Kế toán phải thực sự là công cụ quản lý tài chính hữu hiệu
VOV.VN - Việc hoàn thiện khuôn khổ pháp luật về kế toán sẽ nâng cao trách nhiệm của các cơ quan trong việc tuân thủ quy định pháp luật về tài chính.
Tiếp tục Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIII, chiều 22/5, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kế toán.
Luật cần đáp ứng định hướng phát triển và hội nhập
Luật Kế toán hiện nay đã được Quốc hội khóa XI thông qua và có hiệu lực từ ngày 1/1/2004. Sau 10 năm thực hiện, hệ thống kế toán của Việt Nam đã được phân định rõ ràng cụ thể hơn, tạo điều kiện cho mọi đối tượng thực hiện kế toán và tổ chức công tác kế toán, góp phần tạo điều kiện hoàn thiện cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng khẳng định, Luật Kế toán đã được quy định khá chặt chẽ, nhiều nội dung Luật mang tính khoa học và thực tiễn cao, cho đến nay về cơ bản Luật Kế toán vẫn có giá trị, mặc dù tình hình kinh tế - xã hội thế giới và trong nước có sự biến đổi.
Tuy nhiên, sau 10 năm thực hiện, ngoài những kết quả quan trọng đã đạt được, Luật Kế toán vẫn còn những tồn tại hạn chế nhất định. Trong đó, Luật Kế toán quy định hạch toán theo giá gốc, điều này không phản ánh được tình hình biến động tài sản và nợ phải trả tại thời điểm lập báo cáo tài chính. Trong cơ chế kinh tế thị trường, đây là một vấn đề cần được nghiên cứu chỉnh sửa cho phù hợp với định hướng phát triển và hội nhập.
Mặt khác, vai trò kiểm tra, kiểm soát thông qua công cụ kế toán nhiều khi chưa được thể hiện rõ đối với các hành vi bị cấm… do vậy cần tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp luật về kế toán nhằm nâng cao trách nhiệm của các cơ quan trong việc tuân thủ quy định pháp luật về tài chính, để công tác kế toán thật sự trở thành một công cụ trong việc quản lý tài chính, vốn, tài sản của nhà nước, của doanh nghiệp, các đơn vị tài chính kế toán cũng như công cụ quản lý, giám sát của Nhà nước.
“Việc bổ sung, sửa đổi một số điều của Luật Kế toán tạo điều kiện tăng cường quản lý, giám sát của Nhà nước, giám sát của cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, người dân trong lĩnh vực này. Xác định rõ kế toán là công cụ để phản ánh biến động nguồn vốn, tài sản của quốc gia, của mỗi doanh nghiệp, đơn vị, tổ chức một cách đầy đủ, chính xác, trung thực, đồng thời tăng cường tính công khai, minh bạch và giám sát việc thực thi pháp luật”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh.
Luật Kế toán tạo điều kiện cho mọi đối tượng thực hiện kế toán. (Ảnh: KT) |
Đề xuất 13 nội dung cần sửa đổi, bổ sung
Trình bày trước Quốc hội về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kế toán, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, Dự án đã được báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 10/3/2015, trên cơ sở ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đã tiếp thu hoàn thiện dự án Luật.
Qua soát xét cũng như thực tế áp dụng Luật Kế toán, Chính phủ nhận thấy cần bổ sung thêm các cơ quan, tổ chức có nhiệm vụ thu, chi ngân sách nhà nước các cấp (như cơ quan thuế, hải quan, kho bạc nhà nước); kế toán viên hành nghề, doanh nghiệp dịch vụ kế toán; Tổ chức nghề nghiệp kế toán…vào phạm vi điều chỉnh tổ chức nghề nghiệp kế toán.
Ngoài 4 nhóm đối tượng kế toán hiện hành, Chính phủ nhận thấy một số đối tượng kế toán được thay đổi tên gọi như: “Tài sản công” được quy định trong Hiến pháp, “nợ công” được quy định trong Luật quản lý nợ công thay cho cụm từ “tài sản nhà nước”, “nợ nhà nước” trong Luật Kế toán.
Theo chuẩn mực kế toán quốc tế, ngoài việc hạch toán theo giá gốc, một số tài sản còn được hạch toán theo giá trị hợp lý. Chính phủ trình Quốc hội bổ sung các tài sản sau khi hạch toán theo giá gốc có thể được điều chỉnh lại theo giá trị hợp lý (giá trị thực tế).
Chính phủ trình Quốc hội tiếp tục giao cho Bộ Tài chính quy định cụ thể chế độ kế toán, cho phép lữu trữ chứng từ điện tử và sổ kế toán trên các phương tiện điện tử nhưng phải đảm bảo an toàn, bảo mật thông tin.
Đối với hóa đơn bán hàng, Chính phủ đề nghị thay cụm từ “hóa đơn bán hàng” bằng cụm từ “hóa đơn” cho phù hợp. Thực tế các giao dịch hiện nay, không phải chỉ có hóa đơn bán hàng, mỗi đơn vị kế toán chỉ được sử dụng một hệ thống tài khoản kế toán cho mục đích kế toán tài chính.
Việc lập báo cáo tài chính nhà nước là nội dung mới trong công tác kế toán Việt Nam. Chính phủ trình Quốc hội đưa một số nội dung mang tính nguyên tắc cơ bản trong dự thảo Luật về nội dung của báo cáo tài chính nhà nước, bao gồm: Thu chi ngân sách nhà nước, nợ công, các quỹ tài chính nhà nước, vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp, tài sản hình thành từ vốn nhà nước.
Báo cáo tài chính nhà nước bao gồm 4 loại: Báo cáo tình hình tài chính nhà nước; Báo cáo kết quả hoạt động tài chính nhà nước; Báo cáo lưu chuyển tiền tệ; Thuyết minh báo cáo tài chính nhà nước. Bộ Tài chính là cơ quan chịu trách nhiệm lập báo cáo tài chính nhà nước trên phạm vi toàn quốc, trình Chính phủ để báo cáo Quốc hội; chỉ đạo các cơ quan tài chính, kho bạc nhà nước lập báo cáo tài chính thuộc phạm vi địa phương, trình UBND để báo cáo HĐND cùng cấp.
Chính phủ đề nghị Quốc hội bổ sung thêm một số hành vi bị cấm như: Cho thuê, cho mượn, đi thuê, đi mượn chứng chỉ hành nghề dịch vụ kế toán dưới mọi hình thức; Lập hai hệ thống sổ kế toán tài chính trở lên; Hành nghề dịch vụ kế toán mà không đăng ký theo quy định của pháp luật; Sử dụng cụm từ “dịch vụ kế toán” trong tên gọi của doanh nghiệp khi chưa được Bộ Tài chính cấp phép trong các giao dịch.
Luật Kế toán hiện hành không quy định về kiểm soát nội bộ và kiểm toán nội bộ, Chính phủ bổ sung thêm quy định về kiểm soát và kiểm toán nội bộ, xác định vai trò của người đại diện pháp luật của đơn vị kế toán phải thiết lập hệ thống kiểm soát nội bộ và thực hiện kiểm toán nội bộ.
Chính phủ trình Quốc hội bổ sung thêm nội dung: Người đại diện pháp luật của đơn vị kế toán phải có trách nhiệm: Tổ chức kiểm tra kế toán trong nội bộ đơn vị và phải chịu trách nhiệm liên đới đối với những sai phạm do người khác gây ra nhưng thuộc trách nhiệm quản lý của đơn vị mình hoặc do mình gây ra theo chỉ đạo của đơn vị kế toán cấp trên.
Đối với một số Luật chuyên ngành, như: Luật các Tổ chức tín dụng, Luật Chứng khoán cũng có quy định cụ thể đối tượng, nội dung, hình thức công khai báo cáo tài chính do tính chất đặc thù, Dự thảo Luật có bổ sung thêm quy định về việc thực hiện theo pháp luật chuyên ngành đối với báo cáo tài chính và công khai báo cáo tài chính.
Dự án Luật Kế toán cũng bổ sung quy định, để được cung cấp dịch vụ kế toán, doanh nghiệp phải có ít nhất 3 kế toán viên hành nghề, trong đó Giám đốc doanh nghiệp, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp phải là kế toán viên hành nghề. Điều này nhằm nâng cao điều kiện hoạt động doanh nghiệp dịch vụ kế toán hướng đến mục tiêu làm cho quy mô doanh nghiệp đủ lớn, có điều kiện đầu tư công nghệ, kỹ thuật dịch vụ nhằm nâng cao năng lực chuyên môn, chất lượng dịch vụ cung cấp để giảm rủi ro nghề nghiệp.
Doanh nghiệp kế toán được hoạt động dưới hình thức công ty hợp danh, công ty tư nhân và công ty TNHH hai thành viên trở lên (tương tự như đối với doanh nghiệp kiểm toán độc lập). Riêng đối với loại hình công ty TNHH hai thành viên trở lên có quy định phần vốn góp của những người là kế toán viên hành nghề kế toán làm việc trong doanh nghiệp phải chiếm trên 50% vốn điều lệ, phần vốn góp của thành viên là tổ chức không quá 35% vốn điều lệ của doanh nghiệp.
Những người có chứng chỉ hành nghề kế toán được hành nghề trong các doanh nghiệp dịch vụ kế toán khi có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; có phẩm chất đạo đức tốt, có ý thức trách nhiệm, liêm khiết, trung thực, khách quan; tham gia đầy đủ chương trình cập nhật kiến thức. Đồng thời, bổ sung các quy định về hồ sơ thủ tục cấp, cấp lại, đình chỉ và thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán.
Bổ sung quy định quản lý hoạt động hành nghề dịch vụ kế toán, quy định về thẩm quyền trong việc cấp, đình chỉ, thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán và giấy chứng nhận đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán, giám sát việc tuân thủ chuẩn mực kế toán và chế độ kế toán.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, để bảo đảm thời gian tổ chức hướng dẫn thi hành luật, Chính phủ đề nghị thời điểm hiệu lực thi hành luật từ ngày 1/7/2016. Riêng việc lập báo cáo tài chính nhà nước, việc đảm bảo các điều kiện cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán đối với doanh nghiệp dịch vụ kế toán sẽ được áp dụng từ ngày 1/7/2018./.