Huy động 400 tấn vàng trong dân - cách nào?

(VOV) - Muốn huy động vốn vàng của dân trước hết phải đảm bảo ba yếu tố: gửi phải có lời, thuận lợi khi gửi hoặc rút

Thông tin tại hội thảo “Làm thế nào để huy động vàng trong dân” do Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam vừa tổ chức cho biết, theo số liệu thống kê từ các Ngân hàng Thụy Sĩ, tổng lượng vàng nhập về Việt Nam từ năm 1990-2011 khoảng 500 tấn, chưa kể số lượng từ Australia, Hong Kong và qua đường tiểu ngạch.

Số vàng nhập về chủ yếu được gia công thành vàng miếng SJC và các thương hiệu khác, ước khoảng 12 triệu lượng, trừ đi số vàng đã xuất khẩu thì Việt Nam hiện còn khoảng 400 tấn vàng đang nằm trong dân.

Báo Tuổi trẻ dẫn ý kiến của TS Nguyễn Thế Hùng - Chủ tịch hội đồng quản trị Công ty Đầu tư và kinh doanh vàng Việt Nam (VGC) cho rằng: “Nếu huy động chỉ được một nửa số vàng trong dân thì ít nhất chúng ta cũng có 10 tỉ USD đưa vào nền kinh tế.

Lượng vàng được giữ vàng trong dân là sức mạnh tài chính cho nền kinh tế Việt Nam. Bởi vậy, huy động vàng trong dân là chuyện rất hay nhưng phải làm đúng.

Theo Thông tư số 12/2012/TT-NHNN của NHNN, các TCTD sẽ phải chấm dứt hoàn toàn việc huy động vàng vào ngày 25/11/2012. Thế nhưng hiện lượng vàng trong dân là rất lớn, làm cách nào để khai thác nguồn lực này phục vụ cho nền kinh tế là điều mà nhiều người băn khoăn.

Chuyên gia kinh tế TS. Phạm Đỗ Chí đặt vấn đề: Chuyện quan trọng nhất trong kế hoạch huy động vàng sắp tới của cả hệ thống ngân hàng với “nhạc trưởng” là NHNN để đổi sang tiền đồng và sau cùng biến thành vốn tín dụng tiền đồng khả dụng cho nền kinh tế, nhưng vấn đề là ai sẽ chịu trách nhiệm trả lại vàng cho dân nếu giá vàng thế giới tăng vọt từ mức hiện tại 1.780 USD/oz lên trên 2.000 USD/oz?

Thời báo Ngân hàng, dẫn ý kiến của TS. Vũ Đình Ánh – chuyên gia kinh tế – tài chính cho rằng: Chính phủ có thể huy động vàng tạo vốn cho đầu tư phát triển tương tự như huy động ngoại tệ và tiền đồng thông qua phát hành trái phiếu vàng. Trái phiếu Chính phủ bằng vàng cũng được lưu thông trên thị trường tài chính. NHNN xây dựng cơ chế để các NHTM nói riêng và các TCTD nói chung huy động vàng trong dân tránh lãng phí một nguồn lực tài chính rất quan trọng, đồng thời NHNN cam kết chịu trách nhiệm cuối cùng về người hoàn trả vàng tiền tệ/vật chất cho người gửi vàng hoặc có thể giao cho Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam bảo hiểm cho người gửi vàng (chẳng hạn đến 2 lượng) nhằm củng cố niềm tin cho người gửi vàng.

TS. Võ Trí Thành – Phó Viện trưởng CIEM khẳng định: Nguyên tắc đầu tiên là tuyệt đối bảo đảm quyền sở hữu vàng của dân. NHNN độc quyền sản xuất vàng miếng là giải pháp cần thiết để ổn định thị trường vàng, qua đó tăng hiệu lực của chính sách tiền tệ. Tuy nhiên để tránh độc quyền, NHNN phải rất linh hoạt và uyển chuyển cũng như thực hiện tốt công tác giám sát. Bên cạnh đó, cần liên thông vàng trong nước với quốc tế, cùng với việc xây dựng sàn vàng, huy động vàng như phát hành trái phiếu vàng, chứng chỉ vàng, NHTM có thể làm đại lý cho NHNN.

Việc phát hành chứng chỉ vàng cũng được nhiều chuyên gia đưa ra bàn thảo. Theo đó, việc phát hành chứng chỉ vàng sẽ được thực hiện thông qua các NHTM, người dân sẽ gửi vàng qua NHTM và nhận lại một chứng chỉ chứng nhận giá trị tương đương vàng gửi vào. Chứng chỉ vàng này sẽ được sử dụng như một công cụ tài chính trên thị trường tiền tệ. Giao dịch chứng chỉ vàng sẽ góp phần giảm bớt những phức tạp do giao dịch vàng vật chất gây ra, đồng thời đa dạng hoá các nguồn lực và công cụ tài chính cho nền kinh tế.

TS Nguyễn Thế Hùng - Chủ tịch hội đồng quản trị Công ty Đầu tư và kinh doanh vàng Việt Nam (VGC) cho rằng: Trong điều kiện hiện nay, NHNN nên phát hành chứng chỉ huy động vốn vàng của người dân, đồng thời ủy quyền cho các NH thực hiện vai trò đại lý phát hành chứng chỉ.

Cũng theo Tuổi trẻ, ông Nguyễn Tuấn Quỳnh, thành viên hội đồng quản trị Công ty PNJ, đề xuất NH Nhà nước nghiên cứu phát hành chứng chỉ vàng, trong đó một loại được bảo chứng bằng vàng phục vụ người dân có nhu cầu tích trữ tài sản bằng vàng. Theo đó, người dân sẽ mang vàng vật chất đổi thành chứng chỉ vàng, khi có nhu cầu có thể rút hoặc bán đều được. Loại thứ hai là chứng chỉ mua bằng tiền và được giao dịch trên sở giao dịch vàng. Như vậy sẽ đáp ứng nhu cầu của bộ phận nhà đầu tư, lại an toàn, không tốn chi phí, không sợ mua nhầm vàng nhái, thiếu tuổi.

Ông Nguyễn Thành Long, chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng, cũng cho rằng, NHNN cần nghiên cứu thực hiện chủ trương tiếp tục huy động vàng trong dân, nhưng lần này không phải để NHTM kinh doanh mà NHNN sẽ phát hành chứng chỉ vàng dài hạn để gom vàng về NHNN. Số vàng huy động được sẽ được dùng làm tài sản thế chấp để vay ngoại tệ với lãi suất thấp phục vụ các dự án phát triển kinh tế – xã hội. Trong từng thời điểm, NHNN trực tiếp nhập vàng để bình ổn giá, đáp ứng các yêu cầu sử dụng và sau khi đã kiểm soát được các yếu tố nhạy cảm về ngoại hối thì nên cho phép kinh doanh vàng tài khoản thay cho thị trường vàng vật chất…

Ngoài ra, theo ông Nguyễn Thành Long, cùng với việc công nhận quyền sở hữu vàng hợp pháp, nên cho phép người dân tự do lựa chọn gửi hoặc giữ vàng. Bởi ngoài mục tiêu kiểm soát, việc quản lý vàng còn phải đạt được yêu cầu khơi thông dòng chảy cung ứng vàng và bổ sung nguồn vàng khi cần thiết.

Chuyên gia Lương Văn Tự cũng cho rằng nếu NH Nhà nước có chính sách chắc chắn, người dân sẽ gửi và NH sẽ có nguồn để giải quyết nhiều vấn đề. Tuy nhiên, muốn huy động vốn vàng của dân phải đảm bảo ba yếu tố: gửi phải có lời, thuận lợi khi gửi hoặc rút./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Sáng tăng, chiều giảm, vàng về 48,18 triệu đồng/lượng
Sáng tăng, chiều giảm, vàng về 48,18 triệu đồng/lượng

(VOV) - Chiều nay, các Công ty bất ngờ điều chỉnh giá vàng quay đầu giảm sau khi liên tục điều chỉnh theo xu hướng tăng trong buổi sáng.

Sáng tăng, chiều giảm, vàng về 48,18 triệu đồng/lượng

Sáng tăng, chiều giảm, vàng về 48,18 triệu đồng/lượng

(VOV) - Chiều nay, các Công ty bất ngờ điều chỉnh giá vàng quay đầu giảm sau khi liên tục điều chỉnh theo xu hướng tăng trong buổi sáng.

Giá vàng tiếp tục lên cao
Giá vàng tiếp tục lên cao

Giá vàng giao ngay tại châu Á lúc 8h15 sáng nay (5/10), đứng ở 1.793,09 USD/oz, tăng gần 15 USD so với giá chốt phiên trước đó.

Giá vàng tiếp tục lên cao

Giá vàng tiếp tục lên cao

Giá vàng giao ngay tại châu Á lúc 8h15 sáng nay (5/10), đứng ở 1.793,09 USD/oz, tăng gần 15 USD so với giá chốt phiên trước đó.