Khó chưa từng có, doanh nghiệp cà phê vẫn lạc quan trước “dốc đứng” thị trường
VOV.VN - Các doanh nghiệp chế biến cà phê ở khu vực Tây Nguyên đang trong giai đoạn khó khăn nhất trong nhiều năm qua, khi giá cà phê nguyên liệu tiếp tục lập những đỉnh cao mới, bỏ xa mức tăng của sản phẩm sau chế biến.
Tình thế này khiến doanh nghiệp bị mất lợi nhuận, thậm chí thua lỗ, phải thu hẹp quy mô sản xuất. Tuy nhiên, đa số doanh nghiệp cà phê ở Tây Nguyên vẫn lạc quan khi cho rằng mức giá mới là công bằng, sẽ xây nền cho phát triển hài hòa, bền vững ngành cà phê trong giai đoạn tới.
Càng về cuối vụ sản xuất 2023 - 2024, giá cà phê càng liên tiếp lập những kỷ lục mới. Đa số người trồng cà phê tranh thủ “cập bờ” ở mức giá 90 triệu đồng/tấn, kết thúc mỹ mãn một vụ sản xuất bội giá, bội thu. Trái lại, từ khi giá cà phê nhân vượt ngưỡng 80 triệu đồng/tấn, đa số doanh nghiệp chế biến cà phê ở Tây Nguyên đã phải giảm quy mô sản xuất hoặc ngừng nhận đơn hàng, chờ sóng giá thị trường bình ổn. Nhưng đã gần 3 tháng trôi qua, doanh nghiệp vẫn tiếp tục phải chờ vì cà phê không ngừng leo dốc, lên mức giá 93 rồi 95 triệu, và nay đã xấp xỉ 100 triệu đồng/tấn.
Ông Phan Bá Kiên, Giám đốc Công ty TNHH BaKa, chuyên chế biến cà phê rang xay và cà phê hòa tan ở tỉnh Gia Lai cho biết, dù đã có kế hoạch khá tỉ mỉ, dự phòng những tình huống lên giá cho cả niên vụ, nhưng với mức tăng của giá cà phê năm nay doanh nghiệp đành bó tay chịu thua lỗ.
“Đối với các đơn hàng hợp đồng đã ký, doanh nghiệp chấp nhận chịu lỗ. Sau này, mình phải thuyết phục khách hàng, điều chỉnh ở những đơn hàng mới” - ông Kiên cho biết.
Lợi nhuận suy giảm hoặc bó tay chịu lỗ là tình hình chung của các doanh nghiệp chế biến cà phê hiện nay. Tuy nhiên, điều này không tạo nên tâm lý bi quan ở các doanh nghiệp.
Theo bà Dương Thị Sơn Long, Giám đốc Công ty TNHH cà phê Uyên Phương, chuyên sản xuất cà phê bột và có chuỗi quán cà phê ở Đắk Lắk, việc giá cà phê nguyên liệu lên cao cho thấy ngành này đang hướng tới sự công bằng. Bởi lẽ, nhiều năm qua, giá cà phê nguyên liệu chỉ trên dưới 40 triệu đồng/tấn thì giá sản phẩm luôn cao ít nhất gấp 4 lần. Khi đó, hầu như chỉ doanh nghiệp có được lợi nhuận thỏa đáng, còn người sản xuất ra hạt cà phê chịu thiệt thòi, đến mức phải phá diện tích, rời bỏ cây cà phê.
Bà Long cho rằng, giai đoạn tăng giá gây khó cho doanh nghiệp sẽ kéo dài không lâu. Mặt bằng giá mới sẽ sớm được thiết lập, để cả nông dân, doanh nghiệp chế biến, kinh doanh cà phê cùng chia sẻ giá trị của ngành hàng: “Bản thân rất đau đầu về việc cà phê tăng giá nhưng mình vẫn thấy vui. Nếu cà phê cứ duy trì giá như thế này thì nông dân sẽ không thay cà phê bằng các cây khác như sầu riêng…Vì sao diện tích cà phê ngày càng suy giảm? Đó là vì cà phê quá rẻ. Lúc này người tiêu dùng chưa chấp nhận được tăng giá vì mới ở giai đoạn đầu. Khi quen rồi thì họ sẽ chấp nhận. Khi ấy cả nông dân và DN cà phê, đều có thể sống khỏe” - bà Long chia sẻ.
Cùng cách nhìn về triển vọng công bằng hơn trong phân chia lợi ích chuỗi giá trị sản phẩm cà phê, ông Lê Đức Huy, Tổng Giám đốc Công ty TNHH XNK 2.9 - Simexco Đắk Lắk cho rằng, khó khăn hiện nay cũng thúc đẩy các doanh nghiệp tăng cường liên kết và nỗ lực đổi mới. Những năm qua, các doanh nghiệp ở Tây Nguyên chủ yếu mới chỉ liên kết với nông dân để xây dựng vùng nguyên liệu. Tình thế hiện tại đòi hỏi doanh nghiệp phải liên kết cùng nhau, song hành giữa việc tìm thêm thị trường xuất khẩu và phát triển thị trường trong nước.
“Có khó khăn, có lo lắng đầu vào nhưng vẫn có những điều tích cực. Nhu cầu của thị trường hiện nay còn rất lớn. Mỗi người đều có thể tồn tại khi có sự khác biệt và sự khác biệt ấy đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Ví dụ như Simexco, mặc dù đã bán được nhiều cho khách hàng quốc tế, nhưng chúng tôi vẫn phải nghĩ cách phục vụ thêm cho thị trường miền Bắc để đảm bảo được cho nhà rang xay. Và đâu đó, những doanh nghiệp nhỏ thì đã chuẩn bị tâm thế, chủ động liên kết và có cách làm để có thể phát triển lớn trong nay mai” - ông Huy bày tỏ.
Tây Nguyên hiện có khoảng 640.000 ha cà phê, là vùng sản xuất cà phê Robusta lớn nhất thế giới. Đây cũng là ngành sản xuất gần đạt tới sự hoàn thiện, cà phê ở vùng nguyên liệu luôn bán được với giá gần với mức giá giao ngay trên các sàn cà phê thế giới. Tuy nhiên, giá trị sản xuất trung bình mỗi héc ta cà phê ở đây những năm qua chỉ đạt khoảng 120 triệu đồng/năm. Với các vùng chất lượng cao được doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm, giá trị mỗi héc ta cà phê cũng chỉ tăng thêm khoảng 10%, không thể giúp nông dân đảm bảo cuộc sống.
Việc giá cà phê nguyên liệu vươn tới gần 100 triệu đồng/tấn trong niên vụ này, được coi là lẽ công bằng cho nhà nông. Các doanh nghiệp cà phê thấu hiểu điều đó và đang tích cực chuẩn bị cho lộ trình phát triển mới, hướng tới lợi ích hài hòa và phát triển bền vững.