Kết nối giao thông, tạo động lực tăng trưởng kinh tế khu vực phía Nam
VOV.VN - Chương trình Đối thoại chính sách năm 2024 với chủ đề “Tạo động lực cho tăng trưởng bền vững, tối ưu hóa kinh tế, công nghệ và năng lượng” diễn ra sáng nay (18/9) tại TP.HCM, do UBND TP và Diễn đàn Liên minh Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) tổ chức. Tham dự có lãnh đạo UBND các tỉnh Đồng Bằng sông Cửu Long và Đông Nam bộ.
Đầu tư hạ tầng
Phát biểu tại buổi đối thoại, ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, TP và các tỉnh phía Nam chuẩn bị các nguồn lực thu hút đầu tư hướng tới chuyển đổi số và chuyển đổi xanh.
TP.HCM và các tỉnh Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long luôn sẵn sàng hợp tác với cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp FDI, nhằm giải quyết các khó khăn về cơ chế, chính sách và lắng nghe những đóng góp từ phía doanh nghiệp. Thành phố cam kết tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư chiến lược, dài hạn vào khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam.
Thành phố đã ban hành Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh giai đoạn 2020-2030, hướng đến mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 theo cam kết của Chính phủ Việt Nam tại COP26. Thành phố cũng tập trung phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp công nghệ cao và công nghiệp xanh, cùng với các chính sách hỗ trợ liên quan, định hướng của Trung ương.
Về phía các nhà đầu tư, ông Trần Anh Đức, đồng trưởng nhóm Đầu tư và thương mại (VBF) nêu ra một số vấn đề mà các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm khi đầu tư tại Việt Nam. Đó là các vướng mắc về chuyển đổi phương tiện vận tải truyền thống sang xe điện, hạ tầng hàng không, chi phí logistics cao so với khu vực, tình trạng kẹt xe ở Cảng Cát Lái, tắc nghẽn tại cửa khẩu hàng không quốc tế. Nhiều doanh nghiệp phàn nàn phải xếp hàng dài, chờ làm thủ tục ở sân bay, có khi mất thời gian đến 30 phút.
Về tình trạng quá tải tại sân bay Tân Sơn Nhất, TP.HCM, ông Nguyễn Công Hoàn - Phó Giám đốc Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất cho biết, Chính phủ đã chỉ đạo phát triển các nhà ga và cơ sở hạ tầng mới để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao. Theo dự kiến, nhà ga T3 đang xây dựng với công suất 20 triệu lượt khách/năm và sẽ đi vào hoạt động vào ngày 30-4-2025.
Về kết nối giao thông của TP với các tỉnh Đồng Bằng sông Cửu Long, ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết giao thông là điểm yếu của TP và các tỉnh này. Tuy nhiên, thời gian gần đây hệ thống giao thông đã được đẩy mạnh đầu tư: Những năm gần đây Chính phủ có đầu tư rất lớn cho nên đường cao tốc về các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đã được làm, về cơ bản được kết nối nhưng trục đường xương sống, các nhánh chưa phát triển nhiều. Chính phủ đang có hướng đầu tư phát triển mở rộng, kể cả phát triển tuyến đường sắt đi từ TP.HCM-Cần Thơ, đây là những cơ hội rất lớn để đầu tư phát triển vùng này.
Chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao
Tại đây, các doanh nghiệp FDI đặt ra việc phát triển nguồn nhân lực để đáp ứng cho nhu cầu ứng dụng AI. Hiện AI phát triển trên toàn cầu, cũng làm tăng nhu cầu về phần cứng vận hành AI như chất bán dẫn, bộ vi xử lý và các thành phần robot. Việt Nam với vai trò là một nhân tố chủ chốt trong ngành sản xuất công nghệ cao toàn cầu, đang ở vị thế tốt để tận dụng nhu cầu ngày càng tăng này.
Ông Nitin Kapoor, Phó Chủ tịch Liên minh Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam cho rằng, để tăng cường thu hút đầu tư cho chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, TP.HCM và các tỉnh cần đào tạo nguồn nhân lực này, đáp ứng yêu cầu của các nhà đầu tư.
Khi doanh nghiệp FDI đầu tư vào địa phương thì cần nguồn nhân lực tại đây. Nhân lực phải đáp ứng yêu cầu về trình độ công nghệ cao, quy trình sản xuất mới. Để thúc đẩy tiến trình phát triển nguồn năng lượng tái tạo, sản xuất xanh được nhanh hơn thì nên sớm mở thị trường tín chỉ cacbon. Khi thị trường này được vận hành ở Việt Nam thì sẽ thu hút được nhiều vốn FDI, thúc đẩy quá trình chuyển đổi kinh tế xanh của Việt Nam nhanh hơn.
Về phía các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, ông Phạm Thiện Nghĩa - Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, tỉnh này cũng như nhiều địa phương khác ở khu vực đã tích cực chuẩn bị để thu hút đầu tư, nhất là lĩnh vực đầu tư công nghệ cao cho ngành nông nghiệp. Bên cạnh việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nhiều tỉnh cũng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của các nhà đầu tư.
Đồng Tháp có nhiều chính sách tạo điều kiện cho học sinh giỏi đi học tập ở nước ngoài. Tỉnh cũng đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài để vừa học kinh nghiệm, vừa làm thuê và làm chủ. Đặc biệt là phát triển phong trào khởi nghiệp, chính lực lượng này tạo điều kiện có thể hợp tác, liên kết với các nhà đầu tư.