Khánh Hòa gặp nhiều vướng mắc khi tiếp cận gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng
VOV.VN - Nhiều cơ sở kinh doanh có nợ xấu nên khó tiếp cận gói 26.000 tỷ đồng.
Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Tổng giá trị gói hỗ trợ khoảng 26.000 tỷ đồng. Trước thông tin này, người lao động, nhất là lao động tự do rất phấn khởi và mong chờ chính sách nhanh chóng đi vào cuộc sống. Tuy nhiên, thực tế việc triển khai ở tỉnh Khánh Hòa đang gặp nhiều vướng mắc.
Anh Nguyễn Đức Long, 40 tuổi, ở phường Vĩnh Hải, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa làm nghề vận chuyển thực phẩm, thu nhập rất bấp bênh. Trước khi xảy ra dịch COVID-19, anh làm nghề dịch vụ du lịch, không còn khách du lịch, anh phải xoay đủ nghề để mưu sinh nhưng nghề nào cũng khó khăn, chỉ làm được 2-3 tháng. Khi nghe Chính phủ có chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do COVID-19, anh Nguyễn Đức Long mong muốn những người lao động tự do như mình sớm được thụ hưởng chính sách nhân văn này.
Anh Long nói: “Trừ xăng, xe cộ hết rồi thì còn 1 ngày khoảng gần 100.000. Bây giờ cách ly, người ta ở nhà cũng hạn chế ra đường, nấu ăn ở nhà hết rồi. Shipper đồ ăn như tôi cũng hơi khó. Mong muốn nhất là gói hỗ trợ của Nhà nước, người dân mới yên tâm ở nhà, nhiều người lo cơm từng bữa. Tôi bây giờ 1 ngày mà không đi làm thì đói hẳn luôn.”
Nghị quyết 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 được nhiều người lao động mong chờ. Chính sách cho vay trả lương phục hồi sản xuất, kinh doanh, mức cho vay để trả lương ngừng việc phù hợp với thực tế hiện nay. Tuy vậy, nhiều doanh nghiệp cho rằng, việc tiếp cận nguồn vốn này còn nhiều khó khăn.
Ông Phạm Minh Nhựt, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa - Tổng Giám đốc Công ty Hòn Tằm biển Nha Trang cho biết, trước đây, thực hiện Nghị quyết 42 của Chính phủ có rất ít doanh nghiệp tại Khánh Hòa tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi. Đến nay, đa số doanh nghiệp trong số hơn 60 doanh nghiệp thành viên Hiệp hội đã dừng hoạt động, số còn lại hoạt động cầm chừng. Doanh nghiệp do ông quản lý cũng đã đóng cửa từ lâu, 85% lao động đã nghỉ việc, số còn lại làm việc cầm chừng, luân phiên. Việc tiếp cận nguồn vốn vay theo Nghị quyết 68 của Chính phủ sẽ gặp nhiều trở ngại như: Người sử dụng lao động không có nợ xấu tại tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại thời điểm đề nghị vay vốn, có người làm việc theo hợp đồng đang tham gia Bảo hiểm xã hội bắt buộc đến thời điểm đề nghị vay vốn.
Ông Phạm Minh Nhựt cho biết: “Mặc dù doanh nghiệp dừng hoạt động nhưng vẫn duy trì hơn 100 người để bảo vệ cảnh quan môi trường. Đương nhiên, chính sách ra hỗ trợ phải gần cuộc sống, hỗ trợ được nhiều doanh nghiệp trong ngành du lịch. Nhưng mà để tiếp cận được, các điều kiện này để thỏa mãn được cũng thật sự rất khó, nhiều yếu tố không đạt được. Từ đầu năm 2020, người ta đã nghỉ gần hết rồi, họ vẫn làm việc nhưng làm không đủ 12 ngày cũng không đóng được bảo hiểm xã hội.”
Trước đây, trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa có 138 doanh nghiệp lữ hành nhưng đến nay chỉ còn khoảng 1/2 số doanh nghiệp này còn tồn tại, hoạt động cầm chừng. Toàn tỉnh có hơn 1.500 hướng dẫn viên du lịch có Thẻ hướng dẫn viên còn hạn sử dụng. Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Lệ Thanh, Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa thì nhiều hướng dẫn viên sẽ không được thụ hưởng mức hỗ trợ dành cho hướng dẫn viên theo Nghị quyết 68 bởi ngoài vấn đề có thẻ, hướng dẫn viên phải có hợp đồng lao đồng hoặc hội viên của tổ chức xã hội- nghề nghiệp về hướng dẫn viên du lịch.
Bà Thanh cho hay: "Vướng là vướng hợp đồng lao động, đa số là hướng dẫn viên tự do. Doanh nghiệp lữ hành ít có hợp đồng lao động dài hạn với lực lượng hướng dẫn viên. Khi nào có tour, có đoàn thì hợp đồng tour trọn gói đó thôi. Khi mà các em không tham gia Hội hướng dẫn, bây giờ lại thiệt thòi".
Từ đầu năm 2021, Khánh Hòa cũng là địa phương bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh COVID-19. UBND tỉnh đã giao các Sở, ngành tham mưu, kịp thời hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Tuy nhiên, quá trình thực hiện sẽ phát sinh nhiều khó khăn, vướng mắc, bởi những đối tượng đặc thù như doanh nghiệp du lịch, hướng dẫn viên du lịch…
Ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa đề nghị các ngành cần tham mưu cho tỉnh kiến nghị với Trung ương tháo gỡ các vướng mắc trong quá trình thực hiện: “Sở Tài chính chuẩn bị nguồn lực, ngân sách địa phương chuẩn bị 60%, ngân sách Trung ương hỗ trợ 40%. Với gói 26.000 tỷ đồng này cần triển khai sớm, Sở Lao động- Thương binh và Xã hội phải xác minh các đối tượng, thành phần để cùng với Sở Tài chính lập danh sách kịp thời hỗ trợ những người bị thiệt hại do COVID-19./.”