Khánh Hòa thu hút đầu tư, lấp đầy các khu công nghiệp, cụm công nghiệp
VOV.VN - Tỉnh Khánh Hòa đang thực hiện nhiều giải pháp thu hút đầu tư các dự án sản xuất công nghiệp, tạo nguồn thu ngân sách bền vững. Đây là một trong những nhiệm vụ then chốt để tỉnh Khánh Hòa trở thành đô thị trực thuộc Trung ương vào năm 2030.
Tại xã Diên Thọ, huyện Diên Khánh, bên cạnh công trường cao tốc Bắc - Nam đang khẩn trương thi công thì Cụm Công nghiệp Diên Thọ do Công ty Cổ phần đầu tư VCN làm chủ đầu tư đang được triển khai. Đây là dự án thứ 2 của doanh nghiệp này tại huyện Diên Khánh sau khi Cụm Công nghiệp VCN Diên Phú được đầu tư trước đó nay đã lấp đầy. Cụm Công nghiệp Diên Thọ có vị trí thuận lợi ra Bắc, vào Nam, lên Tây Nguyên khi rất gần với Quốc lộ 27C, cao tốc Bắc - Nam, cao tốc Nha Trang - Đà Lạt. Ông Nguyễn Minh Hải, Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư VCN chia sẻ, tại đây sẽ thu hút các nhà máy sản xuất có quy mô vừa, thân thiện với môi trường.
"Công ty dần thu hút đầu tư rổi, giới thiệu quảng bá cho nhà đầu tư quan tâm, tìm hiểu thông tin. Quy hoạch 1/500 cũng có rồi, cũng hình thành các khu chức năng trong đó rồi. Công tác kiểm kê, kiểm đếm rồi của xác minh nguồn gốc đất đang làm gần xong rồi, chờ giá đất bồi thường thôi. Hạ tầng liên vùng là yếu tố thúc đẩy xúc tiến vào cụm công nghiệp tốt hơn, Cụm Công nghiệp Diên Thọ có lợi thế vì kết nối với cáo tốc Bắc Nam".
Cũng nằm trên Quốc lộ 27C đoạn qua huyện Khánh Vĩnh, Cụm công nghiệp Sông Cầu với diện tích gần 40 héc ta có tổng vốn đầu tư gần 350 tỷ đã hoàn chỉnh hạ tầng, đang thu hút các doanh nghiệp thứ cấp. Đây là cụm công nghiệp đầu tiên tại vùng miền núi của tỉnh Khánh Hòa. Các doanh nghiệp sau khi đầu tư, ưu tiên tuyển dụng lao động người đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương. Ông Văn Ngọc Hường, Chủ tịch UBND huyện Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa cho rằng, giải pháp này giúp người dân địa phương thoát nghèo bền vững, sớm đưa huyện Khánh Vĩnh ra khỏi danh sách huyện nghèo:
"Ngay bước đầu đã giải quyết được một số lao động việc làm trên địa bàn rồi. Về tương lai, nếu Cụm công nghiệp Sông Cầu lấp đầy các phân xưởng sản xuất của các nhà máy, người dân huyện Khánh Vĩnh sẽ được vào làm nhiều hơn, rất thiết thực cho công tác giảm nghèo, cần một người lao động có thu nhập khoảng chừng 5-7 triệu/tháng cho một gia đình, gia đình thoát nghèo bền vững rồi".
Nhiều năm qua, tỉnh Khánh Hòa chú trọng phát triển du lịch nên việc thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp chưa được quan tâm đúng mức, chưa phát huy được tiềm năng kinh tế biển của địa phương. Theo quy hoạch tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trên địa bàn tỉnh có 14 cụm công nghiệp với tổng diện tích gần 670 héc ta. Đến nay đã có 9 cụm công nghiệp được thành lập với tổng diện tích hơn 360 héc ta, tỷ lệ lấp đầy đạt 78%; 80 cơ sở sản xuất tại các cụm công nghiệp tạo việc làm ổn định cho khoảng 5.000 lao động. Trong khi đó, toàn tỉnh chỉ có 4 Khu công nghiệp với tổng diện tích gần 1.000 héc ta. Đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045, ngoài các Khu công nghiệp hiện hữu, Chính phủ cho phép tỉnh Khánh Hòa mở rộng, phát triển thêm 10 Khu công nghiệp với diện tích đất phân bổ khoảng 3.300 héc ta.
Ông Phan Thanh Liêm, Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế Vân Phong cho biết, 3 năm qua, Khu kinh tế thu hút được 5 dự án mới, 11 dự án tăng vốn với tổng vốn đăng ký hơn 25 ngàn tỷ đồng thuộc các lĩnh vực năng lượng, chế biến thủy sản, logictics..., trong đó có dự án hạ tầng Khu công nghiệp Dốc Đá Trắng với diện tích gần 290 héc ta, tại huyện Vạn Ninh: "Phát triển du lịch mình rất tốt, dân hưởng được rất nhiều, môi trường sinh thái rất tốt nhưng quy mô kinh tế lại nhỏ. Cho nên, bây giờ, lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa đang quan tâm thu hút về công nghiệp, cũng đáng mừng, chỉ cần một khu công nghiệp vào coi như ngân sách lên vùn vụt. Ưu tiên cho công nghiệp năng lượng sạch, cảng tổng hợp, dịch vụ hậu cần cảng logictics, lọc hóa dấu".
Vừa qua, nhiều nhà đầu tư quan tâm nghiên cứu, khảo sát, đề xuất các dự án lớn, đặc biệt trong lĩnh vực lọc hóa dầu, cảng tổng hợp, khu công nghiệp, điện khí... Tuy nhiên, do các quy hoach chuyên ngành chưa đồng bộ nên chưa đủ cơ sở thu hút các nhà đầu tư vào các dự án cụ thể. Trong khi đó, các dự án đầu tư hạ tầng khu công nghiệp đang được nhiều doanh nghiệp lớn ký bản ghi nhớ với UBND tỉnh.
Ông Nguyễn Hải Ninh, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa đề nghị các sở, ngành liên quan khẩn trương rà soát, hoàn thiện các quy hoạch chuyên ngành để đủ điều kiện thu hút đầu tư các dự án. Đồng thời, UBND tỉnh chủ động làm việc với các nhà đầu tư đã ký bản ghi nhớ, hỗ trợ, hướng dẫn lập hồ sơ đề xuất đầu tư ngay khi các quy hoạch phân khu được phê duyệt và đẩy nhanh thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư triển khai dự án. Ông Nguyễn Hải Ninh đề nghị đẩy mạnh công tác xúc tiến, tìm kiếm các nhà đầu tư chiến lược, có trọng tâm, trọng điểm vào các ngành nghề ưu tiên vào Khu kinh tế Vân Phong.
"Đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án kết cấu hạ tầng trọng điểm và dự án đang triển khai rất nhiều. Chúng ta đang có nhiều quy hoạch, quy hoạch phân khu cũng rất nhiều nhưng không dàn hàng ngang mà phải ưu tiên những phân khu có nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư chiến lược quan tâm để gắn với việc triển khai dự án. Tỉnh phải tạo điều kiện tối đa cho nhà đầu tư nhưng phải vô tư".