Khánh Hòa tiếp tục là điểm sáng về tăng trưởng kinh tế
VOV.VN - Kết thúc năm 2023, GRDP của tỉnh Khánh Hòa ước tăng 10,35%, đứng thứ 4 cả nước và là năm thứ hai dẫn đầu khu vực miền Trung. Tỉnh Khánh Hòa đang có những bước đi vững chắc để đến năm 2030 trở thành đô thị trực thuộc Trung ương. Bên cạnh đó, những hạn chế nội tại của kinh tế địa phương cũng được nhận diện và từng bước cơ cấu lại.
Năm 2023, ngành Du lịch tỉnh Khánh Hòa tiếp tục hồi phục mạnh mẽ. Đến nay, các chỉ tiêu về lượng khách và doanh thu đã vượt năm 2019 (là năm cao điểm du lịch trước dịch Covid-19). Năm 2023, tỉnh Khánh Hòa đón hơn 7 triệu lượt khách, doanh thu gần 32.000 tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2019. Không chỉ riêng thành phố biển Nha Trang mà các khu du lịch ở Bãi Dài, Cam Ranh tiếp tục là điểm dến hấp dẫn của nhiều du khách trong và ngoài nước.
Ngay từ cuối năm 2022, trong bối cảnh các thị trường truyền thống như Trung Quốc, Nga gặp nhiều khó khăn, tỉnh Khánh Hòa đã chủ động xúc tiến, mở rộng thị trường khác như du lịch nội địa, du khách Hàn Quốc và các quốc gia vùng Trung Á. Tỉnh Khánh Hòa phối hợp các bộ, ngành tổ chức hàng loạt sự kiện như: Khánh Hòa-370 năm hình thành và phát triển, Festival Biển, Chương trình Chính luận, nghệ thuật "Mạnh giàu từ biển quê hương", Liên hoan phim Cánh diều vàng... Các sự kiện quy mô lớn được tổ chức thường xuyên, thu hút rất đông du khách, được cộng đồng doanh nghiệp hưởng ứng.
Bà Lê Thanh Hà, Giám đốc Công ty Du lịch Thiên Hà, chuyên đưa khách tham quan vịnh Nha Trang cho biết: "Những sự kiện vừa rồi của tỉnh là điểm nhấn nổi bật để khẳng định, lôi cuốn du khách đến tham quan các sản phẩm văn hóa, du lịch của địa phương. Mỗi lần như vậy, tôi và nhân viên của Công ty rất hứng khởi, nỗ lực phục vụ du khách. Năm nay, chúng tôi không phải bù lỗ như 3 năm trước, tạo được công ăn việc làm cho nhiều người".
Năm 2023, kinh tế thế giới có nhiều biến động, ảnh hưởng trực tiếp đến những địa phương tham gia hội nhập sâu như Khánh Hòa. Trong bối cảnh đó, bên cạnh việc đẩy mạnh tiêu thụ nội địa, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tỉnh Khánh Hòa chủ động tìm kiếm thị trường mới trong xuất khẩu.
Từ chỗ gặp nhiều khó khăn, đến cuối năm nay, kim ngạch xuất khẩu tỉnh Khánh Hòa đạt hơn 1,75 tỷ USD, tăng gần 6% so với năm 2022. Trong đó, thủy sản, tàu biển vẫn là 2 lĩnh vực chiếm tỷ trọng lớn nhất, gần 75%. Năm 2023, Công ty TNHH Đóng tàu Huyndai Việt Nam đóng mới 14 tàu hàng, doanh thu hơn 540 triệu USD.
Ông Lê Văn Toàn, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Đóng tàu Huyndai Việt Nam cho biết, đây là năm thứ 2, doanh nghiệp có doanh thu vượt 500 triệu đô la Mỹ. Đến thời điểm này, doanh nghiệp đã có các đơn hàng, đảm bảo việc làm ổn định cho hơn 5 ngàn lao động đến hết năm 2026.
"Thu nhập năm 2023 cao hơn năm 2022, nguồn nhân lực của Hyundai được đào tạo căn bản. Với khối lượng công việc ổn định, đó là nền tảng giữ được năng lực, nguồn lực lao động tay nghề cao cho ngành đóng tàu tại Hyndai cũng là một phần giữ nguồn nhân lực cho ngành đóng tàu Việt Nam bây giờ và sau này. Công ty đảm bảo đời sống ổn định cho người lao động là một trong những yếu tố rất quan trọng" - ông Toàn chia sẻ.
Năm 2023, tỉnh Khánh Hòa tập trung thực hiện đúng phương châm hành động của năm là "Quy hoạch - Đầu tư". Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Khánh Hoà thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Điều chỉnh Quy hoạch chung Khu kinh tế Vân Phong đến năm 2040; Tỉnh đã tổ chức thành công Hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư.
Lãnh đạo tỉnh, cộng đồng doanh nghiệp đã thực hiện nhiều chuyến công tác đến các quốc gia như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Pháp..., đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm. Đến nay, nhiều sản phẩm đặc trưng của vùng đất Khánh Hòa như sầu riêng, yến sào, thủy sản được xuất khẩu chính ngạch đến các thị trường lớn.
Bà Trịnh Thị Hồng Vân, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Nhà nước Một thành viên Yến sào Khánh Hòa cho biết, cuối tháng 11 vừa qua, sản phẩm yến sào Khánh Hòa được xuất khẩu sang Trung Quốc.
Theo bà Vân: "Với thị trường Trung Quốc thì cơ chế, chính sách rất khác so với các thị trưởng khác. Thị trường này rất khắt khe, rất am hiểu về yến sào. Đây là một thị trường tiềm năng. Trong thời gian sắp tới, chúng tôi sẽ cố gắng, nỗ lực phối hợp đối tác bên Trung Quốc mở rộng thị trường, chiến lược kinh doanh phù hợp, phát triển các dòng sản phẩm mang lại kim ngạch xuất khẩu tăng, tăng nộp ngân sách".
Năm 2023, lần đầu tiên quy mô kinh tế Khánh Hòa vượt 100.000 tỷ đồng, toàn tỉnh thu hút được 17 dự án đầu tư ngoài ngân sách, tổng số vốn đăng ký hơn 100.000 tỷ đồng.
Bước vào năm 2024, tỉnh Khánh Hòa chọn chủ đề của năm là "Quản trị và Điều hành", quyết tâm tạo chuyển biến thực chất trong nhận thức, hành động về một chính quyền phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho rằng, để đạt mục tiêu tăng trưởng 8,1% vào năm 2024, tỉnh sẽ đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển các dự án công nghiệp. Trước mắt là tập trung hoàn thành các quy hoạch đô thị, quy hoạch phân khu, quy hoạch vùng huyện để làm cơ sở triển khai các dự án đầu tư và tạo điều kiện thuận lợi thu hút các nhà đầu tư chiến lược, tiềm năng vào địa phương. Tỉnh sẽ tổ chức Diễn đàn chính sách địa phương năm 2024, qua đó tham khảo, học tập kinh nghiệm các địa phương khác trong giải phóng mặt bằng, đầu tư công, phát triển xanh, sạch, bền vững...
Trong quá trình phát triển, tỉnh Khánh Hòa đặc biệt quan tâm đến đồng bào dân tộc thiểu số, thực hiện hiệu quả các dự án của Chương trình mục tiêu quốc gia vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Ông Nguyễn Tấn Tuân quả quyết, năm 2024, cả tỉnh phấn đấu đưa 2 huyện miền núi Khánh Sơn, Khánh Vĩnh ra khỏi danh sách huyện nghèo, không còn gia đình đảng viên là hộ nghèo, không còn hộ gia đình chính sách là hộ cận nghèo.
"Vẫn lấy đà phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn. Trong 2 năm đến, phát triển các khu đô thị mới, các khu du lịch mới. Trong lĩnh vực nông nghiệp, tập trung nuôi biển, tăng cường xuất khẩu thủy sản. Các nhà đầu tư trên lĩnh vực công nghiệp tham gia vào. Khánh Hòa sẽ có lợi thế sẽ thu ngân sách cao, nâng cao mức sống nhân dân"- ông Tuân nhấn mạnh.