Hy Lạp vỡ nợ - kịch bản không bên nào mong muốn
VOV.VN - Bản thân người dân Hy Lạp cũng hoàn toàn không muốn rời eurozone bởi điều đó đồng nghĩa với một thảm họa kinh tế cho nước này.
Hội nghị Bộ trưởng Tài chính 18 quốc gia thành viên khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) vừa diễn tại Luxembourg, với chủ đề chính là khủng hoảng nợ của Hy Lạp đã một lần nữa thất bại. Các cuộc đàm phán giữa Chính phủ Hy Lạp với bộ ba chủ nợ đã liên tục rơi vào bế tắc trong suốt 5 tháng qua do hai bên không thể giải quyết bất đồng.
3 trở ngại lớn nhất
Có những vấn đề lớn mà Hy Lạp và các chủ nợ châu Âu vẫn chưa thống nhất được với nhau, tuy nhiên, 3 trở ngại lớn nhất khiến hai bên vẫn chưa thể đạt được một thỏa thuận là: tranh cãi về cải cách biểu thuế giá trị gia tăng VAT, cải tổ lương hưu và quan trọng nhất là tái cơ cấu nợ cho Hy Lạp.
Về vấn đề thuế VAT, các chủ nợ của Hy Lạp muốn nước này cải tổ hệ thống thuế bị coi là quá vụn vặt của mình và đặt ra 2 mức thuế VAT là 11% và 23%, trong đó quan trọng nhất là tăng thuế VAT đánh vào điện lên 23%, trong khi hiện tại là 13%.
Chính phủ Hy Lạp phản đối đề xuất này vì cho rằng thuế điện quá cao như thế sẽ khiến cho dân chúng nước này càng nghèo thêm. Athens đưa ra đề xuất là có 3 mức thuế VAT là 6%, 13% và 23%. Hai bên chưa thống nhất được về vấn đề này.
Trở ngại lớn thứ hai là vấn đề lương hưu. Các chủ nợ của Hy Lạp cho rằng nước này duy trì hệ thống lương hưu quá cao so với điều kiện cho phép và muốn Hy Lạp duy trì quỹ lương hưu chỉ ở mức 1% GDP, tương đương 1,8 tỷ euro. Hy Lạp chưa đồng ý vì tính toán là để làm thế, phải cắt giảm thêm 20% lương hưu hiện tại và sẽ khiến cử tri bất mãn cao độ. Hy Lạp chỉ muốn tiết kiệm 71 triệu euro trong lĩnh vực này.
Cuối cùng, và căng thẳng nhất, là các tranh cãi quanh việc tái cơ cấu nợ cho Hy Lạp. Chính phủ nước này cho rằng với khoản nợ lên tới 177% GDP như hiện nay, cao gần như nhất thế giới, tăng trưởng kinh tế của Hy Lạp bị bóp nghẹt. Nước này muốn đàm phán lại các khoản nợ, cụ thể là giãn thời hạn cho vay hoặc hạ lãi suất với mục tiêu đưa nợ công về mức 120% GDP. Tuy nhiên, các chủ nợ cho rằng chỉ khi nào Hy Lạp cam kết cải cách nghiêm túc thì họ mới đàm phán về việc tái cơ cấu nợ.
Tất cả các bên đều thiệt hại
Sự bế tắc hiện nay khiến cho tất cả các bên đều thiệt hại. Trước mắt là chính Hy Lạp. Ngay sau khi cuộc họp của Eurogroupe ở Luxembourg thất bại, sự hoảng loạn đã diễn ra trên thị trường tài chính Hy Lạp. Người dân nước này đổ xô đến các ngân hàng để rút tiền do lo sợ nước này vỡ nợ và hệ thống ngân hàng sẽ sụp đổ. Trong vài ngày qua đã có hơn 3 tỷ euro bị rút khỏi các ngân hàng Hy Lạp, khiến Ngân hàng trung ương châu Âu phải họp khẩn và đưa ra các cảnh báo.
70% dân Hy Lạp vẫn muốn nước này nằm trong Eurozone và trong EU. (Ảnh: Internet) |
Với châu Âu, bế tắc trong vấn đề Hy Lạp cũng phủ bóng đen lên môi trường kinh doanh khu vực. Kịch bản Hy Lạp vỡ nợ và rời khỏi khu vực đồng tiền chung châu Âu sẽ khiến các nỗ lực hồi phục kinh tế của các nước trong khối bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Đây là điều mà không bên nào muốn xảy ra.
30/6 – thời hạn chót thanh toán nợ tới gần
Vào ngày 30/6 tới, Hy Lạp sẽ phải trả khoản nợ 1,6 tỷ euro cho Quỹ tiền tệ quốc tế - IMF. Hiện tại nước này đang cạn kiệt tiền mặt nên nếu không đạt được thỏa thuận với nhóm chủ nợ và được giải ngân nốt gói cứu trợ 7,2 tỷ euro, Hy Lạp sẽ không có khả năng trả IMF và sẽ vỡ nợ.
Tuy nhiên, cơ chế kích hoạt quá trình này sẽ diễn ra trong vài tuần. Cụ thể, là IMF sẽ cho Hy Lạp một tháng để tìm cách giải quyết, tức đến 30/7 thì mới chính thức tuyên bố Hy Lạp vỡ nợ nếu nước này không trả. Tiếp theo, Tổng giám đốc IMF sẽ kiện Hy Lạp ra trước Hội đồng điều hành IMF và Hy Lạp sẽ bị treo tư cách thành viên.
Điều nguy hiểm hơn nữa là ngay sau thời điểm 30/6, khi Hy Lạp không trả nợ thì một Quỹ khác là Quỹ ổn định tài chính châu Âu sẽ có quyền đòi Hy Lạp hoàn trả ngay lập tức các khoản nợ mà nước này vay của Quỹ này. Chưa hết, trong tháng 7, Hy Lạp sẽ còn phải trả thêm 3,5 tỷ euro nợ Ngân hàng trung ương châu Âu – ECB và thêm 400 triệu euro cho IMF trước ngày 20/7.
Vì thế, kịch bản trên thực tế sẽ là ngày 30/6 sẽ là hạn chót để Hy Lạp có thể có được tiền trả nợ và ngày 20/7 sẽ là ngày nước này chính thức vỡ nợ nếu không có tiền cứu trợ. Khi đó, hệ thống ngân hàng Hy Lạp sẽ sụp đổ và nước này sẽ không tránh khỏi việc bị loại khỏi khu vực đồng tiền chung châu Âu.
Kịch bản Hy Lạp vỡ nợ - Không ai muốn nhưng rất có thể xảy ra
Kịch bản tồi tệ nhất sẽ là việc Hy Lạp vỡ nợ và phải rời khỏi khu vực đồng tiền chung châu Âu. Đây là một khả năng hoàn toàn có thể xảy ra dù không bên nào, cả chính phủ Hy Lạp lẫn phía châu Âu mong muốn điều đó.
Bản thân người dân Hy Lạp cũng hoàn toàn không muốn rời eurozone bởi điều đó đồng nghĩa với một thảm họa kinh tế cho nước này. 70% dân Hy Lạp vẫn muốn nước này nằm trong eurozone và trong EU.
Chính vì vậy, cảnh báo của Ngân hàng trung ương Hy Lạp là một cách gây sức ép để buộc chính phủ của đảng Syriza phải có những thay đổi trong đàm phán và sớm đạt được thỏa thuận với các chủ nợ.
Nếu kịch bản xấu nhất xảy ra, Hy Lạp đương nhiên sẽ là bên chịu thiệt hại nặng nhất. Các chuyên gia kinh tế nhận định nước này sẽ còn lĩnh hậu quả nghiêm trọng hơn Arghentina cách đây vài năm nếu ra khỏi Eurozone.
Tất nhiên, khi đó khu vực đồng tiền chung cũng sẽ phải gánh những hậu quả lớn, như sự sụt giảm đồng tiền euro hay nguy cơ gây ra hiệu ứng domino với các nền kinh tế đang khó khăn khác như Bồ Đào Nha hay Tây Ban Nha…
Tuy nhiên, các nhận định đều cho rằng châu Âu hiện tại đã vững vàng hơn nhiều so với cách đây vài năm và đã có đủ các thiết chế, đặc biệt là Quỹ bình ổn tài chính, để có thể hạn chế được tối đa hệ lụy do sự đổ vỡ của Hy Lạp gây nên./.