Kết thúc đàm phán FTA Việt Nam-Liên minh Hải quan
VOV.VN -Hai bên vừa ký Tuyên bố chung về việc kết thúc đàm phán Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh Hải quan (VCUFTA).
Sáng nay (15/12), tại trung tâm Hội nghị tổ chức các sự kiện của tỉnh Kiên Giang ởhuyện đảo Phú Quốc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chứng kiến Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng và Bộ trưởng Thương mại Ủy ban Kinh tế Á-Âu Andrei A. Slepnhev ký Tuyên bố chung kết thúc đàm phán Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam với Liên minh hải quan Nga-Belarus-Kazakhstan. Với thị trường 170 triệu dân, cùng những cam kết ưu đãi thuế quansẽ tạo cơ hội vàng để doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng lợi thế sang Nga, Belarus và Kazakhstan, nhất là sản phẩm nông sản, thủy sản, dệt may và da giầy.Phóng viên Thành Chung đề cập vấn đề này.
Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Hải quan Nga-Belarus-Kazakhstanchính thức khởi động tại Hà Nội cuối tháng 3 năm 2013. Sau 8 phiên đàm phán chính thức cùngnhiều phiên họp giữa kỳ ở cấp kỹ thuật, hai bên đã cơ bản thống nhất nội dung Hiệp định với phạm vi toàn diện, mức độ cam kết cao và đặc biệt đảm bảo cân bằng lợi ích của cả hai bên và có tính đến điều kiện cụ thể của từng bên. Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng, Trưởng đoàn đàm phán phía Việt Nam khẳng định: Liên minh Hải quan cam kết dành cho Việt Nam ưu đãi thuế quan, tạo cơ hội xuất khẩu lớn đối với các nhóm hàng lợi thế và cũng là lợi ích cơ bản của Việt Nam như nông sản, tất cả các mặt hàng thủy sản và hàng công nghiệp như dệt, may, da giày và đồ gỗ...
Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng cho biết thêm: “Về mặt nguyên tắc, bạn sẽ cam kết dành thị trường với thuế xuất ưu đãi nhất, có thể nói là bằng 0 cho toàn bộ các sản phẩm thủy sản, toàn bộ các sản phẩm công nghiệp dầy giép, cho phần lớn các sản phẩm trong lĩnh vực dệt may và một số sản phẩm công nghiệp chế biến như đồ gỗ, cà phê, chè...nếu chúng ta có khả năng xuất khẩu, đáp ứng được yêu cầu chất lượng thì chắc chắn thì đó là cơ hội mà Hiệp định này mang lại.Tôi có thể khẳng định rằng, nếu như Hiệp định được ký kết chính thức, chắc chắn sẽ là một công cụ hết sức thuận lợi để thúc đẩy xuất khẩu của Việt nam một cách đáng kể vào thị trường 3 nước Liên minh Hải quan với số dân trên 170 triệu người và với thu nhập bình quân ở mức khá cao.”
Kết thúc cơ bản đàm phán Hiệp định thương mại tự do với Liên minh Hải quanNga - Belarus – Kazakhstan, Việt Nam đồng ý mở cửa thị trường có lộ trình đối với một số sản phẩm chăn nuôi, một số mặt hàng công nghiệp gồm máy móc, thiết bị, phương tiện vận tải. Các mặt hàng này đều không cạnh tranh với hàng hóa Việt Nam mà ngược lại góp phần làm đa dạng hóa thêm thị trường tiêu dùng trong nước.Còn về phía Liên minh Hải quan cũng sẽ hưởng rất nhiều ưu tiên và điều kiện thuận lợi, không chỉ để tăng cường hợp tác kinh tế thương mại, đầu tư với Việt Nam mà còn thông qua Việt Nam để đẩy mạnh giao thương với các nước Đông nam Á và Châu Á Thái Bình Dương.
Các cam kết khác trong Hiệp định thương mại tự do Việt Nam với Liên minh Hải quan về dịch vụ, đầu tư, sở hữu trí tuệ, cạnh tranh, phòng vệ thương mại, giải quyết tranh chấp...vvv...cũng đều được thống nhất trên cơ sở các quy định của WTO, đảm bảo cân bằng lợi ích, phù hợp với quy định pháp luật trong nước đối với lĩnh vực liên quan và không ảnh hưởng đến các cuộc đàm phán khác của Việt Nam hiện nay.
Ông Andrei A. Slepnhev, Bộ trưởng Thương mại Ủy ban Kinh tế Á-Âu, Trưởng đoàn Đàm phán phía Liên minh Hải quan khẳng định: “Song song với việc đàm phán Hiệp định này, chúng tôi cũng thảo luận về các danh mục dự án và các nhiệm vụ ưu tiên để bổ sung tính khả thi, hiện thực hóa hiệp định này sau khi ký kết. FTA Việt Nam-Liên minh Hải quan không chỉ bao gồm thương mại hàng hóa mà bao gồm cả hợp tác đầu tư và các dịch vụ. Đây là hiệp định thế hệ mới, đáp ứng tất cả các tiêu chí, điều kiện và quy định của thế giới hiện nay.Theo tính toán của chúng tôi sau khi hiệp định được ký kết thì kim ngạch thương mại giữa hai bên sẽ tăng lên khoảng 10 tỷ USD vào năm 2020.”
Liên minh Hải quan Nga-Belarus-Kazakhstan vốn là thị trường xuất khẩu hàng hóa truyền thống của Việt Nam vớiquy mô tiêu dùng lên tớitrên 170 triệu dân cùng nhiều tiềm năng và thế mạnh hợp tác, nhất là công nghiệp và khoa học, kỹ thuật. Nếu như kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2014 giữa Việt Nam với 3 nước trong Liên minh Hải quan này đạt khoảng 4 tỷ USD thì sau khi Hiệp định thương mại tự do được ký kết vào đầu năm 2015 sẽ thúc đẩy tốc độ xuất khẩu của Việt Nam tăng khoảng 18-20%/ 1 năm và đến năm 2020 mục tiêu kim ngạch thương mại giữa hai bên tăng lên 10-12 tỷ USD là hoàn toàn khả thi, trong đó xuất khẩu của Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì tăng ở mức cao hơn như hiện nay.
Tính đến thời điểm này, Việt Nam đã cơ bản kết thúc đàm phán Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với 3 đối tác quan trọng là Liên Minh Châu Âu, Hàn Quốc và Liên minh Hải quan Nga-Belarus-Kazakhstan. Đây là 3 thị trường có tổng dân số lên tới trên 700 triệu dân với thu nhập bình quân đầu người cao, nên chắc chắn nhu cầu tiêu thụ hàng hóa và sức mua tiêu dùng sẽ rất cao. Theo tính toán sơ bộ, khi các Hiệp định thương mại tự do chính thức được ký kết thì kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam với các đối tác sẽ tăng trưởng bình quân từ 12-20% mỗi năm. Đây là cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm thế mạnh, nhất là dệt may, da giầy, nông-thủy sản và công nghiệp chế biến…không chỉ góp phần đẩy mạnh sản xuất trong nước, thúc đẩy tăng trưởng mà còn nâng cao thu nhập cho người lao động./.