IMF dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc đạt 5% trong năm nay
VOV.VN - Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết, bất chấp sự điều chỉnh liên tục của ngành bất động sản, kinh tế Trung Quốc vẫn tiếp tục phục hồi, với mức tăng trưởng kinh tế dự kiến là 5% trong năm nay và chậm lại ở mức 4,5% trong năm 2025.
Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) đã công bố Báo cáo tham vấn Điều 4 năm 2024 của Trung Quốc trên trang web vào ngày 2/8. Báo cáo cho rằng, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc tăng 5,3% trong quý đầu tiên và tiêu dùng của khu vực tư nhân phục hồi nhanh chóng, với tốc độ tăng trưởng 9%, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thêm 3,2 điểm phần trăm.
Đầu tư của khu vực tư nhân về cơ bản không thay đổi, tuy nhiên, với sự tăng trưởng nhanh trong đầu tư của ngành sản xuất bù đắp cho sự sụt giảm đầu tư vào ngành bất động sản.
Báo cáo cũng cho biết, áp lực giảm lạm phát vẫn tiếp tục, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) phục hồi nhẹ về mức tích cực nhưng vẫn ở mức thấp. Tỷ lệ thất nghiệp ổn định và có xu hướng giảm, nhưng thị trường lao động vẫn còn yếu. Xuất khẩu ròng đã phục hồi và lại trở thành một trong những yếu tố thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
IMF cũng cho rằng, Trung Quốc đã thúc đẩy giảm nợ trong ngành bất động sản kể từ năm 2020 và hướng dẫn các công ty bất động sản thích ứng với nhu cầu thị trường nhà ở đang suy giảm dần. Những biện pháp này là cần, để ngành bất động sản đạt được sự phát triển bền vững và cần tiếp tục được thực hiện. Bên cạnh đó, khi lạm phát thấp hiện nay và chênh lệch sản lượng âm vẫn tồn tại, việc cắt giảm lãi suất vừa phải của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc sẽ hỗ trợ phục hồi đầu tư và tiêu dùng của khu vực tư nhân.
Vào tháng 7 vừa qua, Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố tăng trưởng kinh tế trong quý II của Trung Quốc đã chậm lại, ở mức thấp nhất trong 5 quý trở lại đây là 4,7%, giảm từ mức 5,3% trong quý đầu tiên và thấp hơn kỳ vọng của thị trường.
Một số nhà phân tích cho rằng, để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng cả năm khoảng 5%, Trung Quốc phải tăng cường hơn nữa trong việc thúc đẩy nhu cầu trong nước và đưa nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới thoát khỏi bóng tối của sự lạm phát.