Hợp tác xã thanh long Mỹ Tịnh An, câu chuyện thành công về liên kết sản xuất
VOV.VN - Bà con xã viên của Hợp tác xã thanh long Mỹ Tịnh An, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang rất phấn khởi vì mô hình liên kết sản xuất đã phát huy hiệu quả.
Đến nay, Hợp tác xã thanh long Mỹ Tịnh An hoạt động được gần 10 năm, thu hút hơn 100 xã viên là các nhà vườn trồng cây thanh long ở huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang và huyện Châu Thành, tỉnh Long An. Đây là mô hình hợp tác xã “kiểu mới”, liên kết với nhà vườn sản xuất trái thanh long theo tiêu chuẩn Global Gap để xuất khẩu, thông qua các hợp đồng cụ thể.
Phía Hợp tác xã có trách nhiệm tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật, cung ứng vật tư, vốn cho nhà vườn để trồng cây thanh long và thu mua sản phẩm khi thu hoạch. Về phía nhà vườn phải tuân thủ các quy trình, tiêu chuẩn sản xuất GAP, đảm bảo trái thanh long đạt an toàn sinh học, không có dư lượng phân, thuốc bảo vệ thực vật.
Đặc biệt, dù giá cả trái thanh long có dao động theo mùa, nhưng Hợp tác xã thanh long Mỹ Tịnh An luôn mua sản phẩm của xã viên cao hơn giá thị trường từ 2.000-3.000 đồng/kg. Đặc biệt khi giá trái thanh long ở thị trường “rớt” quá thấp, thì hợp tác xã vẫn thu mua của xã viên với giá sàn là 10.000 đồng/kg.
Với những ưu điểm này nên nhà vườn rất gắn bó với Hợp tác xã và nhân rộng diện tích vườn thanh long “liên kết” gần 100 ha. Mỗi ha vườn thanh long của xã viên HTX đạt lãi trên 800 triệu đồng/năm.
Trái thanh long theo tiêu chuẩn GAP của HTX đạt chất lượng cao. |
Ông Cao Văn Hiền, nhà vườn trồng hơn 1 ha thanh long Global GAP ở ấp Mỹ Khương, xã Mỹ Tịnh An, huyện Chợ Gạo cũng là một xã viên của Hợp tác xã thanh Long Mỹ Tịnh An, chia sẻ: “Nông dân có HTX thì được lợi là bao được giá sàn. Đầu ra không lo, mới đây, trái thanh long có giá 2.000-3.000 đồng/kg, không ai mua nhưng HTX vẫn mua 10.000 đồng/kg. Lợi rất nhiều, quanh năm suốt tháng mình không sợ giá rẻ. Khâu chăm sóc là quan trọng, nếu chăm sóc trái đẹp, đúng tỉ lệ ngon thì HTX mua hơn 10.000 đồng/kg, quan trọng là năng suất cao hơn vùng lân cận chứ không bao giờ thấp hơn”.
Trong đợt xuống giá vừa qua, do ế ẩm, nhiều nhà vườn tỉnh Tiền Giang phải đổ bỏ trái thanh long, trong khi đó hợp tác xã thanh long Mỹ Tịnh An vẫn thu mua trái thanh long từ xã viên với giá 10.000 đồng/kg.
Từ khi thành lập đến nay, Hợp tác xã thanh long Mỹ Tịnh An không ngừng phát triển, mở rộng thị trường tiêu thụ và trở thành một trong những đơn vị kinh tế hợp tác phát triển một cách bền vững ở tỉnh Tiền Giang.
Hiện nay, trái thanh long được Hợp tác xã đóng gói đưa đi xuất khẩu trực tiếp qua thị trường Mỹ và Châu Âu. Vào mùa nắng, khi xã viên “xử lý” vườn thanh long ra trái nghịch vụ, mỗi ngày HTX đưa đi xuất khẩu trên 20 tấn trái. Riêng mùa mưa, sản lượng thấp nên mỗi tuần hợp tác xã chỉ đưa xuất khẩu vài chục tấn trái.
Ông Nguyễn Văn Năm, Chủ tịch UBND xã Mỹ Tịnh An cho biết, nhờ hợp tác xã mà mô hình trồng thanh long theo hướng GAP được phổ biến và ngày càng nhân rộng trong nhà vườn địa phương. Từ đó giúp cho mô hình sản xuất trái thanh long đạt hiệu quả: Hợp tác xã thanh long hiện nay hoạt động rất hiệu quả. Bởi vì trái thanh long thực hiện theo chuẩn GAP xuất khẩu mạnh, giúp bà con nông dân không bị “cung vượt cầu”. Tới đây, chúng tôi sẽ vận động hợp tác xã duy trì và mở rộng hợp tác xã, các thành viên để có nhiều thành viên để mình thực hiện mô hình GAP để đạt được sản phẩm đầu ra.
Xã viên của HTX trồng thanh long theo tiêu chuẩn Glabal GAP phục vụ xuất khẩu. |
Để tạo điều kiện cho Hợp tác xã thanh long Mỹ Tịnh Anh, huyện Chợ Gạo phát triển, là chỗ dựa của nhà vườn, thời gian qua các cấp chính quyền, các ngành chức năng rất quan tâm, hỗ trợ cho mô hình liên kết sản xuất này.
Tỉnh Tiền Giang đã tranh thủ nguồn vốn hơn 10 tỷ đồng từ Dự án QSEP để xây nhà sơ chế, kho lạnh cho hợp tác xã, xây dựng nhiều tuyến đường giao thông ở các vùng trọng điểm trồng thanh long GloGal GAP; đồng thời tích cực chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật cho xã viên áp dụng vào sản xuất. Ngoài ra, Ban lãnh đạo Hợp tác xã là các cán bộ trẻ, có năng lực kinh doanh, có kỹ năng điều hành hoạt động, được xã viên tín nhiệm.
Ông Văn Tấn Phương, Phó Giám đốc HTX thanh long Mỹ Tịnh An cho biết, ngoài các xã viên là nhà vườn ở huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang còn có nhiều xã viên ở các xã thuộc huyện Châu Thành tỉnh Long An. Bên cạnh trái thanh long Global GAP, Hợp tác xã còn liên kết với nhà vườn sản xuất hơn 10 ha dừa xanh lấy nước để phục vụ xuất khẩu. Hướng tới, HTX tiếp tục nhân rộng xã viên, diện tích cây thanh long và dừa; đầu tư cơ sở vật chất, đồng thời mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.
“Chúng tôi vẫn tập trung sản xuất theo mô hình sạch- Global GAP. Sắp tới sẽ tập trung tìm kiếm khách hàng, mở rộng kho, không ngừng phát triển thêm thành viên, tăng thêm nhiều xã viên để cho bà con cùng có lợi. Hiện tại, mô hình này có nhiều lợi thế nhưng do nhà kho bãi chưa mở rộng được nên xã viên chưa dám mở rộng nhiều. Bây giờ ở đâu có nhà nông chịu theo mô hình, có nhà vườn tốt thì mình làm”, ông Văn Tấn Phương cho biết.
Trong khi nhiều Hợp tác xã, Tổ hợp tác sản xuất nông nghiệp ở tỉnh Tiền Giang cũng như một số địa phương vùng ĐBSCL “gặp khó” do đầu ra sản phẩm bấp bênh thì Hợp tác xã thanh long Mỹ Tịnh An luôn đứng vững trên thương trường, luôn sát cánh với nhà vườn, xem lợi ích của xã viên là sự sống còn của Hợp tác xã. Đây là phương thức hợp tác xã kiểu mới đúng chất, phù hợp với xu thế phát triển của nền nông nghiệp sạch và tiến bộ ./.
Nhiều rào cản trong liên kết sản xuất nông sản an toàn
Liên kết sản xuất, nông dân không còn nỗi lo bị ép giá