Hợp tác phát triển - trọng tâm trong quan hệ Hàn - Việt

Với khoảng 2.759 dự án và 22,6 tỷ tỷ USD vốn đăng ký, Hàn Quốc hiện vẫn đang dẫn đầu trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ có vốn đầu tư trực tiếp vào Việt Nam.

Duy trì vai trò hàng đầu về đầu tư vào Việt Nam

Tân Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam, ông Ha Chan Ho đánh giá cao mối quan hệ đối tác chiến lược Hàn Quốc - Việt Nam và khẳng định: Các doanh nghiệp Hàn Quốc mong muốn tiếp tục duy trì vai trò hàng đầu về đầu tư vào Việt Nam. Với các doanh nghiệp Hàn Quốc, Việt Nam đang là địa chỉ đầu tư lý tưởng. Ông Ha Chan Ho, bày tỏ tin tưởng vào quan hệ hợp tác giữa cộng đồng doanh nghiệp hai nước.

Tân Đại sứ Hàn Quốc Ha Chan Ho

Hiện tại các nhà đầu tư Hàn Quốc đã tham gia hầu hết vào các lĩnh vực của Việt Nam như xây dựng cơ sở hạ tầng, viễn thông, bất động sản, khách sạn nhà hàng cùng nhiều ngành công nghiệp quan trọng của Việt Nam như năng lượng, dầu khí, cơ khí, điện, điện tử, hóa chất, dệt may, da giày với các tên tuổi nổi tiếng như Huyndai, Sam sung, LG, Deawoo, Taekwang,…

“Sau khi thiết lập ngoại giao năm 1992, quan hệ Việt Nam – Hàn Quốc phát triển rất mạnh mẽ cả về lượng và chất. Hiện Hàn Quốc có hơn 2.500 doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam. Doanh nghiệp Hàn Quốc luôn có tiêu chí “phụng sự vì con người và xã hội hơn là lợi nhuận” và có phương châm “đồng hành cùng Việt Nam” nên vượt trên lợi nhuận kinh doanh, doanh nghiệp Hàn Quốc đã thực hiện điều này bằng các hoạt động mang trách nhiệm xã hội”- Đại sứ Ha Chan Ho nói.

Năm 2010, mặc dù trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn nhưng các doanh nghiệp Hàn Quốc vẫn tiếp tục tổ chức các hoạt động cống hiến cho xã hội Việt Nam 54 hoạt động với số tiền gần 1,425 triệu USD. Trong đó tập trung vào một số hoạt động như tình nguyện xã hội, tình nguyện y tế, các hoạt động về giáo dục, học bổng và các lĩnh vực khác.

Tính đến giữa tháng 5/2011, các doanh nghiệp Hàn Quốc cũng đã tổ chức được 32 hoạt động với gần 620.000 USD giúp đỡ Việt Nam trong các lĩnh vực nói trên.

Đại sứ Ha Chan Ho cho biết, sang năm 2012, hai nước sẽ kỷ niệm 20 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao, ghi dấu mốc quan trọng trong mối quan hệ phát triển tốt đẹp giữa Việt Nam và Hàn Quốc. Đại sứ khẳng định sẽ nỗ lực hết sức để góp phần đưa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược Hàn Quốc-Việt Nam phát triển toàn diện. Thúc đẩy hoàn thành mục tiêu đến năm 2015 tăng gấp đôi kim ngạch song phương lên mức 20 tỷ USD và từng bước cân bằng cán cân thương mại.

Đại sứ đồng thời khẳng định Hàn Quốc coi Việt Nam là một đối tác quan trọng trong chính sách ngoại giao của mình và hợp tác phát triển sẽ là trọng tâm trong quan hệ Hàn Quốc-Việt Nam.

Bên cạnh các dự án đầu tư trực tiếp, Hàn Quốc còn có nhiều hoạt động hỗ trợ cho phát triển công nghiệp của Việt Nam thông qua việc cung cấp vốn vay, hỗ trợ cho các hoạt động bảo vệ môi trường công nghiệp; xây dựng quy hoạch, chính sách và đào tạo phát triển nguồn nhân lực.

Theo Đại sứ, các nhà lãnh đạo Hàn Quốc luôn đánh giá cao hiệu quả sử dụng vốn ODA của Việt Nam.

Năm 2011, Hàn Quốc tiếp tục cam kết 411,8 triệu USD vốn ODA cho Việt Nam tăng 39% so với 2010.

Trao tặng số tiền 141 triệu đồng thu được từ lễ hội ẩm thực
cho đại diện Ủy ban Trung ương MTTQ để giúp đỡ trẻ em
Việt Nam có hoàn cảnh khó khăn.

Ngoài ra, Đại sứ còn khẳng định Hàn Quốc sẽ liên tục tăng cường nguồn vốn hỗ trợ cho Việt Nam, năm sau cao hơn năm trước. Ông nhấn mạnh rằng theo khảo sát, các dự án ODA của Hàn Quốc tại Việt Nam đều được hoàn thành bằng hoặc vượt chỉ tiêu. Việt Nam có điểm khác biệt rõ ràng so với những nước đang phát triển. Ở nhiều nước họ chỉ quan tâm đến khía cạnh viện trợ tài chính trong khi Việt Nam rất quan tâm việc chia sẻ kinh nghiệm từ các nước và Hàn Quốc.

Trong chiến lược hợp tác ODA với Việt Nam giai đoạn 2011 – 2015, Hàn Quốc dự kiến sẽ tăng mức hỗ trợ lên 2,5 lần so với hiện nay.

Hàn Quốc cũng cam kết giảm bớt thủ tục viện trợ và tăng lên tới 1 tỷ USD viện trợ EDCF cho Việt Nam trong giai đoạn 2008 - 2011. Theo đó sẽ tập trung vào các lĩnh vực: mở rộng hỗ trợ dự án xây dựng hạ tầng kinh tế lớn như cầu đường, bến cảng; đối phó với biến đổi khí hậu, môi trường… và dự án chính phủ điện tử.

Đại sứ cho biết, hiện Việt Nam là nước nhận viện trợ có vốn từ quỹ hợp tác và phát triển kinh tế (EDCF) lớn nhất trong số 45 nước mà Hàn Quốc có hỗ trợ.

Tính đến năm 2010, Hàn Quốc là nước viện trợ ODA lớn thứ 2 của Việt Nam, sau Nhật Bản. Trong đó, các khoản vay ưu đãi (giai đoạn 1995-2010) của Hàn Quốc dành cho Việt Nam thông qua Quỹ hợp tác phát triển kinh tế Hàn Quốc (EDCF) có tổng số vốn là 1,255 tỷ USD (với 36 dự án). Trong đó có một số dự án tiêu biểu như: Dự án xây dựng cầu Vàm Cống (nối từ tỉnh Đồng Tháp, sang địa phận thành phố Cần Thơ) với 200 triệu USD vốn vay ưu đãi của Hàn Quốc; Dự án đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng với tổng chiều dài 105,5km, có 6 làn xe cũng với 200 triệu USD vốn vay ưu đãi của Hàn Quốc (tổng vốn đầu tư của dự án là 1,7 tỷ USD)…

Phối cảnh đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, một dự án
có sự hỗ trợ của Chính phủ Hàn Quốc.

Thông qua Quỹ này, năm 2011, Hàn Quốc cam kết hỗ trợ 215,6 triệu USD cho Việt Nam thực hiện 6 dự án, bao gồm: Dự án Trung tâm Thông tin dữ liệu điện tử Chính phủ với 100 triệu USD; dự án hệ thống cấp thoát nước cho thành phố Long Xuyên (An Giang) 50 triệu USD; vốn vay cho Chương trình chống biến đổi khí hậu 30 triệu USD; Bệnh viện Đa khoa Lào Cai 13,6 triệu USD; Nhà máy điện năng lượng mặt trời tại Quảng Bình 12 triệu USD và Trang thiết bị cho Bệnh viện Đà Nẵng 10 triệu USD.

Về viện trợ không hoàn lại, theo Đại sứ Ha Chan Ho, năm 2011, Hàn Quốc dự kiến viện trợ cho Việt Nam 20,78 triệu USD. Trong đó tập trung theo các định hướng: thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và xây dựng chế độ cải cách các lĩnh vực chung; xóa đói, giảm nghèo và tăng cường phúc lợi y tế cho khu vực vùng sâu, vùng xa; phát triển nguồn năng lực thông qua giáo dục/đào tạo nghề; tăng cường năng lực đối phó với môi trường/ biến đổi khí hậu…

Giai đoạn 1991-2010, Hàn Quốc đã viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam 128,96 triệu USD (46 dự án) thông qua Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA). Các dự án được đánh giá đóng góp thiết thực cho sự phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam mặc dù quy mô nhỏ nhưng có tính quyết định và được giải ngân nhanh. Hơn nữa, những dự án của KOICA thường được triển khai tập trung viện trợ nhân đạo cho những khu vực khó khăn nhất của Việt Nam, trực tiếp hỗ trợ cho tầng lớp người nghèo thông qua việc xây dựng bệnh viện, trường tiểu học, trường đào tạo nghề… Ngoài ra, các dự án của KOICA còn đóng góp cho việc phát triển nguồn nhân lực như mời nghiên cứu sinh sang Hàn Quốc đào tạo… chuyển giao công nghệ tiên tiến, chia sẻ kinh nghiệm phát triển./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên