Kết nối ngân hàng - doanh nghiệp: Đã đến lúc phải đổi mới
VOV.VN - Vẫn còn nhiều doanh nghiệp cần vốn mà không vay được, trong khi ngân hàng phải đổ tiền vào trái phiếu, tín phiếu thay vì cho vay.
Chương trình Kết nối ngân hàng- doanh nghiệp được khởi đầu từ TP. Hồ Chí Minh vào tháng 7/2012 và đến nay đã được Ngân hàng Nhà nước triển khai trên toàn quốc. Hiệu quả thực tế của chương trình đã thấy rõ thông qua việc doanh nghiệp đã được tháo gỡ khó khăn về vốn một cách kịp thời, ngân hàng cho vay đúng ngành nghề cần ưu tiên phát triển.
Nhiều doanh nghiệp vẫn "than" khó vay vốn ngân hàng (Ảnh minh họa: KT)
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều doanh nghiệp cần vốn mà không vay được, vẫn còn ngân hàng phải đổ tiền vào trái phiếu, tín phiếu thay vì cho vay. Bởi vậy, theo các ngân hàng, doanh nghiệp và cả chuyên gia kinh tế, sau 5 năm thực hiện, Chương trình kết nối Ngân hàng- Doanh nghiệp cần phải tiếp tục đổi mới.
Ông Trần Ngọc Dũng, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Dược phẩm An Thiên, TP. Hồ Chí Minh cho biết, năm 2014, thông qua chương trình này, công ty của ông vay vốn của Viettinbank để đầu tư cho nhà máy sản xuất dược phẩm công nghệ cao. Nhà máy hiện đang hoạt động rất hiệu quả.
Ở Việt Nam, doanh nghiệp còn vướng rất nhiều thứ. Từ năm 2012 đến nay, ngân hàng và doanh nghiệp là đối tác với nhau, phối hợp hiệu quả..., ông Dũng khẳng định.
Tương tự, bà Bùi Thị Thu, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty cổ phần Phong Phú, TP. Hồ Chí Minh chia sẻ: Trước đây, dù là doanh nghiệp lớn, được nhiều ngân hàng tin tưởng, sẵn sàng cho vay vốn, nhưng công ty cũng phải chọn ngân hàng nào thủ tục đơn giản, nhanh và lãi suất ưu đãi. Lúc đó, công ty thường tìm đến các ngân hàng có yếu tố nước ngoài. Nhưng kể từ khi có chương trình này, ngân hàng trong nước đã đáp ứng được đặc thù xuất nhập khẩu, vòng quay vốn của doanh nghiệp dệt may như Phong Phú.
Yêu cầu của ngân hàng khi cho vay gồm: phương án kinh doanh, báo cáo tài chính và tài sản thế chấp là để bảo toàn nguồn vốn đưa ra. Nếu không có tài sản thế chấp thì ngân hàng dựa vào tính khả thi và khả năng hoàn vốn của phương án sản xuất kinh doanh để cho vay tín chấp.
Theo chuyên gia tài chính – ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu, doanh nghiệp phải khắc phục được tình trạng kém minh bạch về tài chính hiện nay thì mới mong kết nối hiệu quả hơn.
TS. Hiếu cho biết, phần lớn các báo cáo tài chính của doanh nghiệp Việt Nam không được kiểm toán. Có những lúc doanh nghiệp trình cho ngân hàng 2 bộ báo cáo, 1 báo cáo thuế và 1 báo cáo của doanh nghiệp, khác biệt nhau. Đó là một dấu hiệu sổ sách không minh bạch, khó mà ngân hàng có thể cho vay tín chấp được.
Với ngân hàng, chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch cũng cho rằng, phải đổi mới. Bởi hiện nay, tình hình thị trường tài chính- ngân hàng khác xa thời kỳ 2012-2015 khi chương trình mới bắt đầu, cho nên không thể làm như cũ được. Nguồn vốn dồi dào, lãi suất có thể giảm, tỷ giá tiền tệ ổn định, có phương án xử lý nợ xấu. Thực tế, doanh nghiệp Việt Nam “vốn mỏng”, tức là vốn chủ sở hữu so với dự án đầu tư rất nhỏ nên chủ yếu kinh doanh bằng tiền của ngân hàng, kể cả vốn trung hạn, dài hạn, ngắn hạn.
Trong khi đó, ngân hàng thương mại chỉ mong muốn các doanh nghiệp có uy tín vay, còn nhóm doanh nghiệp cần vốn nhưng ngân hàng chưa tin thì yêu cầu rất nhiều điều kiện, trong đó có thế chấp. Cuối cùng, vốn rất khó đến với nhóm doanh nghiệp có nhu cầu thực sự này.
Ngoài những nỗ lực từ doanh nghiệp, những thay đổi từ phía ngân hàng, chương trình Kết nối Ngân hàng- Doanh nghiệp cần sự tham gia tích cực của các sở ngành chức năng, các hiệp hội và địa phương. TP. Hồ Chí Minh đã chứng minh hiệu quả của cách làm này khi có 9 đầu mối là những sở ngành chức năng tham gia mà Ngân hàng Nhà nước giữ vai trò chủ đạo, đưa xuống địa phương kết nối, đảm bảo doanh nghiệp thật sự có nhu cầu về vốn, ký kết thật và giải ngân thật.
Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thừa nhận: Vẫn còn có doanh nghiệp không vay được vốn, thủ tục rườm rà. Đôi khi, ngân hàng vẫn nói tìm mỏi mắt không ra doanh nghiệp tốt, dự án tốt nên không cho vay được.
Nhưng nhìn chung, ông Tú nhấn mạnh, đã giải quyết được căn bản, chưa bao giờ cơ chế tín dụng mở như bây giờ, ngân hàng nhà nước không đặt ra là cứ phải có thế chấp.
Chỉ riêng từ đầu năm 2017 đến nay, có 300 cuộc gặp gỡ, đối thoại giữa ngân hàng với doanh nghiệp, qua đó ngân hàng cam kết cho vay 570 ngàn tỷ đồng và đã giải ngân 550 ngàn tỷ đồng. Có thể thấy, ngân hàng và doanh nghiệp đã thực sự trở thành đối tác hợp tác, hai bên cùng có lợi, doanh nghiệp có vốn và ngân hàng lưu thông được dòng tiền của mình để sinh lợi.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu khẳng định, việc kết nối ngân hàng- doanh nghiệp là sự sống còn của nền kinh tế. 80% vốn của nền kinh tế là vốn vay của ngân hàng và 80% thu nhập của ngân hàng là dựa vào cho vay doanh nghiệp, cá nhân./. Doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận vốn vay làm nông nghiệp công nghệ cao