quan điểm về hội nhập từ khía cạnh thực thi các cam kết của hội nhập. Đó có thể nói như là một tấm bằng tốt nghiệp, tạo nền tảng quan trọng, để chúng ta có thể tiếp tục phát triển lên ở những tầm cao mới.
PV: Bộ trưởng đánh giá như thế nào về mối quan hệ hợp tác kinh tế - một trong 3 trụ cột chính của hợp tác Việt Nam - ASEAN?
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Điểm đầu tiên trong quan hệ thương mại nội khối là ASEAN đã trở thành một trong những đối tác thương mại hàng đầu của thế giới, trong tất cả các khía cạnh: kinh tế, thương mại và đầu tư…
Một ví dụ, năm 1996 khi chúng ta mới tham gia Khối thương mại tự do AFTA, thương mại hai chiều của Việt Nam với các nước trong khối mới khoảng 5,9 tỷ USD, nhưng đến năm 2018 con số này đã tăng tới hơn 9,5 lần và hiện tổng kim ngạch thương mại hai chiều của Việt Nam với ASEAN khoảng 56,3 tỷ USD.
Như vậy rõ ràng, dù Việt Nam còn nhập siêu nhất định đối với thị trường này, nhưng đây là một hiện tượng chúng ta có thể chấp nhận, do có sự khác biệt trong trình độ phát triển, hội nhập của các nước.
Điểm thứ hai là mối quan hệ của Việt Nam khi tham gia hội nhập với ASEAN, cột trụ về kinh tế, thương mại và đầu tư là nền tảng đã mang lại những động lực to lớn cho việc kết nối chặt chẽ và mạnh mẽ hơn nữa của chúng ta với với các nước trong ASEAN.
Điều này cũng giúp nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế - không chỉ trong khuôn khổ của nội khối với tư cách là một thành viên ngày càng trưởng thành và có một vai trò ngày càng dẫn dắt trong ASEAN - mà trong tất cả các lĩnh vực: kinh tế, thương mại, chính trị, đối ngoại. Việt Nam cũng khẳng định được vị thế của mình như là một thành viên rất tích cực, chủ động với chiến lược hội nhập ngày càng hoàn thiện, với quan điểm mở cửa ngày càng mạnh mẽ.
Từ một nước hội nhập năm 1996 vào khối thương mại tự do AFTA, đến nay Việt Nam đã có 16 Hiệp định thương mại tự do và trong số đó có rất nhiều Hiệp định thương mại thế hệ mới với gần như tất cả các nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Có 15 trên tổng số 20 nước trong G20 chúng ta đã có các FTA. Điều đó chứng tỏ năng lực và vị thế, hình ảnh của Việt Nam đã tăng lên rất mạnh mẽ. Có thể nói hàng loạt những cơ chế hợp tác của ASEAN, của ASEAN với Trung Quốc, giữa ASEAN với Ấn Độ, ASEAN với Úc, New Zealand, Hàn Quốc … không chỉ là cơ chế đối thoại hợp tác về chính trị, đối ngoại, về an ninh khu vực mà còn cả trong khung khổ về kinh tế.
ASEAN đã có hàng loạt các hiệp định thương mại tự do với tất cả các đối tác này. Chính vì vậy dư địa cho Việt Nam trong tiếp cận với kinh tế của khu vực và các khu vực khác trên thế giới thông qua vai trò của ASEAN được khẳng định mạnh mẽ. Nói không ngoa là chính sự hợp tác của Việt Nam với ASEAN trong tất cả các lĩnh vực, khía cạnh, trong đó lấy kinh tế là trụ cột quan trọng, đã đưa lại vị thế rất quan trọng cho Việt Nam như hiện nay, cả về chính trị, đối ngoại cũng như kinh tế.
Đặc biệt, với năng lực cạnh tranh ngày càng được khẳng định của nền kinh tế Việt Nam - với quy mô của xuất nhập khẩu đã tăng hơn 2 lần GDP - chúng ta thấy rõ năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế của các sản phẩm, của nền kinh tế Việt Nam đã có sự cải thiện rất đáng kể.
PV: Với những kết quả như vậy, theo Bộ trưởng mối quan hệ hợp tác Việt Nam - ASEAN đã cho chúng ta bài học kinh nghiệm gì trong mở cửa và hội nhập sau này?
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Có thể nói, hợp tác Việt Nam với ASEAN là những bước đi đầu tiên và cho chúng ta có được những bài học kinh nghiệm, làm chúng ta trưởng thành, có những đóng góp tích cực và có ý nghĩa cho việc tái cơ cấu nền kinh tế của chúng ta trong việc đổi mới mô hình tăng trưởng cũng như gắn với xây dựng nhà nước pháp quyền - trên nền tảng của một nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Tất cả những mục tiêu đa dạng, tưởng chừng như rất khác biệt, nhiều khía cạnh, nhưng tổng hoà lại đó chính là mục tiêu để thực hiện Chiến lược Công nghiệp hóa - Hiện đại hóa của đất nước, theo quan điểm phát triển bền vững mà Đảng đã đưa ra những chủ trương, đường lối quan trọng và Nhà nước đã thực thi chính sách trong thời gian vừa qua.
Vì vậy, có thể nói là một Cộng đồng kinh tế ASEAN được hình thành vào tháng 12/2015 đã chứng minh cho một tầm nhìn chung của các nhà lãnh đạo của các nước ASEAN cũng như của Việt Nam, mà trong đó phải khẳng định sự đóng góp rất tích cực của Việt Nam trong nền tảng chung này.
Cộng đồng kinh tế ASEAN và Tầm nhìn ASEAN 2025 chính là những định hướng cơ bản, then chốt để đảm bảo vị thế, vai trò của ASEAN như là trung tâm của Đông Nam Á, khu vực Đông Á, Châu Á Thái Bình Dương. Cùng với đó, sẽ giúp cho Việt Nam cũng như các nước thành viên trong ASEAN không chỉ phồn vinh, phát triển, mà còn cả trong cơ chế bảo vệ hòa bình, ổn định chung trong khu vực.
PV: Với Chủ đề “Gắn kết và Chủ động thích ứng”, xin Bộ trưởng cho biết những ưu tiên của Việt Nam và Bộ Công Thương trong năm Chủ tịch ASEAN 2020?
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 35 tại Bangkok, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chính thức nhận Chiếc Búa Chủ tịch ASEAN do ngài Thủ tướng của Vương Quốc Thái Lan trao cho.
Năm 2020 lại là một năm rất có ý nghĩa đối với Việt Nam khi đảm đương chức vụ Thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Đây cũng là năm chúng ta kết thúc 5 năm nhiệm kỳ của Đại hội Đảng toàn quốc và bắt đầu cho việc xây dựng Chiến lược 10 năm về phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam…
Trong bối cảnh như vậy, việc thực hiện những trọng trách của Chủ tịch ASEAN đòi hỏi Việt Nam phải có những quan điểm nhất quán, rõ ràng cả về đối ngoại cũng như các yếu tố liên quan đến mục tiêu chiến lược phát triển 5 năm, chiến lược 10 năm và xa hơn nữa.
Chính vì vậy, với sự chỉ đạo tập trung, thống nhất của Chính phủ và trực tiếp là Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Quốc gia về ASEAN do Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh làm Chủ tịch Ủy ban đã có những chương trình làm việc cụ thể, kịp thời.
Trong quá trình tham vấn, làm việc với các đối tác, các nước là Chủ tịch của các khóa trước cũng như của các thành viên khác trong ASEAN, và đặc biệt là Ban thư ký của ASEAN, Việt Nam cũng đã nhận được sự đồng thuận rất cao cho chủ đề của năm 2020 là “Gắn kết và chủ động thích ứng” - sự kết nối và khả năng thích ứng.
Với hai nội hàm trong chủ đề của năm 2020, Việt Nam cũng đã có định hướng những mục tiêu ưu tiên - vừa có tính kế thừa những định hướng ưu tiên trong giai đoạn phát triển trước của ASEAN vừa phản ánh được đầy đủ những xu thế phát triển chung của thế giới, đồng thời phản ánh được những nhu cầu của ASEAN trong nội khối cũng như quan hệ với các đối tác.
Ngoài ra, những điểm mới đang diễn biến phức tạp đòi hỏi khả năng thích ứng cao và nhanh chóng của ASEAN, trong đó phải kể đến vấn đề mang tính nền tảng liên quan đến công nghệ như CMCN 4.0 và kinh tế số. Cụ thể hơn là tính kết nối trong khởi nghiệp sáng tạo, trong thương mại điện tử hay trong chuỗi giá trị trong các lĩnh vực công nghiệp, nhóm ngành hàng, tính đặc thù của khu vực ASEAN hay của Đông Nam Á…
Bối cảnh diễn biến nhanh chóng, phức tạp nữa là chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch, thương mại đơn phương đang đặt ra những thách thức rất lớn cho hệ thống thương mại đa phương dựa trên luật lệ WTO, khuôn khổ của khối AFTA…
Những xung đột trong quá trình này càng có chiều hướng gay gắt giữa các cường quốc kinh tế trên thế giới và đang tác động không chỉ đến tự do hóa thương mại hay bảo hộ mậu dịch, mà còn đặt ra những nguyên tắc liên quan đến sự tồn tại của các tổ chức thương mại đa phương như tổ chức thương mại thế giới (WTO)…
Tất cả những điều này đòi hỏi Việt Nam khi mang vai trò của Chủ tịch ASEAN phải có đủ sức nắm bắt, khả năng điều hành với vai trò xung kích để cùng các nước ASEAN khẳng định một lần nữa ở mức độ mới, cục diện mới, và tiếp tục tạo ra những sức sống mới cho ASEAN, cũng như cho các khuôn khổ hợp tác của ASEAN và các đối tác.
Hiện ASEAN đã có 6 Hiệp định thương mại tự do với các đối tác khác trên thế giới có thể sẽ tác động rất mạnh mẽ vào cấu trúc thương mại của toàn cầu. Đặc biệt với hiệp định RCEP mà Việt Nam đang cùng với các nước ASEAN dự kiến tổ chức ký kết tại Việt Nam năm 2020 chắc chắn cũng sẽ mang lại những cục diện mới, kết cấu mới của Tổ chức thương mại khu vực và quốc tế.
Bởi vì một khu vực thương mại tự do mà có tới gần 40% tổng GDP của thế giới chắc chắn sẽ có tác động rất mạnh mẽ đến toàn cầu hóa, tự do hóa thương mại, và đồng thời có thể tiếp tục ngăn chặn chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch một cách có hiệu quả.
Từ những nền tảng đó, với những mục tiêu và trong bối cảnh, cục diện như vậy, việc Việt Nam lựa chọn những ưu tiên như thế nào để đảm bảo được vừa là phục vụ cho mục tiêu chung của ASEAN, đóng góp vào xu thế chung của thế giới nhưng đồng thời không xa rời những tôn chỉ mục đích của ASEAN và của khối AFTA. Đây là những nội dung mà Việt Nam đã làm rất tích cực trong thời gian qua.
Vì vậy những sáng kiến ưu tiên của Việt Nam - với tư cách là Chủ tịch của ASEAN sẽ có khoảng 16 - 17 sáng kiến đưa ra để cùng thống nhất với các nước thành viên trong ASEAN để triển khai trong năm 2020, sẽ trải rộng và bao trùm lên tất cả những lĩnh vực, trong đó có kinh tế, thương mại, đầu tư, công nghệ…
Thể chế, hạ tầng, trong đó có cả hạ tầng cứng và hạ tầng mềm cũng như sự liên kết giữa các nước trong nội khối ASEAN sẽ là những nội dung ưu tiên của Việt Nam cùng các nước ASEAN tổ chức thực hiện trong năm 2020.
PV: Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!