Khai mạc phiên rà soát Chính sách Thương mại lần thứ 2 của Việt Nam tại WTO
VOV.VN - Chiều 27/4, trong khuôn khổ Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), phiên rà soát Chính sách Thương mại lần thứ 2 của Việt Nam được Bộ Công Thương tổ chức dưới hình thức trực tuyến.
Trong khuôn khổ Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) bên cạnh đàm phán và giải quyết tranh chấp, công tác rà soát chính sách thương mại là một trong ba cột trụ của WTO, được tiến hành định kỳ đối với tất cả các thành viên nhằm bảo đảm sự minh bạch trong việc thực hiện các cam kết và nghĩa vụ. Theo quy định hiện hành của WTO, Việt Nam nằm trong số các thành viên phải rà soát chính sách thương mại với chu kỳ là 7 năm/lần.
Thay mặt Đoàn Việt Nam, ông Trần Quốc Khánh - Thứ trưởng Bộ Công Thương đã nêu bật những kết quả rất tích cực và nổi trội của Việt Nam kể từ phiên rà soát chính sách thương mại lần đầu vào năm 2013, bao gồm các kết quả về xuất nhập khẩu, tăng trưởng và cải cách kinh tế, cũng như định hướng xây dựng và thực thi chính sách liên quan đến thương mại trong thời gian tới. Đồng thời nhấn mạnh quyết tâm tiếp tục quá trình hội nhập toàn diện, sâu rộng, cải cách kinh tế cũng như nghiêm túc thực hiện các cam kết quốc tế.
“Báo cáo rà soát, thống kê thương mại thế giới năm 2020 của WTO cũng đã ghi nhận rằng, trong số 50 nước có nền thương mại hàng hóa lớn nhất thế giới, Việt Nam có mức tăng trưởng lớn nhất, khi dịch chuyển từ vị trí thứ 39 vào năm 2009 lên vị trí thứ 23 vào năm 2019. Tất cả cho thấy Việt Nam là đất nước mở như thế nào, sau khi gia nhập WTO với các tiêu chí và thực thi nghiêm túc các cam kết gia nhập của mình.
Trong những năm gần đây, việc ký kết và thực thi một loạt các Hiệp định Thương mại tự do cùng với nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, duy trì ổn định an ninh chính trị và phát triển kinh tế, Việt Nam đã đạt được những kết quả rất tích cực, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, tạo động lực cho việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Bên cạnh các chỉ số về kinh tế, Việt Nam cũng đã đạt được những kết quả tích cực về phát triển bền vững” - Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh nói.
Tại phiên họp, các đại diện của Thành viên WTO cũng đã ghi nhận sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam, đồng thời đưa ra các câu hỏi để đại diện phía Việt Nam trả lời, như: về môi trường kinh tế Việt Nam, thể chế thương mại và đầu tư, các chính sách thương mại về quy định hải quan, thuế xuất nhập khẩu ưu đãi, phòng vệ thương mại, sở hữu trí tuệ, mua sắm chính phủ, chính sách phát triển một số ngành trọng điểm như nông nghiệp, thủy sản, năng lượng, công nghiệp, giao thông vận tải, dịch vụ viễn thông./.