IMF giữ nguyên dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm nay ở mức 3,2%
VOV.VN - Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ngày 22/10 đã công bố báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới với tên gọi “Xoay trục chính sách, các thách thức đang trỗi dậy”. Theo báo cáo này, IMF giữ nguyên dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm nay ở mức 3,2% từng được đưa ra hồi tháng 7.
Ngoài việc giữ nguyên mức dự báo tăng trưởng của năm nay, IMF dự báo mức tăng trưởng trong năm 2025 là 3,2%, thấp hơn 0,1% so với dự báo hồi tháng 7. Tăng trưởng trung hạn dự kiến giảm xuống mức trung bình 3,1% trong 5 năm, thấp hơn nhiều so với xu hướng trước đại dịch Covid-19.
Phát biểu tại cuộc họp báo công bố bản báo cáo ngày 22/10, Pierre-Olivier Gourinchas, nhà kinh tế trưởng của IMF cho biết, cuộc chiến chống lạm phát đã gần như chiến thắng khi lạm phát được dự báo sẽ giảm xuống 3,5% vào cuối năm tới trong khi lạm phát ở hầu hết các quốc gia đang giảm xuống mức mục tiêu của các ngân hàng trung ương.
“Việc lạm phát giảm mà không có suy thoái toàn cầu là một thành tích lớn. Phần lớn giảm phát là do việc giải quyết các cú sốc giữa cung và cầu vốn là nguyên nhân gây ra lạm phát cũng như cung ứng lao động được cải thiện do vấn đề di cư ở nhiều nước phát triển. Tuy nhiên, chính sách tiền tệ cũng đóng một vai trò quyết định trong việc kiểm soát lạm phát”, ông Gourincha nhận định.
Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo rủi ro từ các cuộc xung đột vũ trang, tranh chấp thương mại tiềm ẩn và tác động của chính sách thắt chặt tiền tệ.
“Các rủi ro này bao gồm sự leo thang các cuộc xung đột khu vực, đặc biệt là ở Trung Đông, điều có thể mang lại các rủi ro nghiêm trọng cho các thị trường hàng hóa. Việc điều chỉnh các chính sách thương mại và công nghiệp không mong muốn cũng có thể giảm năng suất đáng kể. Gia tăng di cư vào các nền kinh tế tiên tiến có thể làm mất đi một số thành tựu về nguồn cung vốn đã giúp giảm bớt lạm phát trong những quý gần đây. Điều này có thể dẫn tới việc đột ngột siết chặt các điều kiện tài chính toàn cầu và ảnh hưởng tới sản lượng. Để giảm thiểu các rủi ro này và thúc đẩy tăng trưởng, các nhà hoạch định chính sách cần điều chỉnh các công cụ và xoay trục chính sách trong ba lĩnh vực. Thứ nhất là trong chính sách tiền tệ vốn đã và đang được thực hiện. Thứ hai là chính sách tài chính và thứ ba và là lĩnh vực khó nhất đó là hướng tới cải cách nhằm thúc đẩy tăng trưởng”, ông Gourincha nói.
Theo báo cáo, IMF điều chỉnh tăng dự báo tăng trưởng GDP của Mỹ năm nay thêm 0,2% lên 2,8% chủ yếu do tiêu dùng mạnh hơn dự kiến nhờ tiền lương và giá tài sản tăng. Triển vọng tăng trưởng GDP của Mỹ năm 2025 cũng được điều chỉnh tăng thêm 0,3% lên 2,2%. Trong khi đó, IMF hạ 0,2% dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc năm nay xuống còn 4,8%, với kim ngạch xuất khẩu ròng tăng bù đắp phần nào cho lĩnh vực bất động sản tiếp tục yếu và niềm tin của người tiêu dùng xuống thấp. Tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới năm 2025 vẫn được dự báo ở mức 4,5%, nhưng chưa tính đến tác động của các kế hoạch kích thích tài chính mới được Bắc Kinh công bố gần đây.