Kết luận sơ bộ của DOC: Mắc áo thép Việt Nam có trợ cấp

Theo đó, DOC sơ bộ kết luận rằng các nhà sản xuất/xuất khẩu của Việt Nam nhận được các khoản trợ cấp có thể đối kháng từ 11,03% đến 21,25%.

Cuối tuần qua, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã công bố kết luận sơ bộ khẳng định có trợ cấp trong cuộc điều tra chống trợ cấp (CVD) sản phẩm mắc áo thép nhập khẩu từ Việt Nam.

Theo đó, DOC sơ bộ kết luận rằng các nhà sản xuất/xuất khẩu của Việt Nam nhận được các khoản trợ cấp có thể đối kháng từ 11,03% đến 21,25%.

Cụ thể, Công ty Cổ phần Xuất khẩu Đông Nam Á Hamico (SEA Hamico), Công ty Cổ phần Xuất khẩu Nam Á Hamico (Nam Á), và Công ty TNHH Linh Sa Hamico (Linh Sa) (gọi chung là các Công ty Hamico) và Công ty TNHH Mắc áo công nghiệp Cao Quý (Infinite) và Công ty TNHH Mắc áo Đỉnh cao (Supreme) (gọi chung là các Công ty Cao Quý) lần lượt nhận các khoản trợ cấp sơ bộ có thể đối kháng là 21,25% và 11,03%.

Tất cả các nhà sản xuất/xuất khẩu Việt Nam khác nhận được thuế suất trợ cấp sơ bộ là 16,14%.

Trước đó, ngày 29/12/2011, các nguyên đơn là công ty M&B Metal Products Company, Inc. (Leeds, AL), Innovative Fabrication LLC/ Indy Hanger (Indianapolis, IN), và US Hanger Company, LLC (Gardena, CA) đã nộp đơn kiện tới DOC và Ủy ban Thương mại quốc tế Hoa Kỳ (ITC) kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với mặt hàng nêu trên nhập khẩu từ Việt Nam. Ngày 18/1/2012, DOC đã ra quyết định chính thức điều tra vụ việc chống trợ cấp đối với mặt hàng mắc áo bằng thép nêu trên.

Căn cứ vào kết luận sơ bộ khẳng định có trợ cấp, DOC sẽ hướng dẫn Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới (CBP) thu các khoản đặt cọc bằng tiền mặt dựa trên  các mức thuế suất sơ bộ này.

Theo thay đổi trong thông lệ công bố theo Sáng kiến thi hành ​​Luật Thương mại của DOC, đối với các cuộc điều tra có đơn kiện nộp vào hoặc sau ngày 2/11/2011, DOC yêu cầu các nhà nhập khẩu phải đặt cọc bằng tiền mặt thay vì ký quỹ để nộp các khoản thuế ước tính trong giai đoạn sau khi có quyết định sơ bộ và lệnh áp thuế sau đó (theo Công báo Liên bang sô 76 FR 61042, 3/10/2011).

Theo số liệu từ Cục Thống kê Hoa Kỳ,  giá trị sản phẩm mắc áo thép nhập khẩu từ Việt Nam ước tính lần lượt là 31,9 triệu USD, 28,9 triệu USD và 19,5 triệu USD trong năm 2011, 2010 và 2009.

DOC hiện dự kiến sẽ đưa ra kết luận cuối cùng vào ngày 9/10/2012.

Nếu DOC đưa ra kết luận cuối cùng khẳng định có trợ cấp, và Ủy ban Thương mại quốc tế Hoa Kỳ (ITC) cũng có kết luận cuối cùng khẳng định sản phẩm mắc áo thép nhập khẩu từ Việt Nam gây thiệt hại đáng kể hoặc đe dọa gây thiệt hại đối với ngành công nghiệp nội địa, DOC sẽ ban hành lệnh thuế CVD, dự kiến vào ngày 30/11/2012.

Nếu kết luận của DOC hoặc của ITC là phủ định, lệnh thuế CVD sẽ không bị áp. ITC dự định sẽ đưa ra kết luận cuối cùng về thiệt hại vào tháng 11/2012./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên