Kẻ cười người khóc khi một loạt đồng tiền “nhảy múa“
Yên Nhật, USD, euro... đang biến động chóng mặt khiến nhiều doanh nghiệp được lợi, song cũng không ít khóc ròng vì chi phí tài chính tăng vọt.
Yên Nhật, USD, euro... đang biến động chóng mặt. Trong vòng xoáy tỷ giá, nhiều doanh nghiệp (DN) được lợi, song cũng nhiều DN khóc ròng vì chi phí tài chính tăng vọt.
Nhiều doanh nghiệp lao đao trong vòng xoáy tỷ giá (Ảnh minh họa) |
Hưởng lợi lớn nhất từ biến động tỷ giá là các DN xuất khẩu, đặc biệt là xuất khẩu nông sản, vì đây là lĩnh vực xuất siêu lớn nhất.
Ông Nguyễn Tôn Quyền, Phó chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, cho biết euro giảm giá có thể khiến xuất khẩu sang EU giảm 5 - 7%. Tuy nhiên, USD và yên Nhật tăng giá lại giúp xuất khẩu sang Nhật và Mỹ hưởng lợi. Hiện tại, EU, Mỹ và Nhật là ba thị trường xuất khẩu lớn nhất của sản phẩm gỗ Việt Nam.
Tương tự, xuất khẩu thủy sản cũng đang thu lợi từ đồng yên tăng giá, bởi thị trường này chiếm tới 20% tổng lượng thủy sản xuất khẩu của Việt Nam và nhiều DN thanh toán bằng yên Nhật.
Theo các DN xuất khẩu, nhờ yên Nhật tăng giá, thủy sản Việt Nam cạnh tranh hơn. Trong khi đó, các DN chọn thanh toán bằng USD thì cho biết đối tác Nhật thường đàm phán hạ giá sản phẩm nếu như yên tăng giá quá mạnh so với USD.
“Hợp đồng ký kết từ giữa năm đã ghi rõ giá tính bằng USD. Đáng lẽ, khi USD tăng giá, xuất khẩu của công ty chúng tôi được lợi, song DN Nhật Bản lại đàm phán hạ giá xuống để phù hợp với sức mua.
Chúng tôi cũng sẵn sàng ủng hộ DN, bởi trong trường hợp USD rớt giá quá thấp, chúng tôi cũng có thể đàm phán nâng giá lên và được đối tác ủng hộ. Trong kinh doanh phải hỗ trợ lẫn nhau mới lâu bền được”, trưởng phòng kinh doanh một DN xuất khẩu thủy sản cho hay.
Theo phân tích của các chuyên gia, hoạt động thanh toán xuất nhập khẩu của nước ta hiện nay chủ yếu thực hiện bằng USD. Trong 11 tháng đầu năm nay, cả nước xuất siêu 2,85 tỷ USD, nên cơ bản tỷ giá tăng là có lợi. Hiện nay, một số quốc gia đã phá giá đồng nội tệ, song đây không phải là các đối thủ thương mại lớn của Việt Nam, nên việc giảm giá các đồng tiền này chưa đáng lo.
Đối với các DN nhập khẩu, dĩ nhiên, tỷ giá tăng sẽ ảnh hưởng đáng kể đến chi phí giá thành. Tuy nhiên, mức tăng của USD từ đầu năm đến nay chưa đến 1% - tức vẫn trong phạm vi có thể chấp nhận được.
Ngoài ra, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia ngân hàng cho rằng thời gian qua, tỷ giá ở nước ta khá linh hoạt, phù hợp với diễn biến thị trường thế giới. Thêm vào đó, nhiều quốc gia đối thủ thương mại của Việt Nam chưa có biểu hiện phá giá đồng tiền.
Do đó, việc điều chỉnh sâu thêm tỷ giá để hỗ trợ xuất khẩu là không cần thiết. Lý do là, ngoài hỗ trợ xuất khẩu, điều hành tỷ giá, còn phải tính đến lạm phát, lãi suất, ổn định kinh tế vĩ mô.
Trong khi DN xuất nhập khẩu hầu như không mấy chịu ảnh hưởng từ biến động của tỷ giá, thì việc yên Nhật tăng mạnh từ đầu năm đến nay lại đang khiến các DN vay vốn bằng tiền yên đau đầu.
Hiện nay, các DN vay bằng yên lớn là Nhiệt điện Phả Lại, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV)…
Cuối tuần qua, tỷ giá yên Nhật niêm yết tại Vietcombank là 201 VND/yên, tăng 9,5% so với đầu năm. Điều này có nghĩa, chi phí vay bằng yên của các DN đã tăng gần 10% trong năm nay.
Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm, khoản lỗ tỷ giá của EVN do yên Nhật tăng giá mạnh đã lên tới gần 6.400 tỷ đồng.
Tương tự, khoản vay 15.600 tỷ đồng bằng yên Nhật qua Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) để thực hiện dự án xây dựng Nhà ga hành khách quốc tế Sân bay Tân Sơn Nhất đang khiến ACV nhận khoản lỗ tỷ giá lên tới gần 1.400 tỷ đồng.
TS. Nguyễn Trí Hiếu khuyến cáo khi vay ngoại tệ, các DN cần sử dụng các biện pháp đề phòng rủi ro tỷ giá. Lâu nay, DN Việt Nam thường ít sử dụng công cụ này do tỷ giá khá ổn định, song trong bối cảnh các đồng tiền lớn trên thế giới có nguy cơ biến động mạnh như hiện nay, việc sử dụng công cụ bảo hiểm này là rất cần thiết để đề phòng rủi ro tỷ giá.
Theo dự báo của giới chuyên gia, sau sự kiện Brexit và bầu cử tại Mỹ, thị trường tài chính toàn cầu có nguy cơ chao đảo lần nữa, khi Italy sắp bước vào cuộc trưng cầu dân ý sửa đổi hiến pháp cuối tuần (4/12), cùng với nguy cơ nước này rời khỏi EU. Trong bối cảnh đó, các đồng tiền chủ chốt trên thế giới lại biến động mạnh./. Dè chừng lãi suất nóng theo tỷ giá